(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc chuyển đổi nghề muối không chỉ tạo được sự đồng thuận của diêm dân ở các vùng muối trên địa bàn Thanh Hóa mà còn phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của Chính phủ giai đoạn 2021- 2025.

Nhọc nhằn nghề muối và mong ước của diêm dân (Bài cuối):Hướng đi mới cho diêm dân xứ Thanh

Việc chuyển đổi nghề muối không chỉ tạo được sự đồng thuận của diêm dân ở các vùng muối trên địa bàn Thanh Hóa mà còn phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của Chính phủ giai đoạn 2021- 2025.

Từ thực trạng nghề muối đến việc chuyển đổi nghề

Theo báo cáo của Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa, hiện nay Thanh Hóa còn 2 xã: Hòa Lộc, Hải Lộc, huyện Hậu Lộc và phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn còn duy trì sản xuất muối. Tổng diện tích đất muối sản xuất toàn tỉnh còn 156,06 ha, số lao động sản xuất muối 2.035 người, sản lượng muối năm 2020 đạt 13.000 tấn.

Nhọc nhằn nghề muối và mong ước của diêm dân (Bài cuối): Hướng đi mới cho diêm dân xứ Thanh

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật sản xuất muối ở phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn phần lớn đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc sản xuất muối của diêm dân.

Trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp chế biến muối gồm: Công ty CP Visaco; Công ty CP Hải Châu; Công ty chế biến thực phẩm Ánh Vân, Chi nhánh Thanh Hóa; Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Hiệp Phát NTB. Trong đó, Công ty CP Visaco thực hiện liên kết tiêu thụ muối cho 2 hợp tác xã muối Tam Hòa và Hải Lộc, huyện Hậu Lộc. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất, chất lượng muối ở các vùng muối của Thanh Hóa giảm, ảnh hưởng đến việc thu mua, bao tiêu sản phẩm của các công ty nói trên. Hầu hết, các công ty đều nhập khẩu muối ở các tỉnh khác hoặc nước ngoài vào để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong các năm 2017-2018, Thanh Hóa nhập khẩu muối tinh với số lượng 3.481,4 tấn.

Ngày 31-8-2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1325 phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối.

Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) về triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định 1325 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, được biết những năm qua diện tích đất sản xuất muối trên địa bàn tỉnh giảm, năng suất giảm, người dân không còn mặn mà với nghề làm muối, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối một số nơi xuống cấp, không được tu bổ, tôn tạo.

Nghị quyết số 16/NQ-TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; phân tích rõ thời cơ, lợi thế và những thách thức trong sản xuất nông nghiệp, từ đó xác định chuyển đổi đất sản xuất muối kém hiệu quả sang mục đích khác có hiệu quả hơn.

Cùng với đó, ngày 25-2-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 255/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo nội dung của Quyết định, đối với lĩnh vực diêm nghiệp là: Cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa hạ tầng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng sản lượng muối công nghiệp, muối sạch; hình thành vùng trọng điểm sản xuất muối quy mô công nghiệp tại các tỉnh Nam Trung Bộ; giảm mạnh diện tích đất sản xuất muối thủ công, hiệu quả thấp; chuyển đổi diện tích đất sản xuất muối kém hiệu quả sang lĩnh vực khác có hiệu quả cao kinh tế cao hơn…

“Như vậy, dựa trên tình hình thực tế tại các địa phương còn duy trì sản xuất nghề muối như Hậu Lộc, Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa sẽ không triển khai thực hiện theo Quyết định số 1325 mà thực hiện theo của Nghị quyết số 16 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) và Quyết định số 255 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Xuân Đồng nói.

Giải quyết lao động, chuyển đổi nghề cho diêm dân

Nhọc nhằn nghề muối và mong ước của diêm dân (Bài cuối): Hướng đi mới cho diêm dân xứ Thanh

Tại huyện Hậu Lộc và thị xã Nghi Sơn phần lớn diện tích đất sản xuất muối kém hiệu quả đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.

