(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở làng tôi ngày ấy, nhà thằng Mắm có cái sân gạch rộng như sân đình vậy, nên lũ trẻ thường tụ tập về chơi.

Những đứa trẻ của làng: Con của bản

Ở làng tôi ngày ấy, nhà thằng Mắm có cái sân gạch rộng như sân đình vậy, nên lũ trẻ thường tụ tập về chơi.

Những đứa trẻ của làng: Con của bản

Nhà thằng Mắm làm nghề buôn cau trầu nên cần khoảng sân rộng để phơi hàng chục nong cau mỗi ngày. Mỗi tối, khoảng sân rộng trở nên rôm rả tiếng trò chuyện của các bà, các chị vừa bổ cau vừa trao đổi chuyện làng trên xóm dưới thu lượm được sau một ngày đồng áng, chợ búa.

Lũ trẻ chúng tôi thường tụ lại một góc nơi bà nội thằng Mắm ngồi. Bà vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa thủng thẳng bổ cau. Con dao cau sắc lẹm như nước, thế mà bà chẳng cần nhìn tay vẫn cắt chỏm, xé vỏ, bổ tư quả cau “không chệch một li một lai”. Nhai dập miếng trầu thì bà bắt đầu kể chuyện, cả kho truyện cổ tích được kể từ năm này sang năm khác, không sai, không vấp một từ - cứ thế tắm táp tâm hồn lũ chúng tôi cái thời đầu trần chân đất.

Thích nhất là nghe bà đọc Kiều, 3.254 câu Kiều cứ thế in sâu vào ký ức của lũ trẻ, đến mức sau này học lên cấp 3, nhiều đứa vẫn thuộc làu làu.

Thú vị nhất là bà không biết chữ, bà bảo nào truyện Kiều, cải lương, cho đến các trích đoạn trong Tam Quốc chí, là do hồi còn sống, ông vẫn ngồi kể mỗi tối cho người làm trong nhà nghe, bà cũng ngồi nghe rồi cứ thế thuộc lòng.

Có lẽ bởi thằng Mắm lớn lên trong môi trường thấm đẫm văn hóa dân gian của gia đình, nên tính nó điềm đạm, hòa nhã, thấy việc là làm. Không lạ khi Mắm học giỏi văn nhất bọn và ai cũng nghĩ nó sẽ theo nghiệp viết lách, trở thành nhà văn, nhà báo.

Thế nhưng nó lại thi đậu vào trường quân sự, ở đúng thời điểm mà các trường trong lực lượng vũ trang bắt đầu tuyển cả khối C. Bạn bè bảo, mày viết tốt, vào quân đội làm cán bộ tuyên truyền thì hợp lắm.

Tốt nghiệp, nó có cơ hội được ở lại trường làm công tác giảng dạy, nhưng nó chọn về một đồn biên phòng trên tuyến biên giới đất liền - nơi xa xôi nhất tỉnh, bảo muốn tắm mình vào đời sống đồng bào.

Một dạo, cứ hai ba tháng lại thấy nó về quê, mỗi lần lên là cõng theo nào cá khô, moi khô, muối, mắm, lúa giống, hạt rau đậu. Nó bảo, địa bàn nơi đồn biên phòng đứng chân, có một bản đồng bào Mông xa nhất - phải cuốc bộ hơn hai mươi cây số đường rừng mới vào đến nơi - đang đứng trước nguy cơ tan rã. Diện tích đất lúa ít ỏi ven suối của bản sau cơn lũ đã bị đá sỏi vùi lấp, những khoảng nương trồng ngô đã kiệt quệ dinh dưỡng. Đói ăn, lại thêm không đường, không điện, không nước sinh hoạt, không dịch vụ y tế, không điểm trường..., đã đẩy người dân vào cảnh khốn khó.

Nhưng mất bản sẽ ảnh hưởng đến an ninh biên giới. Đồng thời những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào cũng đứng trước nguy cơ không được trao truyền, kế tục. Nghĩ vậy, Mắm xin chỉ huy đồn biên phòng cho được vào “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, giúp dân giữ bản.

Thế là hàng tháng, Mắm dùng toàn bộ tiền lương cùng với nguồn đóng góp của đồng đội để về xuôi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, giống cây trồng... cõng vào cứu trợ bà con. Giải quyết được cái đói, Mắm cùng bà con khai hoang ruộng bậc thang, đắp đập, làm kênh dẫn nước. Mắm lại đấu mối với các hội đoàn thể hỗ trợ bà con giống gà, vịt; kêu gọi lực lượng thanh niên giúp bà con làm chuồng trại, mở rộng các tuyến đường nội bản. Chi bộ đảng được kiện toàn, các tổ chức đoàn thể cũng được thành lập để có hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động và “cầm tay, chỉ việc” cho bà con. Khi hạt lúa vụ nối vụ căng mẩy trên ruộng bậc thang, gà vịt đã lứa gối lứa trong chuồng, Mắm lại vận động bà con cải tạo lại nhà văn hóa cộng đồng khang trang hơn, từ đó các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được duy trì thường xuyên. Một máy phát điện mi ni được lắp đặt để cung cấp điện cho nhà văn hóa, tối tối bà con quây quần bên ti vi để xem thời sự, xem các mô hình làm kinh tế...

Bà con gọi Mắm là “con của bản”. Mắm được cấp trên tuyên dương, khen thưởng và được đề xuất điều chuyển công tác về xuôi. Nhưng Mắm từ chối, tới đây, Mắm còn muốn kêu gọi làm đường, làm thêm điểm trường, còn phải làm cách nào có được nguồn cán bộ y tế, thú y tại chỗ cho bản. Nhiều dự định lắm, nhất định phải xây dựng bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Mắm bảo, việc tình nguyện gắn bó với bản làng như có nợ từ kiếp trước vậy. Thế và, cũng những câu Kiều bà nội đọc ngày xưa, giúp “anh lính bản” tìm được mái ấm hạnh phúc cho mình ở vùng biên viễn - một cô giáo cũng say mê truyện Kiều.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]