(vhds.baothanhhoa.vn) - Ông Nha luôn tự hào về gia đình mình. Không chỉ có truyền thống hiếu học, đỗ đạt trong quá khứ, mà đến tận bây giờ con cháu ông vẫn thuộc tốp trên trong làng. Thì đấy thôi, ông có 5 người con trai thì 3 ở thủ đô, 1 ở trên tỉnh, người thì làm trong quân đội, người thì làm cán bộ văn hóa, người là doanh nhân, chỉ có anh con cả làm việc ở huyện, phụ giúp ông chuyện hương hỏa gia tiên.

Lỗ thủng từ chính lòng kiêu hãnh

Ông Nha luôn tự hào về gia đình mình. Không chỉ có truyền thống hiếu học, đỗ đạt trong quá khứ, mà đến tận bây giờ con cháu ông vẫn thuộc tốp trên trong làng. Thì đấy thôi, ông có 5 người con trai thì 3 ở thủ đô, 1 ở trên tỉnh, người thì làm trong quân đội, người thì làm cán bộ văn hóa, người là doanh nhân, chỉ có anh con cả làm việc ở huyện, phụ giúp ông chuyện hương hỏa gia tiên.

Lỗ thủng từ chính lòng kiêu hãnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các con ông cơ bản có học vị cao, lại đoàn kết, nên ông hả hê, nghe nói đi tới đâu cũng kể. Mà có khoe cũng chả sao, vì mấy ai được như thế.

Ông Nha thích nhất, cũng tự hào nhất là vào những ngày giỗ, con cái răm rắp nghe ông xếp đặt công việc. Khi lên mâm cơm cúng, ông thắp hương đứng trên cùng dâng lên bàn thờ, con cháu theo thứ bậc cứ thế bước lên chắp vái.

Vì là người có mối quan hệ nên gần như ngày giỗ trọng nào của gia đình ông Nha tôi cũng được mời.

Năm nay như thường lệ tôi lại được mời về nhà ông ăn giỗ. Vào sân đã thấy chiếc xe ô tô tải đậu sẵn, đồ ăn đang được bày ra bàn, và dĩ nhiên bày riêng một mâm đưa lên phòng thờ. Ông Nha gọi con cháu lên xếp hàng dâng hương. Những khuôn mặt ngó lơ, xong thủ tục từng người một lại dán mắt vào điện thoại.

Ông Nha gọi con trai đầu ra và tuyên bố lần giỗ này là lần cuối cùng ông chủ trì. Sức ông yếu rồi và cũng cần có giai đoạn chuyển tiếp. Từ sang năm anh con trai cả sẽ thay ông làm chủ. Để thêm phần long trọng, ông thông báo bữa cỗ hôm nay do anh con đầu của ông đặt. Sự ra mắt trong vai trò mới của anh là rất trang trọng, cỗ bàn đâu vào đấy, đẹp mắt, chuyên nghiệp, hợp thời thế.

Anh con cả như hài lòng với điều mà bố mình vừa nói, nên tiếp lời nói rằng các chú có ý kiến gì không. Từ năm nay việc giỗ sẽ cải tiến, không làm phiền các chú nữa. Dịch vụ bây giờ có khắp nơi. Người ta làm ra mà mình không sử dụng thì hóa ra có lỗi à.

Anh cả ngồi xuống chưa ấm chỗ, thì các chú em đã đồng loạt có ý kiến. Người thì nói rằng có thay đổi gì thì họ cũng cần được bàn. Người thì cho rằng sự thay đổi là không phù hợp, vì giỗ chạp là ngày để con cháu tỏ lòng hiếu kính, bận chân, bận tay thì cũng là chuyện bình thường. Người thì cho rằng, cỗ đãi kNha và con cháu ăn thì có thể đặt, nhưng mâm cỗ cúng thì không. Cỗ cúng là trung tâm của ngày giỗ, phải tự tay con cháu làm. Ngày xưa bố mẹ còn thức dậy từ sáng sớm để đi chợ, làm cỗ, nay mọi thứ có sẵn, thế thì can cớ gì lại đi đặt. Anh cả đừng có cạy quyền huynh thế phụ vừa được giao quyền mà lấn át đàn em.

Ai cũng có lý, và cuộc tranh luận cứ thế kéo dài tới quá ngọ. Mâm cỗ cúng chỉ là lý do để chiếc ngòi nổ kích hoạt, còn thực chất của việc tranh cãi có lẽ là bởi những sự bất hòa khác. Tôi chỉ còn biết đi ra, đi vào, vì tôi là khách. Nhưng những vị khách như tôi phải chứng kiến những người con ông Nha nặng lời với nhau, thì cũng không vui chút nào. Đến lúc ông Nha không còn chịu được nữa đứng dậy mắt trừng trừng nhìn những đứa con, nói rằng: “Tôi còn sống sờ sờ mà các anh đã loạn lên như thế. Khi tôi nằm xuống thì còn thế nào nữa”. Có lẽ ông đã biết ông sai, biết nguồn cơn của sự việc từ đâu, nên ông cố cứu vãn bằng việc nói lại rằng ông sẽ không giao cho ai hết, việc chủ trì cúng giỗ vẫn phải là ông.

Ông nói thế nhưng chẳng có ai nghe cả. Có lẽ sự việc đã đi quá lằn ranh mất rồi. Và cũng có lẽ lâu nay các con ông đã ngấm ngầm không phục nhau, nhưng chẳng qua là vì ông còn cầm chịch nên chưa có dịp để nói ra. Một khi ông không cầm chịch nữa, thì cũng cá mè một lứa mà thôi.

Ông Nha vì lúc nào cũng ở tâm thế tự hào truyền thống gia đình mà không nhận ra “lỗ thủng” ấy để bịt lại hoặc ông nhận ra nhưng vì niềm kiêu hãnh đã không cho phép ông thừa nhận điều đó, nhất là để cho thiên hạ nhìn vào. Giờ thì ông phải nhún mình xuống, nhưng sự việc đã vượt quá sự kiểm soát của ông mất rồi. Những mâm cỗ nguội ngắt nhưng chẳng ai chịu ngồi vào. Một người con tuyên bố từ năm sau ai giỗ ở nhà nấy, vừa đỡ mất thời gian đi lại, vừa tự mình bày tỏ được lòng thành theo cách của mình. Anh đứng dậy, những người con trai còn lại cũng đều nói thế, rồi chào bố một cách miễn cưỡng để ra về. Ông Nha đứng thẫn thờ giữa hai hàng bàn ghế cỗ bàn ruồi nhặng bay lượn tứ tung.

Yên Hạnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]