(vhds.baothanhhoa.vn) - Gia đình, nhà trường và xã hội hạnh phúc thì trẻ em sẽ được hạnh phúc. Làm cách nào để giảm tải áp lực cho học sinh (HS) và trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống, phóng viên Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

Hồi chuông cảnh báo về bất ổn tâm lý ở học sinh: Để không còn những câu chuyện buồn

Gia đình, nhà trường và xã hội hạnh phúc thì trẻ em sẽ được hạnh phúc. Làm cách nào để giảm tải áp lực cho học sinh (HS) và trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống, phóng viên Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

Bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Xây dựng “Trường học hạnh phúc”

Hồi chuông cảnh báo về bất ổn tâm lý ở học sinh: Để không còn những câu chuyện buồn

PV: Thưa bà, môi trường giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự hình thành và phát triển đời sống tinh thần của trẻ. Vậy, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã và đang có những đổi mới nào về dạy và học để HS cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”?

Bà Bùi Thị Thanh: Vừa qua, ngành GD&ĐT Thanh Hóa phát động phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2021 - 2025. “Trường học hạnh phúc” là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và HS. Là nơi thầy cô giáo và HS vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương. Nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và HS đến trường là một niềm hạnh phúc. Để phong trào phát huy hiệu quả, ngành GD&ĐT đã đề ra bộ 3 tiêu chí với 20 tiêu chí cụ thể, gồm: môi trường nhà trường (8 tiêu chí), tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục (6 tiêu chí), các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường (6 tiêu chí). Trong đó, bám sát phương châm lấy HS làm trung tâm, các hoạt động giáo dục hướng tới phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của trò. Đặc biệt, chú trọng giáo dục lý tưởng gắn với phát huy và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nhà trường với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, như Trường THPT Nga Sơn, THPT Hậu Lộc 4...

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tăng cường hoạt động của tổ giám sát tư vấn tâm lý học đường, xây dựng thời gian học tập khoa học, đẩy mạnh hoạt động câu lạc bộ theo sở thích, tăng cường các hoạt động kết nối giữa thầy cô và phụ huynh... nhằm mang đến cho HS một môi trường học tập vui, khỏe, lành mạnh.

Bác sĩ Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa: Gia đình là yếu tố hàng đầu đảm bảo sức khỏe tinh thần cho học sinh

Hồi chuông cảnh báo về bất ổn tâm lý ở học sinh: Để không còn những câu chuyện buồn

PV: Theo bác sĩ, bệnh trầm cảm trong HS có phòng ngừa được không? Nếu được thì yếu tố nào là quan trọng nhất?

Bác sĩ Phạm Đức Cường: Lứa tuổi vị thành niên thường có diễn biến tâm lý phức tạp, khó lường, nhiều em bị trầm cảm, nhưng có thể ngăn ngừa được bệnh lý này nếu có sự quan tâm và kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc hình thành tư duy, lối sống tích cực ở trẻ. Dù thời gian trẻ tiếp xúc với gia đình ít hơn ở trường, nhưng đây lại là khoảng thời gian “chất lượng” nhất để chúng cảm nhận được rằng mình được tôn trọng, được yêu thương và có một vị trí nhất định trong cuộc sống. Giảm áp lực cho trẻ đầu tiên phải bắt đầu từ cha mẹ. Dù lớp, trường có cắt giảm chương trình nhưng cha mẹ vẫn đề ra mục tiêu quá khả năng, kỳ vọng quá nhiều thì đứa trẻ vẫn phải chịu áp lực lớn. Cha mẹ cho con những vật chất tốt nhất nhưng lại không đồng hành bên con những lúc khó khăn, hướng dẫn con vượt qua áp lực, cho con biết mình yêu thương con thế nào thì đứa trẻ ấy vẫn cảm thấy cô đơn và thiếu thốn.

Thực tế, nhiều phụ huynh vẫn né tránh, xấu hổ khi phát hiện bất thường và mang con đi khám. Rất ít các trường hợp trẻ có triệu chứng nhẹ được bố mẹ phát hiện đưa đến bệnh viện để khám sàng lọc sớm. Phần nhiều trường hợp đến bệnh viện khi các triệu chứng đã rõ và bệnh lý đã nặng nề. Nhiều trường hợp phải cấp cứu về mặt tâm thần với các biểu hiện như, nhịn ăn nhiều bữa, sức khỏe suy kiệt, giảm cân, cá biệt một số trường hợp chi chít vết dao cắt trên người... Việc phát hiện và điều trị bệnh trầm cảm sớm rất quan trọng để trẻ sớm trở lại cuộc sống bình thường và ít để lại tổn thương tinh thần nhất. Vì vậy, hơn ai hết cha mẹ cần phải có cái nhìn đúng đắn và biết cách phòng ngừa bệnh cho trẻ. Nhưng cũng cần phải loại bỏ tâm lý đến bệnh viện là mặc định bị “thần kinh” và phải dùng thuốc. Bởi trẻ bị trầm cảm với những triệu chứng nhẹ, có thể can thiệp bằng hành vi và liệu pháp tâm lý...

Bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn: Giáo dục là dạy cho học sinh biết cách vượt qua áp lực

Hồi chuông cảnh báo về bất ổn tâm lý ở học sinh: Để không còn những câu chuyện buồn

PV: Chữa "căn bệnh" thành tích trong giáo dục cũng là một trong những giải pháp quan trọng để giảm áp lực cho trẻ. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Vũ Thị Thanh Vân: Không riêng gì ngành GD&ĐT mà trong bất kỳ ngành nào cũng cần mục tiêu, thành tích. “Bệnh thành tích” đáng bị lên án khi nó bị lệch lạc, méo mó, biến tướng. Chúng ta cần thành tích nhưng phải là thành tích thật, thành tích đặt ra theo năng lực của nhà trường, năng lực thật của HS. Trên thực tế, các nhà trường có thể đặt ra mục tiêu, thành tích khác ngoài nội dung chính khóa như các hoạt động ngoại khóa hay hoạt động nhằm trang bị kỹ năng sống cho HS... mang tính khách quan, cổ động. Tuy nhiên, áp lực và thành tích là một trong những yếu tố thúc đẩy HS tiến bộ. Không thể loại bỏ hoàn toàn áp lực trong học tập mà giáo dục là phải dạy cho trẻ cách vượt qua áp lực, lấy áp lực là động lực vươn lên.

Thực hiện điều này, thời gian qua phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường nghiêm túc thực hiện các phong trào, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và tâm sinh lý của HS...

Phong Vân (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]