(vhds.baothanhhoa.vn) - Hôm rồi trời mưa rất to nhưng trên đường đi làm về, tôi lại gặp Quân - con trai của cô Thủy làm nghề thợ may ở trong làng. Tôi bảo em lên xe để chở về nhà nhưng em chỉ nhìn tôi với ánh mắt vô hồn rồi lại lầm lũi đi lang thang trong vô định. 

Ngược chiều tâm linh: Có bệnh thì vái tứ phương

Hôm rồi trời mưa rất to nhưng trên đường đi làm về, tôi lại gặp Quân - con trai của cô Thủy làm nghề thợ may ở trong làng. Tôi bảo em lên xe để chở về nhà nhưng em chỉ nhìn tôi với ánh mắt vô hồn rồi lại lầm lũi đi lang thang trong vô định.

Gần 5 năm trước đây, Quân từng là niềm tự hào của gia đình khi thi đỗ đại học với số điểm rất cao. Ngày em nhập trường, rất nhiều anh em, họ hàng đã đến chúc mừng và nghĩ rằng sau này làng mình sẽ có một kỹ sư tên tuổi. Thế mà đến năm thứ hai, em lại đột nhiên trở về nhà trong tình trạng hoảng loạn, thất thần. Bố mẹ em thấy vậy thì lo lắng lắm nhưng phần vì sợ dân làng dị nghị, phần vì lo cho con trai sau này khó lấy được vợ nên cô Thủy đã bàn với chồng cho Quân ở nhà chữa bệnh thay vì đi bệnh viện tâm thần.

Sau nhiều ngày động viên, an ủi rồi mua đồ ăn, thuốc uống tẩm bổ mà tình hình sức khỏe của Quân vẫn không cải thiện, em vẫn không ngủ được dù là đêm hay ngày. Nghĩ là con bị “ma ám” mới thành ra như vậy nên cô Thủy đã mời thầy về cúng để làm lễ giải nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua mà bệnh tình của Quân vẫn chẳng hề có dấu hiệu thuyên giảm. Thương con, cô Thủy lại lặn lội đi tìm thầy thuốc uy tín để cắt thuốc bắc cho Quân nhưng không hiểu sao càng uống, bệnh lại càng thêm nặng.

Ngược chiều tâm linh: Có bệnh thì vái tứ phương

(Ảnh minh họa)

Chuyện rồi cũng đến tai dân làng. Nhiều người đến thăm thấy Quân cứ ngồi thu lu trong phòng nói cười một mình thì kết luận là:

- Biểu hiện này nếu không bị “ma ám” thì chỉ có thể là “điên” tình, hoặc là học nhiều quá nên bị ngộ… chữ.

Chẳng biết nguyên nhân có phải như thế không mà càng nghe, cô Thủy lại càng thấy hoang mang, rối bời. Cô quyết định đi xem bói để tìm cho ra một lời giải xác thực. Thầy bói xem quẻ phán rằng:

- Nhà cô “phạm long mạch” nên con trai cô phải gánh phạt cho cả gia đình.

Nghe vậy, cô Thủy liền hỏi về “cách giải” thì được thầy cho biết:

- Cô đã từng mời thầy về cúng rồi mà không được thì chỉ có nước cho con lên chùa mới mong hóa giải được.

Về nhà, cô Thủy lại đem chuyện kể với chồng và ngay trong hôm đó, Quân được bố mẹ cho đi đến một ngôi chùa ở rất xa nhà. Tại đây, sau những lúc làm lễ cầu nguyện cho Quân, cô Thủy lại làm công quả những mong lấy công để chuộc lại… tâm hồn cho con mình.

Nhưng mọi sự cố gắng ấy đều đổ xuống sông, xuống bể khi Quân ngày càng hoảng loạn, em không còn ngồi yên một chỗ với tâm trạng sợ hãi như thời gian đầu nữa mà ngày càng trở nên cáu gắt, la hét cả ngày lẫn đêm và đỉnh điểm là đập phá làm vỡ mất một pho tượng quý. Đến lúc này, không đợi cho cô Thủy đồng ý, các sư thầy ở chùa đã khống chế đưa Quân vào bệnh viện tâm thần để trả lại sự bình yên vốn có cho ngôi chùa.

Qua thăm khám, kiểm tra, các bác sỹ kết luận Quân bị bệnh tâm thần phân liệt nhưng vì để lâu, bệnh chuyển biến nặng nên phải nằm viện điều trị và phải uống thuốc suốt đời mới không bị tái phát trở lại. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà cứ ra viện là Quân chẳng chịu uống thuốc và lại mất ngủ khiến cho bệnh tình tái phát đi tái phát lại với mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Đó cũng là lí do mà nếu không được ra khỏi nhà đi lang thang thì em sẽ lên “cơn” đập phá và la hét không ngừng nghỉ.

Hôm thấy Quân vất vưởng đi dưới mưa, tôi ghé qua nhà nói chuyện thì nghe cô Thủy kể lể, than thở:

- Khổ lắm cháu ơi, cũng vì câu nói “có bệnh thì vái tứ phương” mà cô chú đã làm đủ mọi cách nhưng cuối cùng vẫn “tiền mất, tật mang”. Đúng là thời buổi này nhiều bệnh tật khó lường nhưng sợ nhất là không có kiến thức cháu ạ.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]