(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau những ngày vươn khơi, có chuyến tàu trở về đầy ắp cá tôm, mang niềm vui cho biết bao gia đình. Nhưng cũng có những chuyến tàu đưa ngư dân vào con đường nợ nần chồng chất, bỏ xứ ra đi...

Sống chung với biển cả: Cuộc sống sau những chuyến tàu

Sau những ngày vươn khơi, có chuyến tàu trở về đầy ắp cá tôm, mang niềm vui cho biết bao gia đình. Nhưng cũng có những chuyến tàu đưa ngư dân vào con đường nợ nần chồng chất, bỏ xứ ra đi...

Sống chung với biển cả: Cuộc sống sau những chuyến tàu

Trở về sau vụ tai nạn tàu biển, cướp đi một bên chân vĩnh viễn, ông Thái Bá Quảng (thôn Nam Vương, xã Ngư Lộc) hàng ngày phơi cá phụ vợ để kiếm thêm thu nhập, duy trì cuộc sống.

Những gam màu “sáng - tối”

Nếu như thị xã Nghi Sơn đang dần hình thành “vóc dáng” là trọng điểm công nghiệp của tỉnh, thì ở các địa phương vùng ven biển như phường Hải Thanh, Hải Hòa... người dân vẫn chú trọng các hoạt động vươn khơi, bám biển, khai thác thủy, hải sản và duy trì nghề truyền thống.

Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng năm 2021 của UBND thị xã Nghi Sơn cho thấy, mặc dù chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, song tổng sản lượng khai thác thủy, hải sản tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 30.761 tấn, đạt 96% kế hoạch năm; tổng số tàu cá toàn thị xã là 2.009 tàu và đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả tàu cá có chiều dài trên 15m (346/346 tàu).

Phó Chủ tịch UBND phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn), ông Hà Đình Mười cho biết: Hiện nay trên địa bàn phường có tới 51 hộ đánh bắt thủy, hải sản, với 75 tàu lớn, nhỏ. Tổng sản lượng khai thác hải sản năm 2020 ước tính đạt trên 5.000 tấn. Tổng thu nhập trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản trong năm 2020 ước đạt 65 tỷ đồng. Về cơ bản đời sống của những hộ có tàu khai thác thủy, hải sản khá ổn định. Chính vì vậy, trong thời gian qua, chính quyền địa phương cũng động viên ngư dân chú trọng đầu tư mua sắm ngư lưới cụ đảm bảo cho việc ra khơi đánh bắt, góp phần phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Tại xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), câu chuyện về ngư dân bị mất đi một chân phải bán tàu trả nợ đã đưa chúng tôi đến nhà ông Thái Bá Quảng (59 tuổi) ở thôn Nam Vương.

Khi biết chúng tôi đến, ông Quảng vội vã từ triền đê trở về. Với ông, một ngày còn được thấy biển, còn được hít hà mùi của biển vẫn là một ngày đáng sống. Ông kể: 21 tuổi ông đã bắt đầu đi biển. Cho đến khi lập gia đình ông vẫn gắn bó với những chuyến ra khơi. Để nuôi 4 đứa con ăn học, năm 2015 ông bàn với vợ mua sắm con tàu đầu tiên với trị giá gần 500 triệu đồng. Đến nay, ông Quảng 3 lần mua tàu thì cả 3 lần đều phải bán đi do tai nạn, trang trải nợ nần.

Sau vụ tai nạn gần đây nhất, ông chấp nhận bán lỗ con tàu để trả nợ. Giờ đây, khoản nợ ngân hàng 90 triệu đồng vẫn còn đó mà gia đình cũng chưa có hướng xoay xở. Ông cho biết, ở xã Ngư Lộc, không riêng gì ông, còn rất nhiều chủ tàu rơi vào cảnh nợ nần. Thậm chí, vài năm trở lại đây, nhiều chủ tàu phải bán cả nhà để trả nợ, rồi bỏ làng, bỏ xứ đi làm ăn xa. Lại có những nhà không dám treo biển bán nhà, vì sợ chủ nợ ập đến.

Theo chân cán bộ Hội Phụ nữ xã Ngư Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Dung (32 tuổi) ở thôn Thắng Tây. Được biết, gia đình chị Dung đầu tư con tàu gần 2 tỷ đồng, đi biển đánh bắt chưa tròn 3 năm thì bị cháy. Toàn bộ số tiền gom góp, thậm chí phải vay nặng lãi đều dồn vào con tàu, bỗng chốc tiêu tan.

