Có phải tại cái xe?!
Đời sống ngày một đủ đầy, cùng với những nhà cửa san sát mọc lên thì trong xóm tôi có thêm nhiều gia đình sắm được xe ô tô. Hoan hỉ là vậy, nhưng những lời qua tiếng lại này nọ cũng từ đó xảy ra nhiều hơn.
(Minh hoạ: Hà Hiếu)
Ông Long đang ngồi trong nhà tiếp khách thì có tiếng bà Tơ gọi ngoài cổng. Ông vốn dĩ định “lờ” đi không lên tiếng vì ông đoán được bà hàng xóm gọi ông vì nhẽ gì. Nhưng tiếng bà Tơ mỗi lúc một to hơn, ông đành chạy ra, giọng “phủ đầu” trước:
- Làm gì mà bà gọi lắm thế, tôi có điếc đâu?
- Ông điếc hay không thì tôi không biết, nhưng ông có thấy cái xe ô tô nhà ông đậu thế này có được không? Đường trong thôn thì bé, ông để chắn hết lối thế này thì chúng tôi biết đi lại kiểu gì? - Bà Tơ vừa nói, tay vẫn đang giữ chắc chiếc xe kéo chất đầy cỏ tươi mà có lẽ bà đã phải cắt cả buổi chiều.
- Thì vẫn còn đường đấy thôi, bà đi né về phía sát bờ mương một chút cũng có sao đâu - ông Long chống chế.
- Ông nói thế mà được à? Tôi đi sát lề đường quá, nhỡ xe trượt bánh trật xuống mương thì sao, khi đó liệu ông có ra mà kéo xe lên cho tôi không. Chưa kể, ông đậu xe thế này choán hết cả đường đi, nhỡ tôi kéo xe qua có không may làm xây xước tí nào ông lại làm ầm ĩ lên, bắt đền giống hôm trước ông bắt đền bà Nhoan ấy, ai đâu có tiền mà đền. Mà rõ ràng ngõ nhà ông rộng thế, sao ông không đánh ô tô vào trong mà để, cứ đậu ở ngoài đường thế này, phiền chúng tôi lắm - bà Tơ lớn tiếng.
- Tôi đậu đó vì lát nữa có việc phải đi luôn, các bà là hàng xóm mà không thông cảm gì cả, sao cứ phải ầm ĩ lên thế - mặt ông Long đỏ bừng.
- Ông nói vậy mà nghe được, đường trong làng là để người dân qua lại, ông đậu xe choán hết lối đi đã không biết nể bà con thì thôi, lại còn lớn giọng trách móc. Nào, bây giờ ông có đánh xe vào trong không? Tôi nói trước rồi đấy, ông cứ đậu xe ở đây, tôi kéo xe cỏ qua nếu cọ xước sơn thì đừng có mà bắt đền.
Thấy bà Tơ kiên quyết như thế, phần vì không muốn tiếp tục to tiếng, phần cũng sợ xe đậu ngoài đường bị cọ xước sơn thật, ông Long đành miễn cưỡng đánh xe vào cổng của gia đình, miệng luôn mấp máy, lẩm bẩm nhỏ to câu gì đó nghe không rõ.
Lúc này, bà Lanh ngay sát nhà ông Long thấy có tiếng cãi cọ cũng chạy trong nhà ra, rồi ghé tai bà Tơ “mách”:
- Bà biết không, hôm trước ông Long mới mua xe về, lùi thế nào đụng trúng cái chậu cây cảnh để ngoài cổng nhà tôi. Ông ấy chẳng xin lỗi một câu, miệng thì bảo nhờ thằng Tú nhà tôi đi mua hộ chậu hoa khác giống như thế về hết bao tiền ông ấy trả. Ấy thế mà khi thằng bé đi mua về, sang nhà lấy tiền thì ông ấy lại thái độ, từ đó đến giờ mặt ông ấy lúc nào cũng nặng như chì ấy... Kể hôm đó, ông ấy chỉ cần nói một câu xin lỗi, bảo thông cảm thì tôi cũng chẳng bắt đền làm gì, đằng này... - bà Lanh bỏ dở câu nói.
Nói về cái xe ô tô của ông Long, khi nhà ông mua xe thì xóm làng ai cũng giật mình. Bởi gia đình ông chẳng buôn bán, kinh doanh gì, con cái cũng đi làm ăn xa nhà thi thoảng mới về. Nghe đâu, trước đó ông Long bán miếng đất được giá, thêm tiền dành dụm lâu nay, ông thường nói với hàng xóm, cuộc sống vất vả mãi rồi, giờ phải tranh thủ hưởng thụ thôi. Và sự hưởng thụ ấy được ông quyết định bằng việc mua một chiếc xe ô tô mới toanh.
- Đấy bà Lanh xem, trong xóm mình cũng đâu phải mình nhà ông Long có xe, nhưng nhà khác họ có “làm phiền” hàng xóm như ông ấy đâu. Đúng là mua xe đã khó nhưng ý thức, văn hóa của người có xe, có nhẽ cũng phải khác chứ... - Vừa dứt lời, bà Tơ cũng kéo theo xe cỏ đi về nhà.
Minh Chi
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-21 09:02:00
Cháu nó ngoan lắm
-
2024-03-05 11:00:00
Chuyện mùa nồm - “đặc sản” thời tiết miền Bắc