(vhds.baothanhhoa.vn) - Được mọi người tin, nghe theo, làm cùng, thì việc khó mấy cũng hoàn thành được - trong đó có việc các cháu sẽ lập thân, lập nghiệp

Để mọi người nghe theo, làm cùng

Được mọi người tin, nghe theo, làm cùng, thì việc khó mấy cũng hoàn thành được - trong đó có việc các cháu sẽ lập thân, lập nghiệp

Để mọi người nghe theo, làm cùng

(Ảnh minh họa)

Làng tôi trước đây nghèo lắm. Có được diện mạo khang trang như hiện nay, cùng với nguồn lực của con em xa quê là sự chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương của bà con. Gần 2 thập kỷ làm bí thư chi bộ, “muốn nghỉ mà bà con không cho nghỉ”, bác bí thư chi bộ mà tôi nhắc đến hôm qua - trong chuyện “Việc khó phải làm”, chính là ngọn cờ tập hợp của làng.

Bác vẫn thường khuyên nhủ cánh thanh niên chúng tôi, rằng khi đời sống kinh tế đã khấm khá hơn, thì càng phải quan tâm đến học tập, bồi dưỡng kiến thức, cả về văn hóa và chính trị. Lại nữa, phải nhận thức đúng, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng để được kết nạp Đảng.

Đa phần thanh niên chúng tôi, khi nhắc đến học tập chính trị và kết nạp Đảng là ngại. Hơn ai hết, bác bí thư chi bộ hiểu rõ điều đó, lại hiểu gia cảnh, tính nết từng người để mà khuyên nhủ, động viên. Bác bảo, kiến thức lý luận xuất phát từ cuộc sống và trở lại phục vụ cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có lần bác giải thích cho chúng tôi về việc “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên” thế này: Đấy là vấn đề hệ trọng của Đảng, nhưng lại xuất phát từ những điều giản đơn nhất. Để làm được điều đó, vấn đề cốt yếu là phải nâng sức hấp dẫn của đảng viên, hay nói cách khác là mỗi đảng viên phải có sức hấp dẫn với quần chúng. Vì sao thanh niên ngại vào Đảng, xa rời Đảng? là vì có những lãnh đạo, đảng viên nói ngược làm xuôi, nói không thành có, ít nói thành nhiều, chưa kể nói mà không làm – mà làm thì lại tổn hại đến tổ chức, đến cộng đồng… Như vậy, đảng viên không còn sức hấp dẫn, tổ chức đảng cũng không còn sức hấp dẫn với thanh niên các cháu.

Chưa kể, thanh niên lại nhạy cảm với các vấn đề của đời sống xã hội, có nhiều câu hỏi mà khi không được giải đáp thấu đáo, sẽ dẫn đến hoài nghi. Nào là, sao cùng tốt nghiệp đại học, mà chỉ thấy phần đa con cán bộ mới được làm cán bộ? nào chỉ vài năm công tác mà cán bộ nọ giàu lên nhanh thế?, nào vào Đảng chỉ tốn thêm tiền Đảng phí mỗi tháng, chứ có thêm lợi ích kinh tế đâu?... Lại thêm, việc hô khẩu hiệu nhiều quá, sử dụng nhiều động từ, tính từ mang tính lý tưởng quá, “bộ nhớ” của thanh niên không dung nạp được.

“Nếu bác không trả lời được những câu hỏi đó thấu đáo cho các cháu, tự bác – bí thư chi bộ sẽ mất sức hấp dẫn với các cháu, chi bộ sẽ không còn hấp dẫn các cháu, phải không nào?” – bác bí thư chi bộ nói trúng vào băn khoăn của chúng tôi, khiến cả bọn cứ dỏng tai lên mà nghe.

Các cháu, những thanh niên lớn lên từ làng – giọng bác bí thư chi bộ chậm rãi – được nuôi dưỡng tâm hồn bởi truyền thống của người làng tự bao đời: khiêm nhường, nghĩa tình, cao thượng, chính trực với cộng đồng; với bản thân thì tự trọng, tự tin, phấn đấu không ngừng. Tổ chức đảng và các đảng viên đi trước sẽ khơi mạch nguồn ấy cho các cháu, để mỗi người khi trở thành đảng viên sẽ được rèn luyện để làm công dân tốt, cán bộ tốt – cán bộ tốt thì tổ chức nào cũng tốt – tổ chức tốt thì quần chúng sẽ nghe theo. Được mọi người tin, nghe theo, làm cùng, thì việc khó mấy cũng hoàn thành được – trong đó có việc các cháu sẽ lập thân, lập nghiệp ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như vậy có tự hào không nào?!.

Còn với những nghi hoặc nêu trên - giọng bác bí thư chi bộ chậm lại và chắc nịch - có câu “Lời nói - đọi máu”, đã giơ tay đọc lời thề của người đảng viên, thì suốt đời phải đinh ninh lời thề ấy. Làm sai thì bị phạt, tổ chức phạt, lương tâm phạt và cuộc đời phạt, tất yếu thế các cháu ạ - và thực tế đã và đang diễn ra như thế.

Bác bí thư chi bộ làng tôi là cựu chiến binh từng một thời thi gan với đạn lửa. Ngày về làng, gia đình bác cũng nghèo lắm. Thế rồi người cựu chiến binh ấy biến đồng hoang thành trang trại, biến cồn bãi thành nhà xưởng để làm giàu cho gia đình, tạo thêm sinh kế cho những người yếu thế trong làng. Từ việc nhỏ của làng, như vợ chồng xích mích, con cái lêu lổng, làm nhà, mua xe... đến những việc lớn như dồn đổi ruộng đất, giải phóng mặt bằng, làm điện – đường – trường – trạm - chợ - nhà xưởng…, người cựu chiến binh ấy đều có mặt. Không tô vẽ, dài dòng, chẳng khẩu hiệu, mệnh lệnh, nhưng không lời nào của người cựu chiến binh ấy người làng không tin, không việc gì người làng không nghe.

Nên chúng tôi hiểu ngay, đó là sức hút, lực hấp dẫn của một người cán bộ, đảng viên - là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]