(vhds.baothanhhoa.vn) - Xã Thiết Ống (Bá Thước) có trên 800 ha luồng. Những năm gần đây, nguồn thu từ bán luồng giúp nhiều gia đình trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, gần đây do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thương lái ở các tỉnh ngoài thu mua ít. Cùng với đó, nhiều xưởng chế biến lâm sản lớn trên địa bàn huyện Bá Thước đã bị cơ quan chức năng buộc ngừng hoạt động, do xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Mã, vì vậy việc tiêu thụ luồng khó khăn.

Thị trường tiêu thụ cây luồng gặp khó

Xã Thiết Ống (Bá Thước) có trên 800 ha luồng. Những năm gần đây, nguồn thu từ bán luồng giúp nhiều gia đình trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, gần đây do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thương lái ở các tỉnh ngoài thu mua ít. Cùng với đó, nhiều xưởng chế biến lâm sản lớn trên địa bàn huyện Bá Thước đã bị cơ quan chức năng buộc ngừng hoạt động, do xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Mã, vì vậy việc tiêu thụ luồng khó khăn.

Thị trường tiêu thụ cây luồng gặp khóĐược xem là cây xóa nghèo ở huyện Bá Thước, nhưng cây luồng đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Ông Hà Ngọc Dưỡng, thôn Cú, xã Thiết Ống, cho biết: “Những năm qua, 3 ha luồng là nguồn sinh kế giúp đời sống gia đình tôi thay đổi rõ nét. Nhờ bán luồng, nhà tôi đã mua được tivi, xe máy, xây dựng nhà cửa khang trang. Hiện nay, việc tiêu thụ luồng rất chậm, khiến cuộc sống gia đình trở nên chật vật”.

Theo anh Trương Văn Hân, thôn Cú - người có thâm niêm thu mua luồng của Nhân dân trên địa bàn xã Thiết Ống hơn 10 năm nay, bằng thời điểm này năm 2020, mỗi tháng anh xuất đi thị trường trong, ngoài tỉnh từ 20.000 cây trở lên, nhưng hiện nay chỉ dao động từ 6.000 - 7.000 cây.

Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Huyện Bá Thước có khoảng 11.000 ha rừng luồng. Đầu ra của luồng chủ yếu do 4 cơ sở chế biến đóng trên địa bàn và các thương lái phía Bắc vào thu mua. Hiện nay do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các thương lái thu mua nhỏ giọt, có 3 xưởng chế biến lâm sản bị đóng cửa. Vì vậy, đầu ra cho cây luồng đang gặp khó, giá cả cũng giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/cây; nếu bán theo cân thì giá giảm từ 100 -150 đồng/kg so với năm 2020.

Tại huyện Quan Hóa người dân cũng trong hoàn cảnh “ngồi trên đống lửa” khi không biết bán luồng cho ai. Chị Bùi Thị Ho, bản Cang, xã Phú Nghiêm, sau khi mất việc làm do xưởng chế biến lâm sản đóng cửa, để có tiền trang trải cuộc sống, phải tìm kiếm thương lái để bán luồng nhưng không thành. Chị Ho chia sẻ: “Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình nhìn vào tiền bán luồng. Thực sự hiện nay chúng tôi đang khó khăn, luồng không có người thu mua. Trong khi đó, tôi không tìm được việc làm mới trong tình cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp”.

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghiêm, cho biết: Phú Nghiêm có gần 800 ha luồng, với 425 hộ dân có thu nhập ổn định nhờ cây luồng. 3 năm gần đây, trung bình toàn xã thu hoạch 15 tấn luồng/ngày. Hiện nay do ảnh hưởng dịch COVID-19 và một số xưởng chế biến lâm sản bị đóng cửa, nên thị trường tiêu thụ của cây luồng bị chững lại. Mong rằng dịch bệnh sớm qua đi, các xưởng chế biến lâm sản nhanh chóng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, sớm hoạt động trở lại, thương lái thu mua, cây luồng có thị trường tiêu thụ, Nhân dân ổn định cuộc sống.

