(vhds.baothanhhoa.vn) - Ghép tạng là biện pháp hiệu quả lâu dài nhất đối với người bệnh suy tạng. Vì vậy, dù thời gian chờ ghép kéo dài hàng chục năm thì người bệnh vẫn luôn hy vọng có một ngày hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình.

“Hiến tạng cứu sống là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện”

Ghép tạng là biện pháp hiệu quả lâu dài nhất đối với người bệnh suy tạng. Vì vậy, dù thời gian chờ ghép kéo dài hàng chục năm thì người bệnh vẫn luôn hy vọng có một ngày hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình.

“Hiến tạng cứu sống là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện”

Bệnh nhân suy thận nặng mong muốn được ghép thận, trở lại cuộc sống bình thường.

Hy vọng

Là sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, trước khi ra trường, H.N.N, sinh năm 2000 (thị trấn Cành Nàng, Bá Thước) đã ấp ủ cho mình nhiều dự định, ước mơ thực hiện trong tuổi thanh xuân này. N. cũng định khởi nghiệp ở quê vì muốn gần gia đình. Nhưng ngày ra trường đã phải lùi xa khi N. thường xuyên bị những cơn cao huyết áp, tức ngực, khó thở kéo dài, sức khỏe sa sút, đi khám bác sĩ chẩn đoán em bị suy thận nặng, phải thực hiện lọc máu 3 lần/tuần. Bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ phải dừng lại cho việc chữa trị, cánh cửa cuộc đời như đóng sập lại với chàng trai trẻ. Thương con bố mẹ N. sẵn sàng hiến thận nhưng do có nhiều bệnh nền nên không được. Giờ đây, N. chỉ trông mong vào nguồn tạng hiến, sẽ có ngày cái tên H.N.N được gọi trong danh sách chờ.

Cùng chung hoàn cảnh với H.N.N, chị N.T.H, sinh năm 1984 (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) cũng đang mong mỏi từng ngày điều kỳ diệu sẽ đến. Chị H. bị suy thận từ năm 2018, đến năm 2020 phải chạy thận để ổn định sức khỏe. Đã từng là cô gái văn phòng trẻ trung, xinh đẹp với nguồn thu nhập ổn định, một gia đình trọn vẹn nhưng “giờ đây tất cả gánh nặng gia đình dồn hết lên vai chồng, từ việc kiếm tiền sinh hoạt phí đến chăm lo cho con cái học hành. Thời gian của tôi chỉ dành để ở viện, sức khỏe yếu, rồi chi phí đi viện của tôi hàng tháng không hề nhỏ. Những dằn vặt, tự ti, xấu hổ ngày một lớn dần trong tôi... Mong mỏi lớn nhất của tôi lúc này được trở lại là người bình thường”, vừa khóc chị H. vừa nói.

Ghép tạng là ước mong lớn nhất của tất cả những bệnh nhân đang bị suy thận giai đoạn cuối. Hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có khoảng 450 bệnh nhân chạy thận, trong đó bệnh nhân chạy thận 3 lần/tuần chiếm 92%. Hầu hết những bệnh nhân này đều có nhu cầu được ghép thận. Giống như anh Hoàng Văn Nhất, Nguyễn Như Phú, họ ước mong có một ngày hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình.

Rào cản

Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công 15 ca ghép thận, hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép thận, trong đó có nhiều ca ghép khó như ghép thận từ người cho chết não, người cho và người nhận khác nhóm máu, có nhóm máu hiếm, có hiệu giá kháng thể cao. Trong đó, bệnh viện áp dụng kỹ thuật lấy thận người cho bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ngay từ ca ghép thứ 2, và là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện thành công ghép thận từ người cho chết não.

Theo PGS.TS Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, người điều hành chính trong những ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Hiện nay việc ghép thận có hai nguồn. Nguồn thứ nhất là từ người chết não hiến tặng, nguồn còn lại là từ người cho còn sống. Tuy nhiên, việc cứu sống bệnh nhân bằng phương pháp ghép tạng vẫn là một bài toán khó giải bởi nguồn tạng khan hiếm. Vì vậy, dù chúng ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận nhưng nếu không có nguồn hiến thì sẽ không có cơ hội cho những người bệnh đang ngày đêm khắc khoải. Trong 15 ca ghép thận thành công chỉ có 2 ca là từ người cho chết não”.

