(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau hơn 2 tháng ra quân, Tổ Công tác đặc biệt 282 (Tổ 282) Công an TP Thanh Hóa đã xử lý 800 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó số học sinh vi phạm chiếm khoảng 1/3. Sự ra quân của Tổ 282 đã tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi hành vi, nhận thức khi tham gia giao thông của người dân nói chung và học sinh...

Tổ Công tác đặc biệt 282 và câu chuyện học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông

Sau hơn 2 tháng ra quân, Tổ Công tác đặc biệt 282 (Tổ 282) Công an TP Thanh Hóa đã xử lý 800 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó số học sinh vi phạm chiếm khoảng 1/3. Sự ra quân của Tổ 282 đã tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi hành vi, nhận thức khi tham gia giao thông của người dân nói chung và học sinh...

Tổ Công tác đặc biệt 282 và câu chuyện học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thôngTổ 282 Công an TP Thanh Hóa lập biên bản, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Thay đổi lớn của học sinh

Thiếu tá Nguyễn Văn Tấn, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (CSGT-TT) Công an TP Thanh Hóa vừa trầm ngâm nhưng cũng thật phấn chấn khi nói về tình hình an toàn giao thông sau hơn 2 tháng Tổ 282 tham gia thực hiện nhiệm vụ. Xử lý 800 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ là một con số tương đối lớn. Trong đó có 1/3 là học sinh vi phạm cũng là con số không hề nhỏ.

Nhưng, đến nay, sau hơn 2 tháng ra quân, phần lớn học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố đã chấp hành tốt quy định. Những học sinh từng vi phạm không có trường hợp nào tái phạm. Học sinh tham gia giao thông đã thực hiện đội mũ bảo hiểm và quay về với đúng loại xe được phép điều khiển...Trước đó, lỗi cơ bản, học sinh đi xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm và xe không gắn biển kiểm soát...

Đạt được những kết quả nói trên, ngoài phương pháp, nghiệp vụ, các cán bộ, chiến sĩ trong Tổ 282 đã làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao. Lần ra quân này, Tổ 282 Công an TP Thanh Hóa đã lập nhiều phương án để thực hiện công tác tuần tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, đã thành lập 8 Tổ 282 với 64 cán bộ, chiến sĩ chia làm 2 ca tuần tra khép kín; cắt cử lực lượng CSGT chốt trực tại khu vực ngã tư có đèn tín hiệu giao thông điều tiết, phân luồng tránh ùn tắc. Đồng thời tổ chức kiểm tra tại các điểm trường, vào giờ tan học. Bên cạnh đó, sử dụng nghiệp vụ hóa trang để xử lý vi phạm...Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Văn Tấn, trong quá trình kiểm tra, cán bộ, chiến sĩ Tổ 282 cũng gặp một số khó khăn: “Thường khi thấy lực lượng công an, thứ nhất học sinh sẽ chạy với tốc độ cao, thứ 2 là các em sẽ quay đầu xe đi ngược chiều, điều này rất dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy sẽ gây khó khăn cho chúng tôi trong công tác xử lý. Với vai trò là cơ quan chức năng, quan điểm rất rõ ràng, có dấu hiệu vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục tuần tra, xử lý các vi phạm”.

Cốt lõi, cần phải có sự quan tâm, phối hợp của gia đình - nhà trường

Với các trường hợp vi phạm là học sinh, Đội CSGT-TT Công an TP Thanh Hóa sẽ có văn bản gửi về các trường, đề nghị xác nhận và yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm, cam kết không tái phạm. Khi văn bản về đến các nhà trường đồng nghĩa đã có sự thông báo để từ đó nhà trường có những hình thức xử lý học sinh theo nội quy, quy định.

Tổ Công tác đặc biệt 282 và câu chuyện học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thôngĐội cờ đỏ Trường THPT Tô Hiến Thành tham gia kiểm tra ý thức chấp hành giao thông của đoàn viên.

Qua kiểm tra của Tổ 282 Công an TP Thanh Hóa, Trường THPT Nguyễn Huệ (phường Quảng Đông) là một trong những trường có nhiều học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Năm học 2023-2024, nhà trường có 484 học sinh, trong đó, số học sinh vi phạm chiếm từ 7%-10%. Lỗi vi phạm chủ yếu do học sinh không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe không đủ tuổi. Nói về vấn đề này, thầy giáo Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ còn đó nhiều trăn trở. Bởi ngay cả khi Tổ 282 chưa ra quân, nhà trường đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp để xử lý các hành vi vi phạm của học sinh khi tham gia giao thông nhưng... hiệu quả không cao. Không chỉ vấn đề an toàn giao thông mà còn nhiều vấn đề khác liên quan đến pháp luật, Trường THPT Nguyễn Huệ vẫn thường xuyên tuyên truyền thông qua buổi sinh hoạt chào cờ, ngoại khóa. Đồng thời, qua nhóm zalo, nhà trường gửi thông báo đến giáo viên chủ nhiệm. Tiếp đó, giáo viên chủ nhiệm lại gửi thông tin đến phụ huynh để nắm bắt, quản lý... “Việc học sinh vi phạm, về phía nhà trường, theo tôi có nhiều nguyên nhân như điều kiện hoàn cảnh gia đình, bố mẹ đi làm ăn xa, bố mẹ ly hôn do đó các em sẽ thiếu sự quan tâm”. Hiệu trưởng Lê Văn Thành nói. “Những điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các em, có thể các em sẽ chán chường, do đó thích làm những điều mình muốn dù biết hành động đó là sai... Tổ 282 ra quân, chúng tôi nhận thấy, học sinh đã có một sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ, chấp hành khi tham gia giao thông. Từ những vụ việc, tôi cho rằng, quan trọng nhất, cốt lõi nhất vẫn là sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường. Về phía nhà trường, bản thân tôi vẫn duy trì tuyên truyền, xác định đó là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt”.

Đồng quan điểm, cô giáo Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành (phường Đông Sơn) cũng cho rằng, việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường là cần thiết và đã được nhà trường quan tâm, thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, để học sinh tự giác, ý thức là khó nên trước hết phải có chế tài để từ đó tạo thành nếp. Vi phạm các nội quy, nhà trường sẽ “đánh” vào hạnh kiểm. Vì vậy, công tác tuyên truyền đến học sinh về an toàn giao thông phải luôn được duy trì.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tấn, Đội phó Đội CSGT-TT Công an TP Thanh Hóa cho biết: Qua những vụ việc vi phạm quy đinh về tham gia giao thông của học sinh, khi tiếp xúc mới thấy rằng, các em vẫn còn ngây thơ. Khi tham gia giao thông với hành vi vi phạm, nhận thức của các em còn rất đơn giản, đa phần là bột phát, muốn thể hiện . Rất mong các nhà trường, các sở, ban, ngành phối hợp cùng gia đình nhắc nhở, tuyên truyền, đồng thời phải có biện pháp mạnh để giáo dục học sinh tham gia giao thông một cách văn minh, có ý thức.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]