(vhds.baothanhhoa.vn) - Chúng tôi động viên, thôi tìm cách mà về xuôi, không trường nào nhận thì mở lớp dạy thêm cũng được, chí ít thì thầy nói còn có trò hiểu. Bạn cúi đầu ngẫm nghĩ.  

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những đứa trẻ của làng: Gieo mầm

Chúng tôi động viên, thôi tìm cách mà về xuôi, không trường nào nhận thì mở lớp dạy thêm cũng được, chí ít thì thầy nói còn có trò hiểu. Bạn cúi đầu ngẫm nghĩ.

Những đứa trẻ của làng: Gieo mầm

Ảnh: TL.

Chắt chiu nắng gió và những giọt mồ hôi thấm lưng áo vá của mẹ cha, hạt lúa, củ khoai của làng tôi một thời vươn lên từ đồng trũng, bãi cằn mà nuôi lớn những đứa trẻ lưng trần, tóc cháy. Có người thành cán bộ, bác sĩ, kỹ sư, công nhân… và có những người âm thầm chọn cho mình phần việc gieo mầm trên đất khó, như mẹ cha xưa.

Trong đám trẻ làng tôi một thời, Phù Sa là đứa ham học, ham đọc nhất. Nó đọc mọi thứ nằm trong tầm mắt, từ mảnh giấy báo cũ, biển quảng cáo, kho sách của gia đình vị giáo sư cho đến những cuốn truyện hiếm hoi mà nó được sở hữu. Đã ham đọc lại nhớ dai nên đầu nó như một “bồ sách” văn học. Nó có thể đọc xuôi, đọc ngược không sót một dấu phẩy cuốn Truyện Kiều.

Những tiết học văn, trong khi chúng tôi vặn vẹo trẹo lưng, vò đầu bứt tóc để đọc và cố hiểu những cảm xúc đan gài, rối mù như lưới bén trong thơ với truyện ngắn, thì Phù Sa say sưa trao đổi, bình luận cùng cô giáo. Bọn tôi cứ ngẩn ra mà nghe vì hay quá và vì… chẳng hiểu gì. Hết mạch cảm thụ của nó, thì cũng gần hết tiết học. Sau khi cô giáo nhắc lại câu “các em phải học Phù Sa, văn học giúp nuôi dưỡng nhân cách và tâm hồn mỗi người…” thì trống đánh tùng tùng. Và đấy là lý do chúng tôi yêu quý Phù Sa vô cùng.

Không mấy ngạc nhiên khi Phù Sa thi đậu vào trường sư phạm được coi là danh giá nhất thời điểm bấy giờ. Gia đình, bạn bè và người làng đều mừng cho nó, tin chắc rằng sau này nó sẽ được dạy ở những trường chuyên, lớp chọn, thỏa sức mà thể hiện sở học và đam mê văn chương.

Nhưng nhiều làng khác chắc cũng có những hạt phù sa màu mỡ, hoặc phải là “gạch vồ”, “đá tảng”. Thế nên khi tốt nghiệp ra trường, dù có thành tích học tập giỏi thì nó vẫn phải chấp nhận điều động lên công tác ở một trường THCS vùng cao. Nó bâng khuâng rời làng, nhìn chúng tôi cười buồn.

Nơi nó dạy học chẳng có sóng điện thoại. Nên tôi và bạn cùng làng cứ theo địa chỉ gia đình nó cung cấp mà chạy xe lên thăm nó, mang theo nào khoai khô, mắm tép, muối, mỳ tôm. Từ trung tâm huyện vào đến nơi nó dạy học chỉ gần chục cây số, nhưng là quãng đường chưa từng có trong trí tưởng tượng của chúng tôi, dù đường làng tôi ngày ấy cũng chỉ toàn đường đất với chi chít ổ gà, ổ trâu. Đó đúng ra là một “con lươn” khổng lồ, trơn nhẫy vắt ngang sườn núi, bùn ngập tới nửa bánh xe. Vừa đi vừa đẩy được chừng cây số thì cả hai thằng kiệt sức ngồi bệt xuống bùn nhìn nhau chực khóc, tiến không được, lùi chẳng xong, cái xe chẳng cần chân chống mà vẫn đứng thẳng như trêu ngươi, giá quẳng được như mấy thứ muối, mỳ tôm mang theo thì chúng tôi cũng quẳng luôn rồi.

Khi cục tức nghẹn ứ ở cổ họng vì bất lực thì chúng tôi được cứu bởi hai thầy giáo cùng trường với Phù Sa đi bộ ra thị trấn huyện để mua lương thực, thực phẩm. Hai thầy giúp chúng tôi thu gom lại đồ đạc, chặt 2 cây luồng buộc xe máy rồi khiêng như khiêng lợn quay trở về trường. Đường đất như thế, bảo sao bạn tôi đi biền biệt cả năm mới về làng 1-2 lần.

Ngôi trường bạn tôi dạy hồi đấy là hai dãy nhà mái tranh, phên liếp. Bàn ghế đủ mọi kích cỡ được ghép bằng gỗ tạp. Những ngày mưa dầm, lớp học chỉ lác đác vài ba em nhà gần trường, ánh mắt ngơ ngác cùng giọng phổ thông ngọng nghịu. Phù Sa bảo bảo, nhà các em xa trường, lại nghèo, bố mẹ quanh năm bám mình trên nương rẫy nên hầu hết phó mặc việc học hành, chăm sóc con cái cho thầy cô. Cứ sau mỗi đợt mưa rừng, các thầy lại phải băng rừng đến từng nhà vận động các em trở lại lớp. Mỗi lần như thế, con chữ theo chân các em cũng rơi rụng gần hết trên vách đá, triền đồi.

Buổi tối, lúc men rượu làm núi đồi chao nghiêng, bạn tôi ngửa mặt thở dài nói hoài công học để rồi bao nhiêu kiến thức hàn lâm quẳng vào hoang hoải núi rừng. Vì các con đọc chưa thông, viết chưa thạo, nói gì đến phân tích với bình luận văn học. Chúng tôi động viên, thôi tìm cách mà về xuôi, không trường nào nhận thì mở lớp dạy thêm cũng được, chí ít thì thầy nói còn có trò hiểu. Bạn cúi đầu ngẫm nghĩ.

Nhưng một năm, rồi hai thập kỷ trôi qua, bạn tôi vẫn không về xuôi. Những lần về làng sau đó, bạn bảo không dứt được tình cảm của các con và đồng bào. Có những học sinh cuốc bộ xuyên rừng từ tờ mờ sáng để kịp đến lớp, quần áo bê bết bùn đất, bàn chân tóe máu, nhưng ánh mắt trong trẻo ánh lên niềm tin với con chữ. Dọc đường rừng, các em không quên ngắt những bông hoa rừng còn ướt đẫm sương đêm cắm lên bình hoa làm bằng vỏ lon chai nước trên bàn giáo viên. Lại thêm tình cảm của đồng bào coi thầy cô là những “người con của bản”, sẻ chia từ nắm gạo, hạt muối đến mớ rau rừng.

Sau này, tuyến đường vào xã đã được trải nhựa, trường mới cũng được xây mới khang trang, có cả khu bán trú cho học sinh. Phù Sa bảo, có dịp chúng mày lên thăm lại trường, nhất là vào ngày hội, ngày tết để cùng đồng bào mổ lợn, gói bánh chưng, giã bánh dày, cùng đốt lửa trại, say men rượu cần...

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]