(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như bằng tình cảm, trách nhiệm, nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá đặc biệt quan tâm đến công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lan toả phong trào “đền ơn đáp nghĩa”

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như bằng tình cảm, trách nhiệm, nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá đặc biệt quan tâm đến công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Lan toả phong trào “đền ơn đáp nghĩa”

Dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm (Bá Thước).

Huyện Hoằng Hoá là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều người con quê hương Hoằng Hoá đã mãi nằm xuống trong lòng đất mẹ hoặc để lại một phần máu xương nơi chiến trường ác liệt.

Hiện nay, toàn huyện có trên 3.300 thương, bệnh binh, gia đình có công cách mạng. Khắc ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của mỗi chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ”, nhiều năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Hoằng Hoá luôn quan tâm và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách trên địa bàn. MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài huyện đã vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như, tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công.

Ông Trương Thanh Quế, Phó phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội huyện Hoằng Hoá cho biết: Để thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng, huyện đã tập trung quán triệt, triển khai các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người có công. Đẩy mạnh cuộc vận động tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Tập trung tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; phong trào phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Nhờ đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn huyện ngày càng lan tỏa sâu rộng, trở thành nét đẹp văn hóa. Nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có những việc làm thiết thực, ý nghĩa thể hiện sự biết ơn đối với người có công như hỗ trợ xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức tôn tạo, chăm sóc và làm vệ sinh sạch đẹp, dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tu sửa nhà, xây dựng nhà cho các gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn…

Cùng với huyện Hoằng Hoá, những năm gần đây, huyện Quảng Xương cũng được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn. Các xã, thị trấn trong huyện đều xác định rõ, đây là nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân nhằm chăm lo cả về vật chất và tinh thần cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách.

Ông Mai Văn Ninh, thương binh hạng 4/4 ở Tổ dân phố Trung Phong, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bản thân ông ốm đau thường xuyên do ảnh hưởng của di chứng thương tật, vợ ông bị tai nạn giao thông ảnh hưởng não, sức khỏe không bình thường. Trước khó khăn của gia đình ông Ninh, cùng với sự hỗ trợ của họ hàng, anh em trong gia đình, năm 2021 huyện Quảng Xương và thị trấn Tân Phong đã trích kinh phí từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng cho gia đình ông Ninh căn nhà tình nghĩa trị giá hơn 100 triệu đồng. Ông Ninh chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như gia đình rất phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng nhà mới. Mặc dù sức khoẻ của cả 2 vợ chồng không được tốt, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để vượt qua khó khăn, nhất là khi nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và người thân”.

Lan toả phong trào “đền ơn đáp nghĩa”

Đại diện lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương và thị trấn Tân Phong thăm hỏi, động viên gia đình thương binh Mai Văn Ninh ở Tổ dân phố Trung Phong, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).

Theo ông Nguyễn Đắc Huân, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương, bằng nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhiều hộ gia đình người có công, gia đình chính sách trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà. Tính từ năm 2013 đến nay, toàn huyện đã xây dựng hơn 1.000 nhà mới với số tiền trên 24 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc, động viên thương, bệnh binh, gia đình chính sách cũng được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, Ngày thương binh, liệt sĩ 27-7.

Hiện, trên địa bàn huyện có hơn 3.000 người có công, trong đó có 1.570 thương binh, 662 bệnh binh, 524 đối tượng nhiễm chất độc hóa học và 697 thân nhân liệt sĩ. 100% người có công, gia đình chính sách đều được quan tâm chăm lo cả về vật chất và tinh thần. Các địa phương tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” trên địa bàn huyện Quảng Xương phải kể đến xã Quảng Bình, Quảng Lưu, Quảng Khê, thị trấn Tân Phong...

Có thể thấy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Ngoài tích cực đóng góp, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhiều hoạt động có ý nghĩa tri ân, quan tâm, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ được đẩy mạnh ở các địa phương. Tính từ năm 2018 đến 2022 các cấp, các ngành trong tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 94 mẹ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 919 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 45 trường hợp là liệt sĩ, 373 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Hằng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 người có công, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân người có công theo quy định.

Cũng trong 5 năm qua đã huy động sự đóng góp của Nhân dân được hơn 56 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới 338 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 555 nhà với kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng và hàng vạn suất quà thăm hỏi gia đình người có công với cách mạng; tặng 408 sổ tiết kiệm cho người có công với cách mạng. Đến nay, hầu hết người có công và thân nhân người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã nhận được phụng dưỡng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh…

Trong những ngày tháng 7 nghĩa tình, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2022), cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới người có công, gia đình chính sách, thành kính tưởng nhớ công ơn những người con ưu tú của quê hương đã anh dũng chiến đấu, hy sinh hoặc để lại nơi chiến trường một phần xương máu của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên của Nhân dân như: Mít tinh kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ và biểu dương người có công tiêu biểu và các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức chương trình “Giao lưu các điển hình tiên tiến là thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công”; tổ chức các hoạt động dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà các gia đình người có công với cách mạng. Đẩy mạnh các phong trào như, phong trào xây tặng và sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng số tiết kiệm; phong trào nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng; phong trào chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ và các phần mộ liệt sĩ...

“Tháng bảy tri ân” là dịp để chúng ta cùng thể hiện trách nhiệm của mình nhằm ghi nhớ công lao to lớn của những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cùng với cả nước, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp nhiều sức người, sức của góp chung vào cuộc chiến tranh giành lại độc lập, thống nhất đất nước.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Thanh Hóa đã tiễn đưa hàng chục vạn thanh niên lên đường nhập ngũ, trên 8 vạn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu, trong có gần 60 nghìn người con đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.

Trong suốt 75 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc người có công với ý thức không chỉ là bổn phận, đạo lý, là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự với các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân. Những hành động thiết thực, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng có ý nghĩa giáo dục truyền thống, mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời vừa là động lực tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]