(vhds.baothanhhoa.vn) - Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm, ở đó sản phẩm mang đặc trưng vùng miền không chỉ phát huy lợi thế đem lại hiệu quả kinh tế; mà còn ví như những “đại sứ văn hóa” với những “câu chuyện sản phẩm” chứa đựng nét đẹp lao động, sản xuất và tinh hoa văn hóa trao truyền của những thế hệ không ngừng sáng tạo. Tuy nhiên, làm thế nào để những sản phẩm OCOP thực sự trở thành “đại sứ văn hóa” giàu giá trị lại là câu chuyện còn nhiều trăn trở. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã trao đổi với các ông: Bùi Công Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa; Lê Đại Hiệp - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương; Nguyễn Hữu Thành - Chủ tịch UBND xã Hà Long (Hà Trung).

Để sản phẩm OCOP trở thành những “đại sứ văn hóa”

Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm, ở đó sản phẩm mang đặc trưng vùng miền không chỉ phát huy lợi thế đem lại hiệu quả kinh tế; mà còn ví như những “đại sứ văn hóa” với những “câu chuyện sản phẩm” chứa đựng nét đẹp lao động, sản xuất và tinh hoa văn hóa trao truyền của những thế hệ không ngừng sáng tạo. Tuy nhiên, làm thế nào để những sản phẩm OCOP thực sự trở thành “đại sứ văn hóa” giàu giá trị lại là câu chuyện còn nhiều trăn trở. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã trao đổi với các ông: Bùi Công Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa; Lê Đại Hiệp - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương; Nguyễn Hữu Thành - Chủ tịch UBND xã Hà Long (Hà Trung).

Ông Bùi Công Anh: Sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền - chứa đựng văn hóa bản địa có tính cạnh tranh cao hơn khi ra thị trường

Để sản phẩm OCOP trở thành những “đại sứ văn hóa”

PV: Thưa ông Bùi Công Anh, ông đánh giá như thế nào về vai trò, tầm quan trọng của yếu tố bản địa, khai thác lợi thế, đưa bản sắc văn hóa trong sản phẩm OCOP?

Ông Bùi Công Anh: Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị. Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng, mỗi địa phương lại có đặc trưng khác nhau, gắn liền với đó cũng là sự đa dạng của các sản vật. Điều này có nghĩa, sản phẩm OCOP có tính đặc sản, vùng miền khi ra thị trường sẽ có tính cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh đó, khi những sản phẩm OCOP là đặc sản địa phương thì kinh nghiệm, cách làm của người dân bản địa được phát huy tối đa, đây là lợi thế nhân văn rất lớn trong xây dựng sản phẩm OCOP - mỗi xã một sản phẩm.

Trong OCOP có “câu chuyện sản phẩm”, mỗi sản phẩm thì nhà sản xuất, người sản xuất sẽ viết nên những câu chuyện “kể” về sản phẩm gửi đến khách hàng. Câu chuyện sản phẩm gắn với vùng miền, văn hóa bản địa. Một sản phẩm dù bình dị nhưng khi nó được “sinh ra” từ vùng quê có truyền thống lâu đời với những nét văn hóa tốt đẹp... sẽ khiến khách hàng bị hấp dẫn, tò mò và trải nghiệm sản phẩm. Người tiêu dùng mua sản phẩm không chỉ là mua giá trị hữu dụng, mà còn là mua câu chuyện văn hóa trong sản phẩm. Dĩ nhiên, để những câu chuyện sản phẩm - chứa đựng giá trị văn hóa phát huy hiệu quả thì trước hết sản phẩm phải thực sự chất lượng. Khi đó, giá trị văn hóa sẽ nâng tầm cho sản phẩm OCOP và ngược lại, chính những sản phẩm OCOP sẽ là “đại sứ văn hóa” để bạn bè muôn phương hiểu hơn về vùng đất, con người đã tạo ra nó.

Theo Quyết định 148/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, câu chuyện sản phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng. Trong đó, các tiêu chí của câu chuyện sản phẩm được chú trọng, đánh giá cao, như: Có câu chuyện sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái truyền thống, văn hóa và trí tuệ (bản sắc) địa phương; chứa đựng các thông điệp bản sắc văn hóa địa phương...

Câu chuyện sản phẩm chứa đựng giá trị văn hóa phải được viết lên bởi chính người nông dân - người sản xuất, không ai có thể “viết” câu chuyện sản phẩm thay chủ thể của sản phẩm OCOP. Bởi chính người dân ở các miền quê, người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm - chính họ mới tự hào, có niềm cảm hứng và am hiểu hơn ai hết về sản phẩm làm ra. Câu chuyện sản phẩm hấp dẫn là câu chuyện ngắn gọn, súc tích mà vẫn chứa đựng đầy đủ giá trị truyền thống, nhân văn, bản địa và không quên giới thiệu chất lượng, tác dụng của sản phẩm. Câu chuyện sản phẩm hay góp phần quan trọng nâng tầm sản phẩm OCOP.

Thanh Hóa có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng tốt đã được khẳng định. Tuy nhiên thực tế, chưa có nhiều “câu chuyện sản phẩm” thực sự tạo được ấn tượng. Và đây là điều mà bản thân mỗi người dân, nhà sản xuất phải chú trọng hơn.

