(vhds.baothanhhoa.vn) - Không thể phủ nhận Internet là kênh thông tin cung cấp đa dạng kiến thức khoa học, giải trí, sức khỏe... quan trọng cho cuộc sống thời đại 4.0. Tuy nhiên, không gian này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro đối với con trẻ khi chiếc điện thoại smartphone luôn luôn là vật bất ly thân.

Cần có “rào chắn” bảo vệ trẻ em trước không gian mạng

Không thể phủ nhận Internet là kênh thông tin cung cấp đa dạng kiến thức khoa học, giải trí, sức khỏe... quan trọng cho cuộc sống thời đại 4.0. Tuy nhiên, không gian này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro đối với con trẻ khi chiếc điện thoại smartphone luôn luôn là vật bất ly thân.

Những con số “biết nói”

Đi cùng sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, internet và mạng xã hội đã trở thành kênh cung cấp đa dạng kiến thức, thông tin giải trí... và mở rộng các mối quan hệ xã hội cho người dùng ở mọi lứa tuổi. Chính vì vậy, mà ngày nay thật khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ cùng nhau nô đùa, vui chơi những trò chơi truyền thống như nhảy dây, đá cầu, ô ăn quan... sau những giờ học căng thẳng mà thay vào đó là hình ảnh tụ năm, tụ bảy trong các quán cà phê, trà sữa... để lướt Facebook, Youtube, chơi game...

Cần có “rào chắn” bảo vệ trẻ em trước không gian mạng

Những hình ảnh thường thấy tại các quán trà sữa, cà phê. Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại hội thảo Môi trường internet an toàn mới đây cho thấy, Việt Nam đang có khoảng 78 triệu người dân sử dụng Internet, tương đương 79,1% dân số. Trong đó, hiện có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số và có đến 2/3 các em có thể tiếp cận các thiết bị kết nối internet. Cũng theo số liệu trên, có tới 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12 - 13 tuổi có sử dụng internet ít nhất 1 lần/ngày. Con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14 - 15 tuổi.

Bên cạnh mặt tích cực là nơi mở ra cho con trẻ một chân trời mới khi mỗi bước đi trên con đường đó từng phút, từng giây có rất nhiều điều mới lạ, hấp dẫn đón đợi nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho tội phạm mạng và các nội dung xấu tác hại đến trẻ em. Bằng chứng được thể hiện qua số liệu thống kê từ Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững có tới 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet và có hơn 70% trẻ em đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet.

Chị H (trú tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) bày tỏ: “Giờ cấm con trẻ tiếp xúc với mạng xã hội thực sự rất khó bởi ngay cả việc học tập của cháu cũng cần phải truy cập vào mạng. Không chỉ riêng gia đình tôi mà rất nhiều gia đình khác bố mẹ đều phải bận bịu với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” mà đôi khi lơ đãng việc kiểm soát con cái khi truy cập vào không gian mạng. Hơn nữa, giờ đây khi công nghệ ngày càng hiện đại trẻ có rất nhiều cách để hoạt động ẩn mình, không sử dụng hình ảnh, tên thật, xóa lịch sử vào trang web... khiến cho các bậc phụ huynh như chúng tôi khó lòng mà kiểm soát kịp.”

Cần có “rào chắn” bảo vệ trẻ em trước không gian mạngKhông gian mạng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với trẻ. Ảnh minh họa

Bạo lực học đường, bạo lực mạng, bạo lực ngôn từ, xâm hại tình dục... trên không gian mạng đã khiến không ít đứa trẻ từ vô lo, vô nghĩ tự khép mình lại và kéo theo hệ lụy về cả thể chất lẫn tinh thần như xấu hổ, tự ti, bất an, mệt mỏi... thậm chí tự tử. Chưa kể, những vụ việc trẻ vị thành niên gây gổ đánh nhau, giết người... cứ thế tiếp diễn để rồi từ một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường trở thành kẻ vi phạm pháp luật, gây rối loạn xã hội.