Theo thông tin từ UBND huyện Quan Hóa, huyện hiện có 27.568 ha luồng. Năm 2020, huyện khai thác được trên 16,8 triệu cây, tương đương với 325.900 tấn luồng và 1,07 triệu cọc luồng; đồng thời, nhờ xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu từ luồng, Quan Hóa thu về hơn 110 tỷ đồng. Hiện 9 xưởng sản xuất chế biến lâm sản vi phạm xả thải ra môi trường đã bị đình chỉ hoạt động, khiến đầu ra của cây luồng bị ảnh hưởng. 9 xưởng này tiêu thụ khoảng 102.000 tấn luồng/năm, chiếm 31% sản lượng luồng của toàn huyện.

Cùng với Bá Thước, Quan Hóa, thị trường tiêu thụ cây luồng ở huyện Quan Sơn cũng rất ảm đạm. Theo báo cáo của UBND huyện Quan Sơn, hiện trên địa bàn có 13.191,28 ha rừng luồng, hàng năm khai thác gần 8 triệu cây. Do không có thị trường tiêu thụ, thương lái ở các tỉnh ngoài không thu mua, khiến cả cơ sở chế biến lẫn người trồng luồng đứng ngồi không yên.

Bà Nguyễn Thị Huyền, chủ cơ sở thu mua và sơ chế đũa tại bản Bơn, xã Mường Mìn, cho biết: “Những tháng trước gia đình thu mua từ 18- 20 tấn luồng/ngày để sản xuất đũa, bán đi các tỉnh phía Nam. Hiện nay, do dịch bệnh, giao thương gặp rất nhiều khó khăn, gia đình tôi còn tồn đọng 50 tấn đũa. Hoạt động thu mua cầm chừng, 1 ngày thu mua khoảng 2 - 3 tấn, có ngày vài tạ”.

Việc tiêu thụ cây luồng ở một số huyện có diện tích luồng lớn, như: Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân cũng không được “thuận buồm, xuôi gió”. "Bài toán” đầu ra cho cây luồng đang đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương phải vào cuộc giải quyết. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Để ổn định cuộc sống của người dân, huyện sẽ tích cực tuyên truyền để Nhân dân hiểu và có hướng tháo gỡ khó khăn trước mắt, chung sức cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Những hộ nào thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, báo cáo kịp thời để có biện pháp hỗ trợ. Còn việc đóng cửa các xưởng chế biến lâm sản gây ô nhiễm vẫn phải thực hiện nghiêm túc, không vì lợi ích trước mắt mà hủy diệt môi trường. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ các xưởng này, khi khắc phục xong hậu quả, đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu, huyện sẽ đề nghị với tỉnh cho các cơ sở này hoạt động trở lại.

Ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho rằng: “Huyện Quan Hóa hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng, đạt chuẩn về chất lượng, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thâm canh, phục tráng rừng luồng. Đồng thời, duy trì và mở rộng diện tích rừng bền vững được cấp chứng chỉ FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng thế giới), ưu tiên bố trí mặt bằng phù hợp để các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Trong đó, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến luồng với công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, có năng lực tài chính thực hiện dự án".

Hiện nay, toàn tỉnh có 128.000 ha tre, luồng, vầu, trong đó có khoảng 79.000 ha luồng. Theo đánh giá của Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa, các cơ sở sản xuất trên địa bàn hiện chỉ mới tiêu thụ khoảng 40% sản lượng tre luồng khai thác hàng năm, 60% còn lại được thương lái thu mua tiêu thụ ở các tỉnh ngoài. Tỷ lệ nguyên liệu tre, luồng đưa vào chế biến còn thấp, sản phẩm chế biến mới chỉ ở dạng sơ chế nên giá trị kinh tế chưa cao.

Từ thực tế trên cho thấy, thị trường tiêu thụ của cây luồng Thanh Hóa phụ thuộc chủ yếu vào các tỉnh phía Bắc, như: Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên... Thiết nghĩ, để tìm đầu ra ổn định cho cây luồng, các địa phương cần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, áp dụng trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực vào sản xuất, kinh doanh, chế biến luồng với công nghệ hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường. Có như vậy, đầu ra của cây luồng mới thực sự bền vững, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững ở miền Tây xứ Thanh.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]