(vhds.baothanhhoa.vn) - Thằng Ốc Nhồi bị kiểm điểm, rồi bị phạt. “Thật là một học sinh hư. Không nghe lời hay ý đẹp, sao mà thành người được con”

Thật là một đứa trẻ hư

Thằng Ốc Nhồi bị kiểm điểm, rồi bị phạt. “Thật là một học sinh hư. Không nghe lời hay ý đẹp, sao mà thành người được con”

Thật là một đứa trẻ hư

Tranh minh họa.

Tôi đã từng kể về người bạn cùng lớn lên từ làng, rồi phiêu bạt từ Bắc chí Nam trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt ở nước ngoài. Bạn tôi giờ là niềm hãnh diện của gia đình, dòng họ và cả làng tôi bởi sự hào phóng, quảng giao.

Thế mà, trước khi bạn dốc hầu bao tài trợ cho làng xây những cổng chào, đường bê tông, điện chiếu sáng..., người làng chỉ nhớ bạn “thật là một đứa trẻ hư” - dù chẳng ai biết nguồn cơn thế nào.

Tôi thì nhớ rõ lắm. Nó luôn là thằng đầu têu mọi việc mà. Đó là vào hôm bế giảng năm học - năm chúng tôi “tốt nghiệp” lớp 1 với mái đầu cháy nắng và những bộ quần áo rộng thùng thình mặc lại của anh chị.

Các cô giáo và học sinh lớp trên phụ trách đội phải gào thét rã họng, mướt mồ hôi thì cả sân trường mới nghiêm hàng chỉnh lối để tiến hành lễ chào cờ. Lúc này, mặt trời đã lên quá tàng cây và phả xuống hơi nóng như bốc ra từ lò rèn.

Lễ bế giảng, thì mọi người đều biết cả rồi đấy, chào cờ xong thì đến phần thầy hiệu trưởng lên giới thiệu đại biểu. Thầy hiệu trưởng hôm đó máo màu xanh trứng sáo, khoác áo vest đen, cứ sau một câu giới thiệu, thầy lại dừng lại để vỗ tay cho cả trường vỗ theo, sau đấy lấy khăn mùi xoa thấm mồ hôi trên mặt.

Tôi và bạn tôi – thằng Ốc Nhồi, đếm được đến 10 lần thầy nói “Trân trọng giới thiệu đồng chí...” và vỗ tay tới 10 lần thì thấy thầy phải cởi cả áo vest, một tay lau mặt, một tay cầm giấy để đọc tiếp câu “... nhà trường cũng vinh dự được đón...”.

Đến câu thứ 11 thì thằng Ốc Nhồi móc trong túi quần ra một quả chanh với nhúm muối trắng khua trước mặt tôi mời mọc. Tôi gật đầu thèm thuồng, nước miếng túa ra trong miệng. Nó tách chia cho tôi một nửa, rồi ngoạc mồm cắn roạp một miếng. Đúng lúc thầy hiệu trưởng kết thúc bài diễn văn khai mạc, nên tiếng suýt nước sung sướng vang lên từ miệng nó rất ngọt. Cả đám bạn xung quanh quay sang nhìn thằng Ốc Nhồi, cô giáo chủ nhiệm phía trên cũng lừ mắt, chỉ tay nạt, khiến nó bụm miệng, nhăn mặt nuốt trợn trạo miếng chanh. Tiếng nuốt nước miếng vang lên ừng ực xung quanh, lan đến tận bàn của các thầy cô giáo với các đại biểu đang vận hành hết công suất những chiếc quạt giấy.

Sau diễn văn khai mạc là đến phần đọc báo cáo tổng kết của cô hiệu phó. Cô hiệu phó gầy gò, và hôm đó cô rất… chói chang bởi cái áo dài màu đỏ.

“... Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành giáo dục nên trong năm học vừa qua, trường tiểu học của chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tích đáng tự hào...”. Tôi đang chăm chú nghe thì giật mình bởi thằng Ốc Nhồi giật chai nước mà tôi nhét trong túi quần ra, cười nhăn nhở nói “chua quá, khát quá, tớ uống ngụm nhé”, rồi không chờ tôi đồng ý đã mở nắp, ngửa cổ tu ừng ực. Những đứa bạn kế bên mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt đứa nào cũng đỏ hồng lên, nhìn theo nó thèm thuồng, nuốt khan nước miếng. Thế rồi đứa này chìa tay, đứa kia nói xin xít qua kẽ răng “tớ ngụm, tớ ngụm”. Những đứa có mang nước theo, cũng được dịp mở nắp tu ừng ừng, rồi chuyền cho các bạn xung quanh. Rồi những chanh, ổi, bồng bồng, khoai lang, bích quy... không hiểu từ đâu hiện ra và rào rạo trên mồm lũ bạn tôi. Những âm thanh ừng ực, ì xèo vang lên khiến cô hiệu phó phải đằng hắng tận mấy lần. Có cốc nước ngay trên bục, nhưng chắc để giữ cho sự trang trọng của buổi lễ, cô hiệu trưởng dồn cảm xúc của mình vào bài diễn văn mà không uống đến. Cô chủ nhiệm của chúng tôi thì phải lật đật cầm thước chạy xuống cuối hàng để ổn định trật tự.

“... Cô mong rằng, tất cả các em hãy cố gắng ôn tập thật tốt để có thể đạt được ước mơ bước chân vào một môi trường mới, những người bạn mới và những bước tiến mới của cuộc đời trên con đường chinh phục tri thức của nhân loại, để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước”.