Thực tế, việc hiến tạng từ người cho chết não đang còn rất nhiều rào cản, nhất là tư tưởng “chết phải toàn thây”. Mỗi năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa có khoảng 100 bệnh nhân chết não nhưng đến nay mới chỉ có 2 bệnh nhân hiến tạng. Theo lời kể của các bác sĩ bệnh viện, có trường hợp bệnh nhân chết não, khi đội tư vấn bệnh viện giải thích, thuyết phục thì tất cả người thân trong gia đình nạn nhân đã đồng ý hiến tạng, chỉ còn duy nhất người anh trai không liên lạc được. Khi các thủ tục hiến, ghép tạng đang được tiến hành thì anh trai nạn nhân bất ngờ xuất hiện và không đồng ý. Sau đó nạn nhân qua đời, còn người bệnh cần ghép tạng mất đi cơ hội sống. Thậm chí có trường hợp người em mắc bệnh suy thận nặng, chỉ định ghép thận, anh trai không may bị tai nạn giao thông dẫn đến tình trạng chết não, nhưng những người thân trong gia đình nhất định không cho lấy tạng của người anh thay cho người em. Cuối cùng, người anh ra đi và người em cũng mất luôn cơ hội được sống. Bên cạnh khó khăn về nguồn tạng hiến, chi phí cho việc ghép tạng hiện nay cũng là vấn đề đáng quan tâm. Bởi, đa số các bệnh nhân cần ghép tạng đều trong tình trạng suy tạng nhiều năm, chi phí điều trị, thuốc men hàng năm lớn, nên nhiều người bệnh dù muốn được ghép nhưng không đủ kinh phí cho phẫu thuật.

Theo ông V.H.A, bà M.T.T (thân nhân người chết não hiến tạng) thì điều đáng sợ nhất là sự hiểu nhầm của mọi người. “Khi chúng tôi đang đau đớn khôn nguôi trước sự ra đi đột ngột của con, chúng tôi quyết định hiến tạng vì nghĩ đến người khác. Nhưng mọi người lại nói chúng tôi cần tiền mà bán tạng của con. Những câu nói như thế khiến cho những người khác dù có muốn thực hiện nghĩa cử cao đẹp cũng thấy ớn sợ”.

...và nhân lên nhiều nghĩa cử cao đẹp

Rào cản hiến tạng từ người cho chết não rất lớn, tuy nhiên rào cản ấy cũng đang có sự thay đổi. Nếu như trước đây Thanh Hóa chưa từng có ca hiến tạng từ người cho chết não thì đến nay đã có 2 ca (năm 2019 và 2020). Nghĩa cử cao đẹp của những gia đình hiến tạng đã và đang tác động dần đến tư duy, nhận thức của nhiều người, trước hết là những bệnh nhân được ghép tạng. “Gia đình tôi biết ơn sâu sắc với gia đình người hiến tạng, chúng tôi cũng hiểu ra chân lý “cho đi là còn mãi”. Tôi và mẹ cũng có nguyện vọng hiến tạng cho y học và những người cần sau khi qua đời”, anh Hoàng Văn Nhất, bệnh nhân được ghép thận cho biết.

“Hiến tạng cứu sống là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện”

Sinh viên H.N.N luôn hy vọng có một ngày hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh... lượng người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời ngày một tăng (theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết năm 2021 cả nước có trên 46.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết hoặc chết não). Đây thực sự là tín hiệu vui cho ngành hiến tạng Việt Nam.

Theo các chuyên gia ghép tạng, một người chết hiến tạng, có thể cứu sống được từ 6 - 7 người nếu hiến tim, gan, 2 quả thận, 2 giác mạc..., một người chết não có thể hồi sinh cuộc sống bình thường cho nhiều người khác. Khi có thêm một người mở lòng, thoát khỏi những tâm lý, định kiến để hiến tạng cho y học, họ đã cứu sống rất nhiều mạng người, những người bệnh trọng sống trong mỏi mòn vì bệnh tật lại có cơ hội hồi sinh từ chính nguồn tạng của những người đã về với đất mẹ.

Thầy thuốc ưu tú Hoàng Hữu Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: “Việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện. Chết là trở về với cát bụi nhưng cho đi là còn mãi. Tôi tin rằng, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt, nhịp đập trái tim của người thân mình vẫn hiển hiện, đó chính là hạnh phúc vô bờ của người ở lại”.

Bài và ảnh: Phan Thị


Bài và ảnh: Phan Thị

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]