(vhds.baothanhhoa.vn) - Với những cái kẹo còn lại, nó chén một nửa, một nửa để giao dịch “chép bài”, được “cưỡi ngựa” trong trò đạp ngựa, được đọc trước những cuốn truyện tranh hiếm hoi, được làm “tướng” trong các trò đánh đấm

Những đứa trẻ của làng: Cái kẹo ngọt

Với những cái kẹo còn lại, nó chén một nửa, một nửa để giao dịch “chép bài”, được “cưỡi ngựa” trong trò đạp ngựa, được đọc trước những cuốn truyện tranh hiếm hoi, được làm “tướng” trong các trò đánh đấm

Những đứa trẻ của làng: Cái kẹo ngọt

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quý vị độc giả thân mến, đến một thời điểm trong cuộc đời, chúng ta sẽ nhắc nhớ rất nhiều đến những người bạn tuổi thơ – những viên kẹo đường thanh mát trong tâm hồn mỗi người. Thế nhưng, trong đám bạn, thể gì cũng có một đứa láu cá, hoặc “khôn lỏi” theo đúng cách gọi nhau ngày nhỏ. Những đứa trẻ của làng tôi một thời cũng thế, ấy là thằng Tuột Xích.

Có một chuyện về nó mà tôi còn nhớ thế này. Một người bà con trên thành phố về quê chơi, có biếu nhà nó một gói kẹo Hoa Hồng – những viên kẹo ngọt thơm bọc trong giấy in hình bông hoa hồng – món quà xa xỉ, thèm thuồng với bất kỳ đứa trẻ thôn quê nào hồi ấy.

Mẹ nó quyết định để dành gói kẹo làm phần thưởng cho anh em nó mỗi khi có thành tích trong học tập hoặc phụ giúp công việc gia đình, cứ mỗi việc tốt sẽ được thưởng 1 cái kẹo.

Làm sao mà nó ngăn được cơn thèm thuồng dâng ứa lên tận miệng mỗi lần nghĩ đến gói kẹo thơm ngon nằm trong ngăn tủ khóa. Buổi sáng, nó dậy sớm lắm, quét dọn nhà cửa, xách nước đổ đầy lu, dọn dẹp chuồng và cho gà, vịt ăn, bắc bếp nấu cơm sáng cho cả nhà. Xong xuôi nó bảo, mẹ xem con có xứng đáng được thưởng kẹo không. Mẹ nó cười, lấy gói kẹo thưởng cho nó một cái, không quên cốc đầu em gái nó, bảo phải nhìn gương anh mà học tập. Em gái nó bỉu môi nói, ngày thường anh toàn đùn việc cho con, có đụng tay chân vào việc gì đâu.

Lên lớp, nó hăng hái xung phong phát biểu, làm bài tập, dù chưa cần biết đúng hay sai, đến mức cô giáo cùng bất ngờ vì sự xoay chuyển thái độ học tập đột ngột của nó. Cô giáo đi ngang qua nhà, vui vẻ nói với mẹ nó rằng động viên cháu phát huy tinh thần học tập. Kết quả là buổi trưa hôm đấy, nó được thưởng thêm một cái kẹo.

Một hai hôm sau thì những “việc tốt” mà nó làm trở nên “bão hòa”, mỗi lần nó đòi kẹo thì mẹ bảo đấy là việc một đứa trẻ đã lớn tồng ngồng phải làm, chứ không phải làm để đổi thành tích, đổi phần thưởng.

Nó đành phải thay đổi chiến thuật, chuyển từ “chủ động”, “tự giác” sang “vận động”. Buổi tối, lúc mẹ đang ngồi khâu lại mớ quần áo cũ, nó nhanh nhảu chạy lại rót nước, bóp vai cho mẹ, nói mẹ ngơi tay ít phút kẻo ốm mệt. Nó còn pha cho bà chậu nước ấm để ngâm chân, rồi bảo, giá vừa ngâm chân vừa ngâm nhi cái kẹo ngọt với chén trà xanh ấm nóng thì khỏe người lắm. Mẹ nó lườm, mắng yêu cha tổ anh, tôi không thích đồ ngọt, thôi cho anh cái kẹo không thì chưa biết quấn đến bao giờ.

Rồi cũng được một hai hôm thì “bài vở” thành ra cũ, mẹ nó bảo không cần anh lo cho sức khỏe của tôi, giờ này là giờ học bài. Nó tiu nghỉu quay về bàn, những viên kẹo Hoa Hồng nhảy nhót trên trang giấy.

Sang mai, nó kiên quyết nằm lỳ trên giường, chuyển sang chiến thuật… “ăn vạ”, kêu đau đầu, đau bụng, nhức mỏi toàn thân. Mẹ nó xoa dầu cao lên đầu, vào bụng rồi động viên nó cố dậy ăn mấy thìa cơm nóng để uống thuốc. Cao nóng làm nước mắt nó chảy giàn giụa, nó gào lên đắng miệng lắm ăn không nổi. Mẹ nó lại động viên, cố ăn để uống thuốc, rồi mẹ cho viên kẹo đỡ đắng miệng. Nó lại gào lên, phải hai viên cơ, chết mất thôi, đau đầu đau bụng chết mất thôi. Mẹ nó vội vàng lấy cho nó 2 viên kẹo, nó cắn ngay một cái nhóp nhép nhai, mắt lim dim hưởng thụ, cái còn lại thì cất cùng kho “chiến lợi phẩm” tích lũy được trước đấy. Có “thần dược”, nó lồm cồm bò dậy, bảo con hết đau bụng rồi, phải lên lớp không thì muộn mất.

Lên lớp, nó chìa cái kẹo ra trước ánh mắt hau háu thèm thuồng của đám bạn. Rồi nó chậm chậm mở giấy kẹo, đầu tiên là nhấm nháp miếng giấy bọc phía trong, rồi đưa mắt hỏi lũ bạn có muốn thưởng thức chút không. Đứa nào cũng gật như máy khâu. Nó thỏa thuận, thế bọn mày trực nhật lớp tuần này giúp tao nhé. Cả bọn lại gật như máy khâu. Ngoắc tay xong, nó cấu cho mỗi đứa một mẩu bằng hạt đỗ tương. Chỉ chút chút thế thôi mà tế bào vị giác của đứa nào đứa nấy dựng lên như chông.

Với những cái kẹo còn lại, nó chén một nửa, một nửa để giao dịch “chép bài”, được “cưỡi ngựa” trong trò đạp ngựa, được đọc trước những cuốn truyện tranh hiếm hoi, được làm “tướng” trong các trò đánh đấm…

Cũng với những cái kẹo để dành, nó dùng một nửa để “trao đổi” công việc nhà, từ quét dọn, cơm nước đến chăn bò, thả gà với em gái. Trong lúc nó ngồi nhấm nháp nửa cái còn lại, thì em gái nó lăn ra làm thay.

Tôi nhớ là, có dịp cũng được một người bác ở thành phố mang về cho gói mè xửng, tôi chén ngấu nghiến mà chẳng kịp nhớ vị của nó thế nào.

Sau này, bọn tôi ít gặp lại Tuột Xích, chỉ biết nó giờ có chức sắc ở một cơ quan tài chính, thỉnh thoảng có thông tin được khen thưởng, biểu dương nên đoán rằng nó là một cán bộ tốt.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]