(vhds.baothanhhoa.vn) - Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời...

Trong miền ký ức: Quả pháo xịt

Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời...

Trong miền ký ức: Quả pháo xịt

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Làng tôi ngày xưa đúng là nghèo xơ nghèo xác thật. Cái nghèo dí lên mặt người làng tôi những nếp chân chim và nhuộm lên da màu bùn đất. Cái nghèo tỏa ra cả từ mùi mồ hôi chắt kiệt, ám lên những tấm áo nhuộm màu năm tháng.

Thế và, dịp tết với hội làng tháng Giêng, là khoảng thời gian để người làng tôi quên đi cái nghèo, quên những bữa cơm độn dưới ánh đèn tù mù với văng vẳng tiếng gắt gỏng. Và, tiếng pháo - những tràng pháo nổ đanh giòn, là thanh âm xua tan đi tất thảy mệt nhọc, bức bối, là nguồn năng lượng mới làm rộn rã tiếng cười từ trong nhà, ngoài ngõ đến cổng làng, bến nước, sân đình...

Với lũ trẻ lau nhau bọn tôi, pháo là món đồ chơi mang lại những cảm xúc đặc biệt. Pháo được quán tạp hóa Bà Béo bán từ trước tết cả tháng. Đám trẻ bọn tôi thường gom góp những đồng tiền lẻ nhàu nhỉ có được từ việc bán mớ lông gà lông vịt, sắt vụn hay những mẻ trai, ốc mò ở mau, những giỏ cua, lươn bắt được ở đồng, để mua pháo tép. Bánh pháo tép được chia nhỏ, mỗi đứa vài quả để rồi từ đấy biết bao trò tai quái ra đời. Thằng Cò Mót thì châm ngòi, đặt quả pháo vào vành tai con bò nhà lão Chột, pháo nổ đét một cái khiến con bò hoảng loạn lồng lên dẫm nát cả khoảnh ruộng vừa mới xuống giống rau. Thằng Củ Dáy thì châm ngòi rồi nhẹ nhàng đặt quả pháo sát mông cái Tóp Mỡ ngồi đằng trước. Pháo nổ, cái Tóp Mỡ nhảy dựng lên như ngồi phải đinh, mồm thì hét, một tay xoa mông một tay cầm cái thước cứ nhè đầu thằng Củ Dáy mà vụt. Thằng Củ Dáy sau vụ đấy phải đi dọn hố xí nhà trường nguyên một tuần. Thế mà, chẳng hiểu sao sau này hai đứa ấy lại lấy nhau, đẻ sòn sòn 4 đứa con...

Nhưng những ký ức sâu sắc nhất về pháo phải là chuyện làm pháo. Những quả pháo xịt được lũ trẻ chúng tôi tranh nhau nhặt, sau đấy về bóc lấy thuốc pháo, ngòi dẫn. Những sách, vở, báo, giấy lộn được gom góp từ bao giờ được mang ra cắt mảnh để cuộn pháo. Có đứa còn cẩn thận lấy giấy màu dán cho pháo, nên những quả pháo tự làm, có đủ mọi hình dáng, kích cỡ từ pháo tép cho đến pháo đùng và đủ các loại màu sắc nom rất bắt mắt. Tất nhiên, không gì sung sướng bằng việc tự tay đốt những quả pháo tự làm, pháo cuộn càng chắc thì tiếng nổ càng đanh giòn.

Lần ấy, chúng tôi quyết định góp thuốc pháo để làm một quả pháo cối để thi thố với quả pháo cối to như cái phích, mà mấy anh thanh niên trong làng hay mang ra dọa trai làng bên sang tán gái làng tôi.

Bí nhất để làm quả pháo to như thế, là phải kiếm cho đủ giấy. Sách vở cũ, thậm chí cả mới đều đã được cho nổ... tan xác pháo hết cả.

Chỉ duy nhất thằng Dớ là còn khả năng cung cấp giấy cho cả bọn. Bởi là, ông nội thằng Dớ có nguyên một tủ sách, truyện, nào Thủy Hử, Tam Quốc chí, Đất vỡ hoang... Thỉnh thoảng thằng Dớ cho chúng tôi đọc ké bộ Tam Quốc với Thủy Hử với những hình vẽ minh họa đẹp hết nấc. Có lần, nó còn mở tủ cho chúng tôi tha hồ mà suýt xoa trước kho truyện đồ sộ của ông nội nó.

Chúng tôi gạ: Ông mày có cả kho truyện, lấy vài cuốn dưới đáy tủ ấy, làm sao mà ông biết được. Có những cuốn cũ mèm rồi, mọt ăn thủng lổ chỗ còn gì.

Nó trợn mắt, gạt phắt đi: Ông tao quý sách còn hơn... cơm ấy. Bọn mày muốn tao chết à.

Lần đầu chưa gạ được thì lần sau. Lần sau chưa gạ được thì lần sau tiếp... Nhất là hôm các anh thanh niên cho nổ quả pháo cối - dễ làng bên cũng nghe được tiếng nổ ấy chứ - pháo thế mới là pháo chứ, thì thằng Dớ ngứa ngáy tay chân lắm rồi, cứ nuốt nước miếng liên tục. Nó còn là thằng cuộn pháo chắc tay mà đẹp nhất bọn nữa.

Chiều hôm ấy, ông nội thằng Dớ đi họp. Chẳng khó khăn gì để nó ôm ra một chồng sách, dày có, mỏng có và là những cuốn sách đã cũ lắm rồi, đã nằm dưới đáy tủ sách hàng bao nhiêu năm tháng. Cuộc “phẫu thuật” những cuốn sách ngay lập tức được tiến hành.

Quả pháo cối được cả bọn ôm rước nghênh ngang trên đường, khiến không chỉ các anh thanh niên mà người làng ai cũng phải mắt tròn mắt dẹt thán phục. Chúng tôi làm một “cái lễ” trang trọng lắm để đốt quả pháo giữa sân kho. Thằng Dỡ được vinh dự châm ngòi. Cái dây dẫn dài cháy xì xì, bao nhiêu người chứng kiến đứng dạt cả ra, bịt tai chuẩn bị đón nhận một tiếng nổ mà theo phán đoán của chúng tôi, xã bên - chứ không phải làng bên như quả pháo của các anh thanh niên, cũng nghe thấy.

X...i...i...i...i...i... và rồi... Xịt. Quả pháo tịt. Cả đám đồng ồ lên thất vọng, những tiếng cười giễu bắt đầu nổi nên khiến mặt đứa nào đứa nấy nóng như chảo rang.

Nhưng cũng chính lúc ấy, ông nội thằng Dớ rẽ đám đông bước vào. Ông cúi xuống xé cái lớp giấy màu và lớp giấy vỏ bao xi măng bọc bên ngoài, rồi trợn mắt, vung cái roi tre quay sang thằng Dớ - lúc này đang như người bị sốt rét, hét lên: Đồ mất dạy...

Thằng Dớ nhảy choi choi để đỡ những đòn roi vụt tới tấp vào lưng, vào chân, vào mông. Tiếng thét của nó và của cả ông nội nó hôm ấy, dễ đến xã bên còn nghe thấy.

Tôi còn nhớ, những cuốn sách truyện dùng để cuộn quả pháo xịt ngày ấy, có Ván Bài Lật Ngửa, Thép Đã Tôi Thế Đấy, Hoa Nhạn Lai Hồng... Có cuốn sách trong số đó là hồi ký, cho đến tận ngày nay chưa được tái bản và tôi từng có dịp nhìn lại trong tủ kính trưng bày ở Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]