(vhds.baothanhhoa.vn) - Đồng phục cho học sinh là một trong những vấn đề được mang ra bàn luận nhiều, đặc biệt vào dịp đầu năm học. Mỗi trường có kiểu đồng phục và có những quy định cũng không giống nhau, thậm chí quá cứng nhắc trong quy định, vô tình tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh…

Chuyện đồng phục trong trường học

Đồng phục cho học sinh là một trong những vấn đề được mang ra bàn luận nhiều, đặc biệt vào dịp đầu năm học. Mỗi trường có kiểu đồng phục và có những quy định cũng không giống nhau, thậm chí quá cứng nhắc trong quy định, vô tình tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh…

Chuyện đồng phục trong trường họcHọc sinh lớp 1A Trường TH Hải Lộc (Hậu Lộc). (Ảnh nhà trường cung cấp).

Muôn kiểu quy định

Nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây một năm với con gái của mình, lúc này chị N.D. ở phường An Hưng (TP Thanh Hóa) lại hiện sự căng thẳng trên khuôn mặt. Năm học trước, khi còn là học sinh lớp 1 ở một trường tiểu học trên địa bàn thành phố, con gái chị đã vướng vào một vụ việc liên quan đến chiếc áo đồng phục. Trường học của con chị có 2 loại áo đồng phục, quy định thứ 2, 4, 6 mặc áo sơ mi trắng còn áo phông sẽ mặc khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm… Có một hôm con chị vì quên nên mặc áo phông vào ngày phải mặc áo sơ mi. Chị N.D. nhớ lại: “Chiều hôm đấy, đi học về con khóc và nói với tôi rằng, con bị đội cờ đỏ ghi vào sổ và bị cô giáo phê bình trước lớp. Cũng ngay tối hôm đấy, trên zalo của lớp, cô giáo nhắc nhở phụ huynh chú ý mặc đồng phục cho con đúng quy định để tránh ảnh hưởng đến thi đua của lớp. Tôi thấy bất ngờ vì điều này. Và con tôi thì rút kinh nghiệm bằng cách ghi vào một tờ giấy, dán lên tường. Từ đấy, con không còn quên nữa nhưng thương chiếc áo phông đồng phục bị ngủ quên quá nhiều vì trong 1 năm học, nhà trường cũng chỉ mới tổ chức được 1 lần hoạt động trải nghiệm cho các con…”.

Năm học 2022-2023 này, con gái anh L.H. ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) bước chân vào trường THCS. Ngôi trường con anh học có những quy định riêng trong mặc đồng phục, cụ thể các ngày thứ 2, 4, 6 mặc áo sơ mi trắng có logo của nhà trường, các ngày còn lại mặc áo trắng có cổ. Anh L.H. cho biết: “Đấy cũng là nét văn hóa riêng của nhà trường nhưng tôi thấy hơi cứng nhắc. Bản thân con tôi vào các ngày 3, 5, 7 dù chỉ yêu cầu mặc áo trắng có cổ chứ không phải mặc áo đồng phục, nhưng con đã làm ngược quy định, tức từ thứ 2 đến thứ 7 con chỉ mặc đi mặc lại 2 chiếc áo đồng phục của nhà trường. Hỏi thì con bảo không yên tâm nên cứ “đánh” áo đồng phục trong 7 ngày cho tự tin. Tôi lại có suy nghĩ khác, thứ 3, 5, 7 không phải là áo trắng có cổ mà là áo màu có cổ, liệu được không?”.

Không nên tạo áp lực

Thực tế, mặc đồng phục đối với học sinh vừa tôn vinh vẻ đẹp học đường, khơi dậy ý thức xây dựng “thương hiệu” của mỗi nhà trường, quan trọng hơn là định hướng văn hóa trang phục cho tuổi trẻ học đường và hạn chế sự phân biệt điều kiện kinh tế của các gia đình thể hiện qua trang phục khác nhau giữa các em học sinh. Tuy nhiên, nếu thực hiện một cách thái quá thì vô tình việc mặc đồng phục sẽ là áp lực đối với cả phụ huynh và học sinh.

Và sự cứng nhắc ấy nếu được đặt ở các trường còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa liệu có được chấp nhận hay phải có một sự mở hơn, cách nhìn thoáng hơn để học sinh đến trường với tâm trạng thoải mái nhất. Trở về Trường Tiểu học (TH) Thanh Xuân (Quan Hóa), nơi có đến 2/3 học sinh nghèo. Dù là ngày đầu tuần, theo quy định sẽ mặc đồng phục nhưng buổi chào cờ của ngày thứ 2 này, trên sân trường, có rất nhiều sắc màu “Mặc đẹp cho con, phụ huynh nào cũng muốn, rất phấn khởi. Một chiếc áo không nhiều, chỉ mấy chục nghìn nhưng cũng có gia đình không mua được. Đồng phục mặc lên sẽ đẹp nhưng ở địa bàn khó khăn này, yêu cầu đấy khó thực hiện đồng bộ mà thay vào đó là sự cảm thông, sẻ chia nhiều hơn…”, thầy giáo Đặng Viên, Hiệu trưởng Trường TH Thanh Xuân cho biết.

Chuyện đồng phục trong trường họcTiết chào cờ thứ 2 ở Trường TH Thanh Xuân. (Ảnh nhà trường cung cấp).

Còn ở Trường TH Hải Lộc (Hậu Lộc), ngày thứ 2 đầu tuần, dù quy định mặc đồng phục nhưng không phải em nào cũng thực hiện được. Theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, thì ở ngôi trường mà số học sinh nghèo, cận nghèo đang còn tương đối nhiều thì không nên đòi hỏi các em quá nhiều về thực hiện theo đúng quy định. “Có gia đình đông con, anh chị mặc xong lại nhường cho em. Có gia đình không đủ điều kiện mua thì nhà trường cũng không ép buộc. Nhà trường không tạo áp lực về việc mặc đồng phục của học sinh, nếu em nào quên không mặc thì chỉ nhắc nhở, không đánh vào hạnh kiểm...”.

Thông tư số 26 ngày 30-9-2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên. Theo đó, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hàng ngày đến trường, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Mặc đồng phục khi đến trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hóa… Thiết nghĩ, việc mặc đồng phục cũng không nên áp đặt và áp lực với những quy định riêng từ phía các nhà trường. Với học sinh, việc ưu tiên nhất, quan trọng nhất là học tập, tiếp thu kiến thức chứ không phải là chuyện của cái áo. Vậy nên, cũng không vì chuyện đồng phục mà tạo thêm tâm lý lo lắng cho các em.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]