(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách đây ít lâu, tôi đã kể về anh Khoai làng tôi, một nông dân cần cù, ham học hỏi đã cải hóa khu đồng lầy thụt thành một trang trại tổng hợp khép kín.

Không bán cau non

Cách đây ít lâu, tôi đã kể về anh Khoai làng tôi, một nông dân cần cù, ham học hỏi đã cải hóa khu đồng lầy thụt thành một trang trại tổng hợp khép kín.

Không bán cau non

Đường vào khu trang trại được anh trồng hai hàng cau ta cao vút, có trầu bám quanh gốc, đứng trên đê nhìn xuống đã cảm nhận ngay được cảm giác yên bình, thư thả. Anh Khoai bảo, không chỉ níu giữ hồn quê, hàng cau, trầu ấy còn tạo nguồn thu nhập ổn định mỗi dịp tết đến, xuân về và ngày rằm, ngày lễ hàng tháng cho gia đình.

Mấy ngày gần đây, thấy anh tất tả ngược xuôi đi tìm mua cau giống, lại còn thuê người chặt hạ hàng chục gốc ổi, nhãn ở một góc trang trại để trồng cau. Mà không chỉ anh Khoai, nhiều gia đình trong làng cũng đua nhau đi mua cau giống, tận dụng từng khoảnh đất để trồng.

Rồi hẳn cũng như nhiều làng khác, làng tôi xuất hiện những tiểu thương lạ mặt đến tìm mua cau non, với giá rất cao. Nhà nào có dăm cây cau vừa trổ buồng, đã có thu nhập cả triệu bạc, thế nên chuyện bán cau, trồng cau trở nên xôn xao, nhiều người phấn khởi ra mặt.

Chỉ duy có bác trưởng làng là thêm tất tả, lo âu. Bác sang nhà nhờ tôi chở xe máy đi đến khu trang trại của anh Khoai để nắm tình hình. Gặp anh Khoai đang thẳng tay chặt một cây ổi, bác vội vàng chạy lại ngăn: “Cây ổi đang chi chít quả, sao cậu nỡ tay chặt bỏ đi thế”. Anh Khoai ngừng tay chào bác trưởng làng, rồi cầm cành ổi đầy quả non trên tay, giải thích: “Nhìn ngon lành thế đấy bác ạ, nhưng đến khi thu hoạch thì bị lụy hết cả, rụng đầy gốc, tốn công chăm sóc lắm”. Rồi chỉ tay sang mấy gốc cau non vừa trồng, anh bảo: “Không bằng cái anh cau này, chẳng mất mấy công trồng, chăm sóc, khi cho quả thì thu hoạch quanh năm, giá lại cao. Bác chẳng đã thấy cau còn non, mà mấy tay lái buôn đã thu mua tới 26.000 đồng mỗi cân đấy sao. Cháu sẽ phá bỏ hết ổi, chuyển sang trồng cau đây ạ”.

“Chết thật!” – bác trưởng làng xua tay rồi từ tốn khuyên anh Khoai: “Việc thương lái thu mua cau non bán cho Trung Quốc đã diễn ra từ nhiều năm trước, và hoàn toàn theo đường tiểu ngạch, rất nhiều rủi ro. Điều này, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều khuyến cáo đến bà con nông dân. Thực tế nhiều năm qua, bà con ta trên khắp cả nước đã có nhiều bài học trong quan hệ buôn bán nông sản tiểu ngạch với Trung Quốc, nào thanh long, dưa hấu... Khi cây này được giá thì ồ ạt phá bỏ cây khác để trồng, không theo quy hoạch gì cả, tự đẩy mình vào cái vòng ăn đong luẩn quẩn”.

Thấy anh Khoai chăm chú lắng nghe. Bác trưởng làng tiếp tục khuyên nhủ: “Chưa kể, việc thu mua cau non giá cao cũng là một dấu hiệu bất thường, nhưng không còn lạ lẫm của các thương lái lạ mặt anh Khoai ạ. Nó tương tự việc thu mua ốc bươu vàng, lá rau khoai non hay rễ hồ tiêu... trước đây. Vì một chút lợi nhuận trước mắt mà ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của gia đình là không nên, chưa kể còn ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển cây trồng và cả vấn đề trật tự xã hội nữa. Đơn giản nhé, anh bán hết cau non, ít hôm nữa tới ngày rằm sẽ không còn cau bán, bà con cũng khan hiếm cau để mua, tất yếu phải mua cau với giá đắt đỏ”.

Anh Khoai như người tỉnh ngủ, bắt tay bác trưởng làng thật chặt: “Thật cảm ơn bác quá, những việc bác nói, cháu cũng có nghe, có đọc, nhưng vì cái lợi trước mắt mà để thông tin trôi tuột đi. Để cháu đến nói chuyện thêm với các hội viên nông dân làng mình”.

“Ừ, thế anh đi cho kịp. Tôi cũng về soạn một bài tuyên truyền ngắn, phát trên loa truyền thanh để bà con cùng biết, cùng đề phòng rủi ro” – bác trưởng làng vui vẻ chào anh Khoai, lại nhắn nhủ thêm: “Mà tủ sách của làng vừa được bổ sung mấy cuốn sách hướng dẫn trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, trong đó có ổi, anh chịu khó lên đọc và ứng dụng nhé”.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]