(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trên địa bàn Thanh Hóa hiện có 4 cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch với khoảng 2.000 sinh viên ra trường mỗi năm. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Vẫn còn nhiều cái khó

(VH&ĐS) Trên địa bàn Thanh Hóa hiện có 4 cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch với khoảng 2.000 sinh viên ra trường mỗi năm. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu…

Thuận đầu vào, thuận đầu ra…

Theo số liệu của Sở VH,TT&DL, đến hết năm 2015, tổng số lao động trực tiếp hoạt động trong ngành du lịch khoảng 18.650 người (trong đó lao động qua đào tạo bồi dưỡng chiếm 74,6%), ngoài ra 60% lao động cộng đồng tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch trọng điểm được bồi dưỡng du lịch và văn hóa giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh du lịch.

Nhìn vào những con số đầy ấn tượng này thì rõ ràng đội ngũ nhân lực du lịch Thanh Hóa đã có những sự thay đổi đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Nhưng vấn đề đặt ra lại nằm ở chỗ, khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì những con số trên vẫn chưa tạo “thế” cần và đủ cho du lịch Thanh Hóa phát triển.

Cần có sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. (Ảnh: Hoàng Trung)

Với 4 cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch và còn nhiều các tổ chức khác, là điều kiện hết sức thuận lợi để nâng cao kỹ năng, kiến thức cho người làm du lịch. Tại khoa Du lịch Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa, 2 năm trở lại đây công tác tuyển sinh đã thuận hơn so với những năm về trước, thu hút một lượng lớn người đăng ký vào khoa này. Năm học 2016 - 2017, khoa có 554 sinh viên được đào tạo ở 3 ngành đại học và 1 ngành học cao đẳng về du lịch. Nhà trường cũng gửi các giảng viên của khoa ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm về đào tạo du lịch. Ngoài hệ thống phòng học lý thuyết còn có một trung tâm thực hành du lịch như phòng thực hành chế biến món ăn, phòng thực hành lễ tân… Có thể nói, với môi trường học tập khá tốt thì việc thu hút ngày càng nhiều người đăng ký vào khoa du lịch cũng là điều dễ hiểu.

Tại Trường Trung cấp Nghề Thương mại Du lịch Thanh Hóa (xã Quảng Tâm - TP Thanh Hóa), cũng đã từng rất vất vả trong công tác tuyển sinh, nhưng một số năm trở lại đây, công tác này đã dễ dàng hơn. Ngay tại thời điểm này nhà trường đã vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, tuyển được hơn 600 học sinh (trong khi chỉ tiêu là 500 học sinh). Rõ ràng, với số học sinh, sinh viên ngày càng đông ở chuyên ngành du lịch đã chứng minh rằng các cơ sở đào tạo về nguồn nhân lực du lịch đã tương đối đáp ứng được về điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giảng viên và quan trọng hơn đó chính là đầu ra. Qua khảo sát tại một số trường, thì số học sinh, sinh viên du lịch, khi ra trường đều có việc làm, thậm chí, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã “đăng ký” với nơi đào tạo để “xin” học sinh, sinh viên đó về làm việc tại doanh nghiệp ngay sau khi ra trường.

Thuận đầu vào và cũng thuận đầu ra nhưng vẫn còn nhiều điều phải bàn ở ngay trong công tác đào tạo.

Nhưng vẫn còn nhiều cái khó

Theo trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học VH,TT&DL Vũ Văn Tuyến thì hạn chế lớn nhất đối với sinh viên khoa Du lịch của nhà trường là trình độ ngoại ngữ, cho dù thời lượng để học ngoại ngữ rất lớn nhưng do mặt bằng đầu vào của người học thấp nên chưa đáp ứng được. Riêng đối với chuyên ngành thuyết minh viên và hướng dẫn viên thì việc tuyển sinh là khó nhất, một khóa chỉ đào tạo khoảng 20 - 30 sinh viên do đặt ra yêu cầu cao, về ngoại hình, chất giọng… nên không thể tuyển sinh một cách đại trà.

Bồi dưỡng và tổ chức dịch vụ cho người dân xã Trí Nang.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Thương mại du lịch Lương Văn Sinh cho biết: “Có 3 cái khó cho công tác đào tạo, đó là: chất lượng đầu vào khi học sinh có trình độ học vấn thấp, tiếp đó là định mức về nguyên liệu chi phí đào tạo lớn và cuối cùng nằm ở công tác tuyển sinh khi nhận thức của học sinh còn hạn chế trong khi đó cơ hội việc làm nhiều nhưng học sinh vẫn đăng ký ít”.

Tuy nhiên, cái khó với doanh nghiệp lại nằm ở chỗ là khi tiếp nhận học sinh, sinh viên về làm việc, phần lớn, họ vẫn phải đào tạo lại. Theo ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa: Lao động được đào tạo ra, đưa vào sử dụng còn nhiều mặt yếu kém, tính chuyên nghiệp còn xa với thực tế, lý thuyết chưa đi với thực hành, kỹ năng nghiệp vụ ở các lĩnh vực chưa sâu. Chính vì vậy mà trong thời gian tới, cần có sự liên kết giữa nơi đào tạo và doanh nghiệp lữ hành, từ tuyển sinh đến khâu đào tạo, đơn đặt hàng phải có sự gắn kết với nhau…

Thực tế chỉ ra rằng, để thực hiện thành công chương trình phát triển du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đây được xem là tài sản quý giá, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Trong khi hiện nay, việc đào tạo mới chỉ dừng phần lớn ở bồi dưỡng ngắn ngày, chưa đào tạo cơ bản, chuyên sâu. Chính điều này sẽ làm hạn chế chất lượng nhân lực du lịch.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo du lịch có hiệu quả, phải gắn kết giữa lý thuyết với thực hành, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để gắn liền đào tạo với sử dụng nâng cao năng lực, trình độ của người lao động; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, nghiên cứu học tập…

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]