Khi được hỏi tại sao đầu tư tàu với số tiền lớn mà không mua bảo hiểm, chị Dung thú thực: “Cái khó bó cái khôn. Đợt mua tàu quá túng thiếu mà bảo hiểm cũng ngót ngét 10 triệu đồng. Vợ chồng em cũng tính một thời gian nữa sẽ mua, ai ngờ”...

“Mất mát lớn quá, vợ chồng em cũng không biết xoay xở như thế nào. Cả 2 tính vào miền Nam làm ăn, nhưng do dịch bệnh nên đành ở lại quê. Mọi người trong gia đình, bố mẹ, anh em và bà con hàng xóm thấy thương nên cho vợ chồng em vay 600 triệu để mua lại một chiếc tàu cũ. Tháng 7 vừa rồi chồng em lại tiếp tục ra khơi. Mỗi chuyến tàu kéo dài khoảng 7 - 10 ngày. Giờ cũng chỉ cầu mong trời yên, bể lặng, làm ăn suôn sẻ để nuôi 3 đứa con ăn học, chứ nếu làm thuê thì vợ chồng em không biết đến bao giờ mới trả được số nợ tiền tỷ. Anh nhà em vẫn yêu nghề, yêu biển lắm”, chị Dung sụt sùi.

Những con sóng nợ ấy, rất vô hình nhưng những giọt nước mắt, những vết chân chim trên những khuôn mặt khắc khổ của ông Quảng, chị Dung và người thân trong gia đình họ là hữu hình.

Quyết tâm vươn khơi bám biển

Với ông Thái Bá Quảng, nghề biển là nghề cha truyền con nối, là thứ tình yêu đã ngấm vào máu thịt. Trở về sau chuyến ra khơi cuối cùng, trên đôi chân không còn lành lặn, hàng ngày ông vẫn ra triền đê phụ vợ phơi cá kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Và hơn hết là vẫn còn được tận mắt trông thấy nhịp sống của biển. Ánh mắt nhìn xa xăm, ngắm nghía những con tàu, ông nói: “Tôi nói thật, có 120 triệu đồng để lắp chân robot, tôi sẽ tiếp tục đi biển. Nếu Tổ quốc yêu cầu lên đường để chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo tôi vẫn lên đường, vẫn sẵn sàng hy sinh”.

Sống chung với biển cả: Cuộc sống sau những chuyến tàuNhìn vào những khoản nợ tiền tỷ, chị Lê Thị Dung (thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc) chỉ biết hy vọng về những chuyến tàu ra khơi trở về với đầy cá, tôm.

Trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi hiếm có ở mảnh đất Ngư Lộc, chị Hoàng Thị Ngọc (39 tuổi) ở thôn Chiến Thắng đón chúng tôi trong nụ cười rạng rỡ. Chị cho biết, chồng chị- anh Nguyễn Đức Thuận theo nghề biển từ năm 15 tuổi. Năm 2015, gia đình chị quyết định đầu tư con tàu gỗ đi biển trị giá gần 600 triệu đồng và thuê 3 nhân công, mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ 5 - 10 ngày. Đến nay, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình chị thu về từ 15 - 30 triệu đồng. Mỗi đợt tàu về, chị Ngọc ra bến bán hải sản cho thương lái. Ngoài ra, lúc rảnh rỗi, chị còn nhận làm thêm các sản phẩm từ cói và dạy nghề cho chị em phụ nữ trong thôn.

Với chúng tôi, câu chuyện của gia đình chị Ngọc là một câu chuyện đẹp để khép lại một ngày với ngư dân xã Ngư Lộc. Mặc dù, mỗi chuyến ra khơi là mỗi lần đánh cược được - thua với biển cả. Nhưng chúng tôi vẫn mong rằng, bình yên sẽ luôn đến với những gia đình ngư phủ.

Để người dân yên tâm bám biển, trong những năm gần đây huyện Hậu Lộc đã tích cực triển khai sâu rộng Luật Thủy sản 2017 đến người dân địa phương, đồng thời tăng cường công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm gắn với củng cố, kiện toàn các tổ, đội sản xuất trên biển. Huyện cũng phối hợp với Bảo Việt Thanh Hóa triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thuyền viên, ngư lưới cụ, tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên; phối hợp với các ngành cấp tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên hoạt động thường xuyên trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Ngoài ra, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được đầu tư, từng bước hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển. Đây được xem là điểm tựa để ngư dân yên tâm trong những chuyến vươn khơi bám biển, góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương.

Bài và ảnh: Hoài ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]