Theo Kế hoạch sản xuất muối giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích đất sản xuất muối đến năm 2025 tại huyện Hậu Lộc và thị xã Nghi Sơn chỉ còn 13,33 ha. Trong đó, theo Quyết định số 1996/QĐ-UBND, ngày 10-6-2016 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc thì đến năm 2025 xã Hòa Lộc không còn quy hoạch đất sản xuất muối.

Căn cứ Quyết định số 236/QĐ-UBND ngày 17-1-2020 của UBND huyện Hậu Lộc về phê duyệt “Đề án chuyển đổi đất sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác có hiệu quả hơn trên địa bàn huyện Hậu Lộc đến năm 2025 và định hướng 2030”, giai đoạn 2020-2025 sẽ chuyển đổi 61,44 ha đất sản xuất tại xã Hải Lộc sang đất nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất kinh doanh, xây dựng làng nghề, khu hậu cần nghề cá, đất ở nông thôn. Đến năm 2025 huyện Hậu Lộc còn 3,33 ha đất sản xuất muối tại xã Hải Lộc.

Nhọc nhằn nghề muối và mong ước của diêm dân (Bài cuối): Hướng đi mới cho diêm dân xứ Thanh

Năm 2020 UBND huyện Hậu Lộc đã phê duyệt “Đề án chuyển đổi đất sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác có hiệu quả hơn trên địa bàn huyện Hậu Lộc đến năm 2025 và định hướng 2030”,

Đối với thị xã Nghi Sơn, tại phường Hải Châu đã chuyển đổi 30 ha đất sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản, một số diện tích đất sản xuất muối chuyển giao để thực hiện dự án làm đường ven biển của tỉnh và đến năm 2025 diện tích đất sản xuất muối của phường Hải Châu còn 10 ha.

Ông Phan Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu cho biết tâm tư của diêm dân sau khi chuyển đổi nghề, số lao động làm việc đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản không nhiều. Nghề nuôi trồng thủy sản cần nguồn vốn lớn, trong khi hầu hết người dân làm muối đều có thu nhập thấp. Sau khi Nhà nước thu hồi 30 ha diện tích đất sản xuất muối chuyển đổi sang dự án nuôi trồng thủy sản, người dân làm công việc khác như phục vụ hậu cần nghề cá, số ít tìm việc làm ở các công ty, số lao động quá tuổi chủ yếu ở nhà, làm lao động ở các khu nuôi trồng thủy sản.

Tại huyện Hậu Lộc, đã xây dựng phương án giải quyết lao động, chuyển đổi nghề cho diêm dân, trong đó tập trung vào giải pháp đào tạo nguồn lao động; phát triển một số ngành nghề trong vùng đề án phục vụ chuyển đổi nghề cho diêm dân; giải quyết lao động nghề muối đối với từng lứa tuổi.

Đối với độ tuổi lao động dưới 40 là nữ giới tập trung đào tạo nghề may mặc, giày da, mây tre đan, nghề thủ công mỹ nghệ để làm việc cho các nhà máy may, giầy da hoặc các cơ sở thủ công mỹ nghệ. Đối với nam giới tập trung đào tạo nghề cơ khí, điện để làm việc ở các nhà máy, các khu công nghiệp hay tự mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Số lao động làm việc tại địa phương sẽ làm việc tại các khu nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản; mở các cơ sở dịch vụ kinh doanh.

Nhọc nhằn nghề muối và mong ước của diêm dân (Bài cuối): Hướng đi mới cho diêm dân xứ Thanh

Trên những cánh đồng muối Nam Tiến, Trương Xá (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) chủ yếu là người già, phụ nữ, vì vậy cần có định hướng việc làm phù hợp sau khi thực hiện chuyển đổi nghề cho diêm dân.

Có thể nói, việc chuyển đổi nghề cho diêm dân phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương có vùng muối và nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chuyển đổi, cần hướng đến giải quyết việc làm đối với lao động vốn đã quen với nghề sản xuất muối.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, diêm dân về việc thực hiện chuyển đổi đất sản xuất muối với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc chuyển đổi theo tinh thần Nghị quyết số 16 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và Quyết định 255 của Thủ tướng Chính phủ góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thanh Hóa phát triển đúng hướng.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]