(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm phát triển bền vững nghề khai thác thủy, hải sản, nhiều dự án được ra đời với mục tiêu hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, đầu tư dịch vụ nghề cá hoặc chuyển đổi nghề, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản

Nhằm phát triển bền vững nghề khai thác thủy, hải sản, nhiều dự án được ra đời với mục tiêu hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, đầu tư dịch vụ nghề cá hoặc chuyển đổi nghề, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Phát triển bền vững nghề khai thác thủy sảnAnh Lê Đức Giang đầu tư đóng tàu mong thuận buồm xuôi gió.

Từ khó khăn...

Sau 6 năm đi vào hoạt động, nhiều tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là tàu 67) ở Thanh Hóa không đạt hiệu quả, nhiều chủ tàu không trả được tiền gốc và lãi theo cam kết. Ngân hàng và nhiều ngư dân đã phải đưa nhau ra tòa, phát mại một số tàu...

Anh Nguyễn Văn Đệ (sinh năm 1974), ở Minh Cát, phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) là một trong số những trường hợp như thế. Đầu năm 2016, anh đã đóng tàu gỗ 11 tỷ đồng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, trong đó vay Ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Thanh Hóa 7,7 tỷ đồng. Sau hạ thủy, hai năm đầu con tàu cho hiệu quả kinh tế cao. Năm thứ 3 trở đi, giá dầu mỡ thất thường, ngư lưới cụ cũ và hư hỏng, tuy vậy anh vẫn trả đủ lãi ngân hàng. Từ năm 2019 đến nay, nhiều chuyến tàu anh phải bù lỗ tới hàng chục triệu đồng.

Không chỉ riêng anh Đệ, ngay trên địa bàn phường Quảng Cư hiện tại có 5 chủ tàu (ông Hầu, ông Muộn, ông Ninh, ông Hồng, ông Tròn) Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Hóa đã khởi kiện ra tòa vì chưa thực hiện việc hoàn vốn và trả lãi theo quy định.

Anh Đệ đưa chúng tôi ra bờ biển và chỉ vào con tàu mang số hiệu TH 93939 TS, rồi nói: “Từ ngày 20-8-2021, con tàu này đã được ngân hàng đưa lên bờ. Nắng mưa làm nứt, hư hỏng hết đường mạch, chỉ thời gian ngắn nữa máy sẽ bị bó và ắc quy hết. Ngoài việc phải mất 10 triệu đồng tiền thuê kéo tàu lên bờ, hiện mỗi ngày tôi phải trả 200 nghìn đồng thuê bến bãi. Hơn 1 tháng nay tôi bỏ vào đây gần 20 triệu đồng”.

Khai thác đánh bắt thủy sản vốn là nghề truyền thống của người dân ở 3 tổ dân phố: Đông Hải, Nhân Hưng và Giang Sơn, phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn). Nhưng kể từ sau khi có 6 dự án, trong đó đáng kể nhất là dự án Hải Hòa Resort do Công ty Cổ phần Hiền Đức Hải Hòa làm chủ đầu tư; dự án Khu du lịch Golden Coast Resort Hải Hòa của Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh, nhiều người có vốn đã thay đổi nghề, chủ yếu là đầu tư làm dịch vụ hậu cần nghề cá hoặc mở nhà hàng, khách sạn.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề cũng gặp không ít khó khăn. Ví như anh Lê Ngọc Quang thuê lại lô đất 1.800m2 với giá 1,2 tỷ đồng/năm. Bỏ tiền ra xây dựng, gần 2 năm nay nhà hàng đóng cửa. Năm 2021, đang nhấp nhỏm chuẩn bị đón khách dịp 30-4 thì dịch COVID-19 lại ập tới. Theo hợp đồng anh trả trước 50% giá trị thuê 3 năm và tháng 9-2021 phải trả nốt 50% số tiền còn lại. “Hiện, tôi chưa có tiền, nên chủ đất đang rất căng thẳng”, anh Quang cho biết. Thuận lợi hơn, anh Lê Đức Giang là ngư dân có “thâm niên” trong nghề, do có sẵn đất của cha ông, nên quyết định vay mượn để đầu tư làm nhà hàng đón hè 2021. Nhưng do dịch COVID-19, nhà hàng không có khách, anh lại phải chực chờ những ngày biển động để đi đánh bắt ven bờ. “Hiện tôi đang đầu tư đóng tàu để vươn khơi, sinh nghề tử nghiệp mà”, anh Giang vui vẻ nói với chúng tôi.