Ông Lê Đại Hiệp: Đưa sản phẩm OCOP trở thành “đại sứ văn hóa” - còn nhiều khó khăn

Để sản phẩm OCOP trở thành những “đại sứ văn hóa”

PV: Quảng Xương được biết đến là huyện có số lượng sản phẩm OCOP lớn. Xin ông chia sẻ về việc phát huy, đưa giá trị văn hóa truyền thống, yếu tố bản địa trong xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện?

Ông Lê Đại Hiệp: Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Quảng Xương có 24 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng (18 sản phẩm 3 sao, 6 sản phẩm 4 sao). Trong đó, các sản phẩm từ mắm (mắm cáy, nước mắm) đều là sản vật địa phương. Điều đáng mừng, nước mắm Cự Nham loại đặc biệt (xã Quảng Nham) và mắm cáy Quảng Phúc (xã Quảng Phúc) là những sản phẩm chất lượng được xếp hạng 4 sao.

Việc khai thác lợi thế địa phương, giá trị văn hóa, kinh nghiệm dân gian trong sản phẩm OCOP là điều quan trọng, thời gian qua luôn được các cấp, ngành, địa phương, phòng chuyên môn chú trọng định hướng, tuyên truyền tới người dân. Song cũng là thực tế, khai thác giá trị văn hóa vùng miền đặc trưng, nhằm nâng tầm cho những sản phẩm OCOP không phải chuyện dễ.

Bên cạnh đó, ngay cả những sản phẩm OCOP chất lượng, được sản xuất bởi sự kỳ công, tâm huyết và cả kinh nghiệm rất riêng của người dân địa phương thì việc lan tỏa đến cộng đồng cũng không đơn giản. Câu chuyện về sản phẩm mắm cáy của người dân Quảng Phúc là một ví dụ. Do sản lượng ít, cùng thói quen sử dụng nên không phải tất cả người tiêu dùng đều ưa thích sản phẩm, dù rằng chất lượng rất tốt. Dẫn chứng như vậy để thấy được, khai thác tài nguyên văn hóa trong xây dựng sản phẩm OCOP đã không dễ, nhưng để những sản phẩm OCOP thực sự trở thành “đại sứ văn hóa” lại càng khó hơn.

Khó không có nghĩa là không thể. Khó để thấy được hành trình tạo nên những sản phẩm đủ sức trở thành “đại sứ văn hóa” không hề đơn giản. Nhưng cũng lại tin rằng, những sản phẩm chất lượng an toàn, được làm ra bởi chắt chiu gom nhặt, tâm huyết của người dân cùng câu chuyện sản phẩm đong đầy giá trị từng chút một sẽ được lan tỏa rộng rãi.

Ông Nguyễn Hữu Thành: Nâng tầm sản vật chất lượng của đất quý hương, không thể chỉ dừng lại ở... hạt gạo OCOP

Để sản phẩm OCOP trở thành những “đại sứ văn hóa”

PV: Đến thời điểm hiện tại, xã Hà Long có 2 sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang được người tiêu dùng đánh giá cao, đầu ra ổn định. Sản phẩm OCOP được ví như “đại sứ văn hóa” chứa đựng tinh hoa của vùng đất, con người. Đặc biệt với một địa phương giàu truyền thống lịch sử như Hà Long thì câu chuyện về sản phẩm hạt gạo nếp cái hoa vàng càng có thêm ý nghĩa. Ông có thể chia sẻ thêm về định hướng phát triển sắp tới của địa phương đối với sản phẩm OCOP này?

Ông Nguyễn Hữu Thành: Hạt gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang hiện nay đã khẳng định được “chỗ đứng” của sản phẩm. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác được giá trị văn hóa tốt hơn - nâng tầm giá trị sản phẩm cao hơn, nếu dừng lại ở câu chuyện hạt gạo thôi sẽ là chưa đủ, đặc biệt là với một địa phương có nhiều điểm đến, di tích lịch sử văn hóa như Hà Long.

Thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân cũng đang trăn trở với việc làm thế nào để tạo ra được những sản phẩm chất lượng từ hạt gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, để gia tăng giá trị từ hạt gạo, phát triển kinh tế địa phương mà còn có thể trở thành “món quà” gửi đến người dân, du khách khi về đất quý hương. Người dân hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm như rượu nếp cái hoa vàng; bánh cốm... chất lượng tốt với những câu chuyện sản phẩm hấp dẫn. Để khi về Hà Long, thay vì phải xách theo những bao gạo trĩu nặng, du khách hoàn toàn có thể mang theo những sản phẩm từ tinh túy hạt gạo, chứa đựng tâm tình của người sản xuất. Nếu làm được điều đó, tin rằng tiếng “thơm” của gạo nếp cái hoa vàng đất quý hương sẽ đi xa hơn chứ không dừng lại chỉ ở hạt gạo OCOP.

Thu Trang (thực hiện)

Tin liên quan:
  • Để sản phẩm OCOP trở thành những “đại sứ văn hóa”
    Phát huy lợi thế địa phương - “vươn tầm” OCOP: Chuyện của hạt gạo nếp tiến vua ...

    Xã Hà Long (Hà Trung) xứ Thanh khi xưa còn có tên gọi Gia Miêu Ngoại Trang. Khi vua Gia Long lên ngôi, lập ra vương triều nhà Nguyễn thì Gia Miêu được biết đến là đất quý hương, quê hương của “chín chúa, mười ba vua” nhà Nguyễn. Nhắc đến Hà Long, người dân xa gần không chỉ “mường tượng” ra một vùng đất quý hương trù phú, giàu đẹp và đó còn là quê hương của hạt gạo nếp tiến vua ngon nức tiếng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]