(vhds.baothanhhoa.vn) - Bà Dậu - người đàn bà xóm núi ven sông cả đời nhọc nhằn. Vậy nhưng, bà lại có một niềm tin tuyệt đối vào “bề trên”. Chẳng có kì lễ lớn, nhỏ nào trong làng bà vắng mặt. Người dân trong làng đã quen với câu cửa miệng “lạy trên” của bà.

Chuyện bà Dậu xóm núi

Bà Dậu - người đàn bà xóm núi ven sông cả đời nhọc nhằn. Vậy nhưng, bà lại có một niềm tin tuyệt đối vào “bề trên”. Chẳng có kì lễ lớn, nhỏ nào trong làng bà vắng mặt. Người dân trong làng đã quen với câu cửa miệng “lạy trên” của bà.

Chuyện bà Dậu xóm núi

Bà Dậu xóm núi đã quen với câu cửa miệng “lạy trên”. (Ảnh minh họa: Khánh Lộc)

Cái sự vất vả của bà Dậu hiển hiện trên gương mặt khắc khổ và ngay trong dáng đi. Xã hội phát triển với nhiều loại hình, phương tiện giao thông hiện đại nhưng đến xe… đạp bà Dậu cũng chưa bao giờ dám tự đi. Đời bà, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay vẫn chỉ biết có đi bộ. Và thêm lái chiếc xe thồ cải tiến - thứ mà người ta những tưởng chỉ còn thấy ở gian trưng bày về thời bao cấp trong bảo tàng. Có lẽ, cũng bởi cả đời cứ cặm cụi bên chiếc xe thồ nên ở xóm núi, đố ai thồ giỏi được như bà Dậu. Chiếc xe chòng chành với hai giành hai bên chở đến hàng tạ, từ lúa, lạc đến phân, tro… được bà điều khiển một cách điệu nghệ.

Cũng bởi chỉ có đi bộ, nên bà Dậu đi mà như chạy, bước chân vội vã tưởng chừng không chạm đất, còn đầu lúc nào cũng cúi xuống, chẳng biết tìm gì. Nhiều người bảo bà tham công tiếc việc, đến ngần này tuổi rồi mà vẫn cứ phải lăn ra, rồi chết cũng chẳng mang theo được. Mỗi lần nghe vậy, bà lại cất giọng khàn khàn vừa đủ nghe: “Vâng, số em khổ quen rồi”.

Số bà Dậu thực không may mắn. Ông chồng thường xuyên rựu chè, say xỉn, không phụ giúp được bà việc đồng áng, lợn gà, đã thế lại còn đánh chửi vợ con, đập phá đồ đạc. Người dân xóm núi không ít lần phải chạy sang “giải” vây cho bà. Mà cũng lạ, chồng như vậy nhưng người ta lại chưa bao giờ thấy bà tức nước vỡ bờ mà “khẩu chiến” với chồng cho ra ngô ra khoai, chỉ có sự im lặng chịu đựng, bởi “số em nó thế rồi”.

Vài năm trước, chồng bà qua đời vì uống rượu nhiều dẫn đến chảy máu dạ dày quá nặng. Một mình bà Dậu sống trong căn nhà ngói thấp cũ. Con gái lấy chồng làng bên nhưng vì kinh tế không khấm khá nên cũng chẳng thể thường xuyên qua thăm mẹ. Còn anh con trai làm nhà gần đó, nhưng cũng tính cục cằn, chị vợ lại chanh chua lắm lời nên gia đình chẳng mấy khi yên. Thành thử, chỉ khi có đồng quà tấm bánh, lúc vài quả trứng… mang sang cho cháu bà mới đến nhà con trai. Còn không, bà cứ lủi thủi một mình như vậy.

Bà Dậu khổ, đã đành. Bà luôn mặc định cái số mình phải khổ, nên chẳng dám kêu la với ai. Nhưng bà Dậu cũng là con người, cũng biết buồn đau, khổ sở và bà chọn cách “thầm thì” với thần linh về cái sự khổ của mình. Bởi thế, ngày rằm ngày tết, rồi các kì lễ hội của làng chẳng bao giờ vắng bà Dậu. Bà tin, chỉ có thần linh, bề trên mới thấu hết nỗi khổ của mình. Vậy nên, bà Dậu có thể tằn tiện từng đồng cho mình, chứ nhất quyết không thể sơ sài lễ vật dâng cúng mỗi lần đi lễ.

- Bà Dậu dạo này có khỏe không, một người làng trên gặp bà Dậu khi bà trên đường đi lễ vồn vã thăm hỏi?

- Lạy trên thương cho em sức khỏe nên được cái không ốm đau gì bác ạ.

không biết lời bà Dậu có đúng? Nhưng quả thực, bà lam lũ vất vả là vậy mà tuyệt nhiên chưa thấy đi bệnh viện. Cũng mừng cho bà, vì nếu chẳng may bà ốm thì cũng chẳng biết lấy ai chăm sóc.

Bẵng đi thời gian không thấy bà Dậu. Hôm rồi tình cờ mới gặp bà qua ngõ nhà tôi. Nhưng thay vì đi sau chiếc xe thồ như thường lệ, hôm nay bà đi người không, vẫn cái dáng đi vội vã. Thấy người bà “rốc” đi, gương mặt hốc hác. Tôi níu lại hỏi thăm:

- Bà Dậu mới ốm hay sao mà nay nhìn xanh xao thế?

- Cháu đấy à. Chả hiểu sao bà ốm cả gần tháng nay rồi. Bao nhiêu năm chưa từng phải uống thuốc mà đợt này bệnh nó “vật” cho kinh quá.

- Thế bà đã đi bệnh viện khám chưa?

- Bà chưa đi khám. Nhưng có ra hiệu thuốc khai bệnh rồi người ta cắt thuốc cho uống mà mãi không khỏi. Bà lên phủ, “cậu” bảo bà có “căn”, thuốc trần chữa không khỏi, phải làm lễ, mà tốn kém quá, hết những 3 triệu. Đấy là “cậu” thương hoàn cảnh của bà khó khăn, chứ người khác phải hết nhiều hơn. Bà đang đi ra đầu làng gọi chị hàng xáo vào bán mấy tạ lúa lấy tiền gửi “cậu” làm lễ. Chứ cứ ốm đau thế này, sức đâu mà làm việc…

- Sao bà không đi khám bệnh xem thế nào rồi về còn chữa trị. Chứ lễ lạt, bà làm lúc nào chẳng được. Bề trên thương bà, nên chắc không trách chuyện bà làm lễ chậm tí đâu.

- Ừ, cháu nói cũng có lí. Nhưng bà không biết đi xe, lại phiền con cháu, chúng nó còn bận làm ăn…

- Không sao. Sáng mai bà qua nhà cháu sớm, trên đường đi làm cháu chở bà qua bệnh viện để bà khám bệnh. Trưa về cháu qua bệnh viện đón bà.

- Ừ vậy, lạy trên! Để mai nhờ cháu chở bà lên bệnh viện khám xem thế nào…

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]