Ông Vũ Đình Chinh, Trưởng phòng Kinh tế TP Sầm Sơn, cho biết thêm về những khó khăn chung của nghề khai thác thủy sản: “Do nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, ngư trường khai thác chủ yếu là vùng ven bờ, sản lượng thủy sản xa bờ có giá trị cao lại giảm rõ rệt, dẫn tới một số tàu khai thác xa bờ tạm ngừng hoạt động. Theo nghị quyết của Đảng bộ TP Sầm Sơn, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế về nông - lâm - thủy sản chỉ còn 3,3%, riêng thủy sản tập trung vào khai thác xa bờ. Giảm số lượng tàu nhỏ lẻ chỉ còn khoảng 50% so với năm 2021”.

... đến những điều kiện để phát triển

Thanh Hóa hiện có 8 cảng cá đang hoạt động đáp ứng cho khoảng 2.500 lượt tàu ra vào với 81.000 tấn hàng thủy sản bốc dỡ qua cảng; 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó 1 khu neo đậu cấp vùng, 3 khu neo đậu cấp tỉnh đáp ứng cho khoảng 2.100 tàu có công suất đến 600 CV. Có 32 cơ sở đóng, sửa tàu cá; 96 cơ sở sản xuất nước đá; 62 cơ sở thu mua và chế biến thủy sản; 15 cơ sở sản xuất ngư cụ; 81 doanh nghiệp̣ chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản, 4 doanh nghiệp̣ tham gia xuất khẩu chính ngạch và gần 500 hộ gia đình chế biến thủy sản.

Bên cạnh đó, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã thành lập 389 tổ đoàn kết trên biển với 2.102 tàu tham gia. Các tàu thường xuyên chia sẻ thông tin về ngư trường khai thác, liên kết thu mua với tàu dịch vụ hậu cần, hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên biển. Các tổ đoàn kết trên biển đã phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy, hải sản, hạn chế tai nạn trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Phát triển bền vững nghề khai thác thủy sảnGần 2 tháng nay, tàu 67 của anh Nguyễn Văn Đệ (phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn) được đưa lên bờ, những vết nứt nẻ bắt đầu xuất hiện trên vỏ tàu.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để phát triển nghề cá, UBND tỉnh đề xuất, đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 dự án “Phát triển thủy sản bền vững”, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó có các công trình: Nâng cấp mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Trường (Hậu Lộc) và Nâng cấp mở rộng cảng cá Hoằng Trường, (Hoằng Hóa), với tổng mức đầu tư dự kiến 255 tỷ đồng; Nâng cấp Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) với tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng, và Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) với tổng mức đầu tư dự kiến 135 tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ quản đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, trong thời gian tới ngành Thủy sản Thanh Hóa đặt ra nhiệm vụ: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá theo hướng công nghiệp, hiện đại trên cơ sở nâng cấp, mở rộng cảng cá hiện có, tập trung vào các hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo năng lực đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng cho tàu cá ổn định như quy hoạch; hình thành các trung tâm nghề cá tại các cửa lạch lớn: Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng gắn với các ngư trường trọng điểm Vịnh Bắc Bộ; tạo sức hút, động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững. Tập trung đầu tư xây dựng các cảng cá đạt tiêu chí cảng cá từ loại II trở lên, đồng thời từng bước nâng cấp các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hiện có gắn với cảng cá, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống cảng cá; Phát huy tối đa hiệu quả của cảng cá, đáp ứng yêu cầu kiểm soát nghề cá tại cảng cá theo Luật Thủy sản và thực hiện các biện pháp nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu.

Cuộc sống người dân biển vất vả nhiều, mất mát không ít, nhưng sau mỗi chuyến lênh đênh trên biển là những con tàu cá bạc đầy khoang. Họ trở về, mang theo niềm vui của chính mình và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá. Bởi, họ luôn tin rằng trong những chuyến ra khơi, biển cả sẽ bảo vệ họ vượt qua sóng gió. Nói như anh Lê Đức Giang (tổ dân phố Đông Hải, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn): "Nghề cũng là nghiệp, chúng tôi sinh ra ở biển thì chúng tôi cũng cố gắng bám biển. Giữ biển là giữ chủ quyền của mình và của Tổ quốc”.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]