(vhds.baothanhhoa.vn) - Bạn theo học ở một trường văn hóa - nghệ thuật trong tỉnh, để miền đất tươi đẹp trong tâm hồn bạn được “sống” trong thế giới mà bạn và tất cả mọi người cùng đang nhìn.

Những đứa trẻ của làng: Họa sĩ

Bạn theo học ở một trường văn hóa - nghệ thuật trong tỉnh, để miền đất tươi đẹp trong tâm hồn bạn được “sống” trong thế giới mà bạn và tất cả mọi người cùng đang nhìn.

Những đứa trẻ của làng: Họa sĩ

Ảnh minh họa

Nếu các bạn đã dành chút thời gian quý báu để đọc những mẩu chuyện không đầu không cuối về làng tôi, hẳn các bạn vẫn nhớ về những mụ Đốp “độp”, Hách “xì” Chủ tịch, anh Dế “dẹo”, thằng Huếnh… Làng tôi rất đẹp với những con đường bê tông phủ đầy sắc hoa, một ngôi đình bề thế, một ngôi chùa cổ kính, trầm mặc và giếng làng quanh năm trong mát… Dù con người hay cái cây, ngọn cỏ có giống làng các bạn, nhưng nhất định đó chỉ là làng tôi thôi.

Nhân những ngày gia đình bạn tôi về làng “lánh nạn” âm thanh đám cưới mà tôi mới kể ở chuyện “Ứng xử văn hóa”, chúng tôi đã nhắc nhớ lại cho nhau biết bao ký ức tuổi thơ, trong đó có những gương mặt bạn bè một thời đầu trần chân đất, học ít chơi nhiều – những đứa trẻ “mang ADN của làng”. Cục Bột là cái tên mà chúng tôi nhớ nhất!.

Nhìn nó thì khỏi gọi tên cũng biết là… cục bột. Mái tóc dài mềm trùm kín tai và che đến tận mắt, và đôi mắt màu hạt dẻ mơ màng càng khiến khuôn mặt bầu bĩnh của nó thêm đáng yêu. Nó nhỏ con nhất trong đám trẻ của làng, vì thế mà cũng rụt rè nhất. Dù có nhong nhong phơi nắng cả ngày với chúng tôi, thì làn da trắng, mềm mịn như da em bé của nó chẳng vì thế mà sạm đi.

Trừ một hai đứa học rất giỏi nhờ trí thông minh trời phú hoặc cắm đầu vào học dưới sự quản thúc nghiêm ngặt của bố mẹ, thì hầu hết chúng tôi học hành làng nhàng như nhau. Cục Bột là làng nhàng nhất, đến mức có cô giáo nói với nó “nếu bổ đầu anh ra mà nhét chữ vào được thì tôi đã làm rồi”. Trong lớp học, hoặc ánh mắt nó mơ màng nhìn ra cửa sổ, hoặc ngủ gật. Chẳng văn thơ hay con số nào vào đầu nó được cả, như sau này nó lý luận rằng do não nó phản ứng đánh bật tất cả kiến thức giáo khoa ra khỏi đầu chứ không phải do nó lười học. Vâng, với thầy cô giáo, Cục Bột là một học sinh… cá biệt.

Nhưng với chúng tôi, tại cái thời điểm mặt mày chưa nhăn nhó vì có thêm nhiều chữ và số trong đầu như bây giờ, Cục Bột đúng là… cá biệt theo kiểu rất… đặc biệt, mà đúng ngôn ngữ hồi ấy là rất rất rất… siêu. Cục Bột vẽ siêu đẹp, bạn vẽ dũng sĩ Hesman trong bộ tranh truyện cùng tên thậm chí còn đẹp hơn cả tác giả. Bạn vẽ những nhân vật hoạt hình sống động đến mức chúng tôi tưởng như đang xem bộ phim về những chú chuột, chó, vịt ấy. Bạn vẽ được cả khung cảnh sân trường, những ngóc ngách của làng tôi. Cứ đến giờ ra chơi là cả bọn túm tụm lại xem bạn vẽ, vẽ trên những tờ lịch, trên tường, trên nền đất, vẽ bằng bút, bằng phấn, bằng than, thậm chí là bằng nước.

Nhưng ngày ấy chẳng có giáo viên dạy mỹ thuật, môn mỹ thuật thì do một giáo viên dạy môn chính vào đấy kiêm thêm thì phải. Mà nói gì ngày ấy, mỹ thuật bây giờ dù có thì cũng chỉ được coi là môn phụ. Vì thế mà Cục Bột chẳng được thầy cô nào yêu quý nếu không muốn nói là rất ghét. Bạn đã rụt rè, mơ màng, khi lên lớp lại càng thêm co mình vào một thế giới riêng – nơi bạn làm “lãnh chúa” - mà chúng tôi chỉ biết thèm thuồng là đẹp hơn rất nhiều thế giới mà chúng tôi – những đứa… chẳng biết quái gì đang sống.

Bạn rời làng cùng gia đình chuyển lên tỉnh sinh sống và từ đấy chúng tôi không gặp lại cho đến mãi sau này - khi tất cả đều đã trưởng thành, làm chủ đường đời của mình. Bạn theo học ở một trường văn hóa-nghệ thuật trong tỉnh, để miền đất tươi đẹp trong tâm hồn bạn được “sống” trong thế giới mà bạn và tất cả mọi người cùng đang nhìn.

Bây giờ, Cục Bột không chỉ là một giáo viên mỹ thuật mà còn là một thủ lĩnh của “đội quân” nghệ sĩ trẻ tài năng, ông “chủ thầu” mát tay, thành đạt, chuyên làm đẹp cho những tuyến đường nông thôn mới, những biệt thự, lâu đài từ Bắc vào Nam.

Bạn không cần những bài thơ hay, những phương trình phức tạp để làm đẹp cho đời mà làm điều đó bằng một tâm hồn đẹp cùng phẩm chất của một nhân tài. Gặp lại nhau sau hàng thập kỷ, vẫn ánh mắt mơ màng và mái tóc dài ôm lấy khuôn mặt tròn bầu nhưng nét lãng tử đã dạn dày, bạn bảo nếu mỹ thuật đừng là môn phụ, nếu những đứa trẻ tài hoa đừng lạc lõng trong thế giới giáo dục đầy chữ nghĩa, hẳn đã có thêm nhiều đứa trẻ ở làng được chắp cánh ước mơ từ thuở bé.

Những đứa trẻ của làng tôi một thời, nay đã trở thành cán bộ tốt, nhà giáo giỏi, doanh nhân thành đạt, khi gặp lại nhau đều có những suy nghĩ hiền như khoai sắn thế. Tôi sẽ kể về họ trong những câu chuyện tiếp sau.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]