Mồ hôi của cô hiệu phó đã rơi lộp độp lên tờ giấy. Thằng Ốc Nhồi thì lôi trong túi áo ra một cái vòng chun và nắm đạn dây mơ xòe ra trước mặt tôi. Ngó ngang ngó dọc thấy cô giáo chủ nhiệm đã quay trở lại bàn giáo viên có cái ô to che trên đầu, tôi cũng nhẹ nhàng lôi vũ khí của mình ra. Đối thủ của bọn tôi – những thằng học làng bên đang xoay lưng lại, cơ hội không thể tuyệt vời hơn để tấn công. “Đẹt, đẹt” và “ối... oái”. Trong chốc lát, “bãi chiến trường” được thiết lập để cổ vũ cho bài diễn văn của cô hiệu phó “...các thầy cô giáo luôn dõi theo từng bước chân của các em, hy vọng tất cả các em sẽ thành công hơn trên con đường học tập và xây dựng cuộc sống sau này....”.

Tất nhiên là “trận chiến” không duy trì được lâu, vì cô chủ nhiệm mặt đỏ phừng phừng đã lại tất tả chạy xuống.

Mặt trời lúc này đã vo tròn cái bóng của chúng tôi trên nền xi măng, mồ hôi rơi xuống giọt nào là cháy xèo giọt nấy. Sau bài phát biểu của cô hiệu phó là đến lượt một vị lãnh đạo ngành giáo dục, rất là bệ vệ. “... Là địa phương có truyền thống hiếu học, truyền thống đó đã được các thế hệ người dân gìn giữ và phát huy. Trong những năm qua, địa phương đã có nhiều chính sách để phát triển giáo dục và đào tạo...”.

Thằng Ốc Nhồi ngúc ngoắc không yên nãy giờ. Cuối cùng thì chịu không được, nó thò tay móc trong bụng ra một con chão chuộc bị buộc ngang bụng bằng sợi rơm. “Tớ chộp được sáng nay đấy” – thằng Ốc Nhồi khoe với tôi, rồi nó thả con chão chuộc xuống nền xi măng. Bỏng rát, con chão chuộc nhảy tưng tưng lên rồi lại bị sợi dây trong tay thằng Ốc Nhồi giật xuống, mỗi lần như thế, thằng Ốc Nhồi lại kêu “tắc, tắc” như đi chăn trâu vậy. Có trò giải trí thú vị, thế là cả chục cặp mắt thèm thuồng hướng về thằng Ốc Nhồi, đứa nào cũng tranh “cho tớ chơi với... cho tớ cầm một lúc nào...”.

Con chão chuộc được truyền tay từ đứa này sang đứa khác để “tắc, tắc”... Chừng như không chịu đựng được lũ con nít hành hạ, nhân một thoáng sơ hở, nó nhảy một cú vượt qua cả đầu thằng Ốc Nhồi rồi đậu lên lưng đứa này, ngồi lên tay đứa kia mà chạy trốn.

Tiếng “ối, oái” và xô đẩy lan khắp nơi trên sân trường, đáp lại những lời tâm huyết của vị cán bộ “... do vậy, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yêu cầu bức thiết, trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài...”.

Rồi pẹp một cái, con chão chuộc lao thẳng lên cái bục phát biểu, giương mắt nhìn vị cán bộ. Vị cán bộ cũng ngớ ra nhìn nó. Thầy giáo dạy thể dục của bọn tôi cuống cuồng chạy tới để tóm con chão chuộc. Nhưng phản xạ của loài lưỡng cư ấy còn nhanh hơn, và theo bản năng tự vệ, trước khi phóng vọt đi thoát khỏi bàn tay của thầy giáo thể dục, từ trong người nó phun ra một dòng nước thẳng vào người vị cán bộ. Ông hét lên “Ối trời ơi, ối trời ơi...”.

Cả sân trường nhốn nháo, các thầy cô, người lo lau mồ hôi, lau nước trên người cho vị cán bộ, người truy tìm chủ nhân của con chão chuộc, người lo ổn định đám học sinh đang nhao nhao như ong vỡ tổ phía dưới. Cô hiệu phó không chịu nỗi áp lực – không rõ là vì sự nhốn nháo hay từ chiếc áo chói chang, mà lăn ra ngất xỉu phải đi cấp cứu.

Thật tiếc đâu mà tiếc, vẫn còn phần phát biểu của đại diện hội cha mẹ học sinh, đại diện cho học sinh sẽ tốt nghiệp, rồi trao thưởng cho học sinh ưu tú... - những nghi thức mà lần đầu tiên chúng tôi được trải qua trong đời học sinh. Thế mà chỉ vì thằng Ốc Nhồi – tất nhiên là các thầy cô truy ra nhanh lắm – mà phần còn lại của buổi lễ phải hủy bỏ.

Thằng Ốc Nhồi bị kiểm điểm, rồi bị phạt. “Thật là một học sinh hư. Không nghe lời hay ý đẹp, sao mà thành người được con” – vị cán bộ khi ấy nhìn nó quở trách. Sau đó về làng, câu đấy thành “thật là một đứa trẻ hư”.

Phải kể lể dài dòng câu chuyện như vậy, để xin được nhắc lại với các bạn rằng, đây là chuyện chỉ có ở làng tôi thôi, dù có giống thì cũng không phải chuyện của bất kỳ làng nào... không phải làng tôi.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]