Thực tế cho thấy, Youtuber, Tiktoker nổi tiếng ngày càng “xâm chiếm” không gian mạng; song song với việc nổi tiếng, kiếm được nguồn thu không nhỏ là những video có nội dung “sốc”, giật gân, độc, “troll” (chơi khăm) hoặc các video thoá mạ, chửi thề, đe dọa, xuyên tạc... theo xu hướng bạo lực như: Thử thách nấu cháo gà nguyên lông, Thử thách 3 ngày ở nghĩa địa, thả 100 con dao từ trên xuống... Các video này có tới hàng triệu lượt xem, đối tượng quan tâm nhiều nhất là giới trẻ.

Cần có “rào chắn” bảo vệ trẻ em trước không gian mạngSố lượng trẻ bị bạo lực mạng ngày càng tăng. (Ảnh minh họa)

Làm sao để bảo vệ con trẻ?

Anh S (trú tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) trải lòng: “Ngoài việc theo dõi và kiểm soát con cái tôi nghĩ điều quan trọng nhất chính là phải làm bạn được với con, trở thành người khiến chúng có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, giải đáp cho chúng những thắc mắc, trăn trở ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” chứ không áp đặt con theo ý mình. Ở cái tuổi “thích khám phá” này điều gì cha mẹ càng cấm lại càng kích thích sự tò mò của con trẻ. Tôi đã từng vô tình xem điện thoại của con trai đang học lớp 7 thấy rất nhiều tin nhắn chat gửi đến. Tôi tò mò ấn vào đọc và kéo lên các phần tin nhắn cũ thì thấy nhiều tin có nội dung rủ rê con tôi đi chơi, tham gia các hội nhóm hút thuốc lá điện tử, hút cỏ, chơi bóng cười... kèm theo đó là các youtube ngắn có nội dung không lành mạnh khiến tôi và vợ vô cùng bàng hoàng. Sau đó, tôi đã cố bình tĩnh nói chuyện với con để kịp thời chấn chỉnh, giáo dục, ngăn chặn tình trạng trên. Đồng thời, định hướng cho con tìm kiếm những chủ đề lành mạnh, có ích và phù hợp với lứa tuổi của con”.

Cần có “rào chắn” bảo vệ trẻ em trước không gian mạngQuản lý và bảo vệ trẻ em trước những nội dung xấu, độc trên internet là một vấn đề nan giải đối với các bậc phụ huynh. Ảnh minh họa

Cô L. (giáo viên Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Bản thân vừa làm nghề giáo lại vừa làm mẹ tôi rất thấu hiểu nỗi lo của các bậc phụ huynh khi có con trong độ tuổi mới lớn. Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, theo dõi con sử dụng mạng xã hội các bậc phụ huynh nên đề ra các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng mạng và thiết lập giới hạn thời gian trực tuyến cho trẻ để đảm bảo rằng con không tiếp xúc với nội dung không phù hợp hoặc nguy hiểm. Mặt khác, cổ vũ và động viên trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, ngoài trời giúp con trẻ thoát ly dần với mạng xã hội; cũng như đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục con trẻ sử dụng mạng hội đúng lúc, đúng cách".

Hành trình bảo vệ con trẻ trước những nguy cơ bị mạng xã hội “tấn công” rất cần sự đồng hành, chung tay gia đình và nhà trường; trong đó, gia đình là quan trọng nhất bởi đây là môi trường tác động nên việc hình thành tính cách, lối sống, suy nghĩ của con trẻ. Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, vậy nên cha mẹ cần gương mẫu, quan tâm, giáo dục và tạo ra một môi trường sống văn minh, lành mạnh để con có thể thỏa sức sáng tạo, học hỏi và chia sẻ quan điểm cá nhân. Mặt khác, đã đến lúc cần có “vắc xin” liều cao từ các cơ quan chức năng để giúp các em có thể “miễn dịch” với các nguy cơ xấu, độc tiềm ẩn trên môi trường số.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]