(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”, trên địa bàn tỉnh đã có 13 trường THPT được giải thể, sáp nhập. Tuy nhiên, đến nay, trong số đó còn 5 trường vẫn đang nằm chờ xử lý sau giải thể...

Chuyện về những ngôi trường sau giải thể…

Thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”, trên địa bàn tỉnh đã có 13 trường THPT được giải thể, sáp nhập. Tuy nhiên, đến nay, trong số đó còn 5 trường vẫn đang nằm chờ xử lý sau giải thể...

Chuyện về những ngôi trường sau giải thể…

Theo phương án, Trường THPT Nông Cống I sẽ được điều chuyển đến Trường THPT Triệu Thị Trinh (cũ), trước đây từng là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Trường không cổng, lớp không cửa

Sau khi UBND tỉnh có quyết định điều chuyển cơ sở vật chất của 5 trường THPT về UBND các huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Hà Trung, Nông Cống, Thiệu Hóa để quản lý, sử dụng thì đến thời điểm hiện tại, tức sau 2 năm, các huyện vẫn chưa thể quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản các trường học dôi dư này, thậm chí một số trường đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Do đã 2 năm không được sử dụng, Trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc) trở nên hoang tàn. Nhiều cánh cửa các phòng học đã bị tháo trộm. Sân trường cỏ đã mọc um tùm. Trường học sau giải thể đã biến thành ngôi trường... hoang.

Sở dĩ có sự thay đổi này vì sau khi có quyết định điều chuyển của UBND tỉnh, UBND huyện Hậu Lộc đã giao cho UBND thị trấn Hậu Lộc bảo quản, trông giữ tài sản gắn liền trên đất. Nhưng theo lý giải của ông Hoàng Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hậu Lộc thì: “Huyện giao nhưng không có kinh phí hỗ trợ, trong khi đó thị trấn không cân đối được ngân sách nên cũng không thể thuê bảo vệ trông coi”.

Một số huyện khác có giải pháp khả quan hơn, như ở huyện Hoằng Hóa đã hỗ trợ kinh phí 3 triệu đồng/tháng để giao UBND xã Hoằng Đạo thuê người bảo quản, trông giữ tài sản Trường THPT Lê Viết Tạo. Do đó, hiện trạng được giao lúc ban đầu đến thời điểm hiện tại vẫn được giữ nguyên.

Sau giải thể, nếu những trường dôi dư chưa được đưa vào sử dụng thì đương nhiên, trường sẽ bị bỏ trống. Tuy nhiên, nếu trách nhiệm không cao trong bảo quản, gìn giữ thì việc xuống cấp trầm trọng tại các trường này cũng là điều dễ hiểu.

Câu chuyện giải pháp

Hiện nay, đã có 8/13 trường THPT sau giải thể đã được đưa vào sử dụng, trong đó chủ yếu dành mục đích dạy học cho các trường khác. Đối với 5 trường dôi dư còn lại, mỗi huyện đưa ra những phương án quản lý, xử lý khác nhau. Tại huyện Hậu Lộc, Thiệu Hóa, mục đích sử dụng sắp tới, sẽ thực hiện đấu giá đất ở đô thị tại các trường sau giải thể và đã báo cáo Sở Tài chính, trình UBND tỉnh đề xuất bổ sung danh mục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Dự kiến thực hiện từ nay đến cuối năm 2022.

Trong khi đó, tại huyện Hoằng Hóa, cấp ủy, chính quyền huyện định hướng sử dụng Trường THPT Lê Viết Tạo (cũ) để mời gọi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nhằm mục đích không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đồng thời chỉnh trang đô thị trong thời kỳ mới. Sau đó, UBND huyện Hoằng Hóa đã nhận được văn bản của Công ty CP Diên Hồng đề nghị được nghiên cứu đầu tư trường học liên cấp tại trường này. Tuy nhiên, việc đầu tư không thành. Ông Lê Trọng Trường, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hoằng Hóa cho biết: “Doanh nghiệp muốn đầu tư để được hưởng chế độ miễn tiền thuê đất nhưng do đây là tài sản công gắn liền với đất mà theo Nghị định 25 là phải đấu giá nên cách đây ít hôm, doanh nghiệp từ chối không tham gia nữa. Theo đó, UBND huyện đã báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy điều chuyển Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hoằng Hóa đến vị trí Trường THPT Lê Viết Tạo (cũ)”.

Riêng đối với huyện Nông Cống, trong 2 năm gần đây, Trường THPT Triệu Thị Trinh (cũ) đã được sử dụng làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 và là cơ sở thu dung điều trị COVID-19 số 1 thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống. Theo chia sẻ của ông Phạm Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, thì: “Sau khi dịch bệnh kết thúc và không còn nhu cầu sử dụng làm cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, UBND huyện sẽ tham mưu, trình UBND tỉnh cho phép điều chuyển Trường THPT Nông Cống I đến vị trí Trường THPT Triệu Thị Trinh (cũ), và sẽ báo cáo UBND tỉnh có phương án quản lý, xử lý tài sản theo quy định đối với vị trí Trường THPT Nông Cống I hiện tại”.

Mục tiêu giải thể và sáp nhập các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo điều kiện và khuyến khích xã hội hóa giáo dục, phát triển trường tư thục chất lượng cao. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Quản lý Công sản - Giá cả, Sở Tài chính cho biết: “Để quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản các trường học dôi dư, trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, căn cứ các quy định hiện hành, Sở Tài chính sẽ chủ động phối hợp cùng các ngành, đơn vị có liên quan để tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định”.

Hy vọng trong thời gian không xa nữa, 5 trường THPT dôi dư nhanh chóng thực hiện được mục đích, tránh tình trạng lãng phí kéo dài.

Bài và ảnh: Anh Hoàng


Bài và ảnh: Anh Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]