(vhds.baothanhhoa.vn) - Tiếp cận lịch sử thông qua các trò chơi, trải nghiệm thực tế, hoạt động giáo dục này không những giúp học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức lịch sử mà còn tạo hứng thú, khát khao với môn học. Điều này đã và đang được các bạn trẻ của Công ty CP Sự kiện và Du lịch Đông Sơn thực hiện qua hoạt động du lịch về nguồn “Teambuilding trải nghiệm lịch sử”.

Khi người trẻ yêu lịch sử

Tiếp cận lịch sử thông qua các trò chơi, trải nghiệm thực tế, hoạt động giáo dục này không những giúp học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức lịch sử mà còn tạo hứng thú, khát khao với môn học. Điều này đã và đang được các bạn trẻ của Công ty CP Sự kiện và Du lịch Đông Sơn thực hiện qua hoạt động du lịch về nguồn “Teambuilding trải nghiệm lịch sử”.

Khi người trẻ yêu lịch sửCác em học sinh dâng hương tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa - nơi diễn ra chương trình. Ảnh: Hà Đông

Trở về sau hoạt động “Teambuilding trải nghiệm lịch sử” tại Khu di tích lăng mộ và đền thờ phòng ngự sứ Thiều Thốn (xã Đông Tiến, Đông Sơn), em Trần Bá Nghĩa, học sinh lớp 7 Trường THCS Trần Mai Ninh, vui vẻ nói: “Em đã biết thêm rất nhiều kiến thức về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, về những người anh hùng của cuộc khởi nghĩa như Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi... Em cũng nhớ được nhiều dấu mốc quan trọng, số liệu lịch sử”. Hào hứng không kém, em Lê Thị Phương Lan, học sinh Trường TH, THCS&THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa) nói: “Chúng em mong muốn được tham gia nhiều hoạt động giống như teambuilding trải nghiệm lịch sử, không những biết được thêm kiến thức lịch sử trong nước mà chúng em còn được rèn luyện về kỹ năng, cách làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết đồng đội...”. Không riêng gì các em học sinh, mà cả giáo viên và phụ huynh đều đồng tình cho rằng “Teambuilding trải nghiệm lịch sử” không những là sân chơi bổ ích, lành mạnh mà còn là phương pháp học tập hiệu quả thông qua những trò chơi thực tế.

Người sáng tạo ra “Teambuilding trải nghiệm lịch sử” là nhóm bạn trẻ 9X Đoàn Hữu Ngọ (Hà Trung), Trịnh Xuân Mạnh (Bỉm Sơn) và Nguyễn Hà Đông (Đông Sơn) thuộc Công ty CP Sự kiện và Du lịch Đông Sơn. “Thanh Hóa là mảnh đất có bề dày văn hóa lịch sử, trong đó hàng trăm di tích văn hóa lịch sử đã được công nhận và có giá trị về nhiều mặt. Hiểu về lịch sử địa phương mình, biết về đất và người Thanh Hóa là mong muốn, cũng là mục đích chính chúng em tạo ra chương trình. Ngoài ra, chúng em muốn truyền tình yêu lịch sử, một môn học rất thú vị cho các em học sinh”, là lý do mà anh Nguyễn Hà Đông cùng các bạn tạo ra sân chơi này.

Theo đó, “Teambuilding trải nghiệm lịch sử” có nội dung cốt lõi là tìm hiểu về văn hóa lịch sử xứ Thanh qua các thời kỳ, các vị vua, vị tướng, danh nhân xưa của xứ Thanh. Là chương trình vừa học, vừa chơi dành cho học sinh tìm hiểu về lịch sử. Theo đó, chương trình đòi hỏi sự đầu tư về nhân lực, sự chỉn chu, cẩn thận về nội dung và sự chuyên nghiệp về cách thức thực hiện. Đáp ứng được những yêu cầu đó, đội nhóm của anh Hà Đông đã dành nhiều thời gian viết kịch bản, xây dựng, thiết kế chương trình, khảo sát địa điểm, tìm hiểu nhu cầu của học sinh, phụ huynh và giáo viên về chương trình. Về nội dung, nhóm tham khảo ý kiến từ các giảng viên của Trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các chuyên gia, nhà nghiên cứu lĩnh vực. Bối cảnh, đạo cụ trải nghiệm sẽ tương ứng với thời kỳ lịch sử và học sinh được mặc cổ phục để tham gia trải nghiệm. Chương trình có phân đoạn cụ thể, mỗi phân đoạn ứng với một trò chơi vận động, những dữ kiện, thông tin lịch sử được khéo léo truyền tải thông qua các hoạt động. Đặc biệt, chương trình được thực hiện tại các di tích lịch sử, trước khi bước vào trò chơi học sinh sẽ được dâng hương, tìm hiểu nội dung, thông tin di tích thông qua clip ngắn. Ngoài ra các trò chơi trong chương trình, các em còn được tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế như gói bánh chưng, tìm hiểu hoạt động sản xuất nông nghiệp...

Khi người trẻ yêu lịch sửHọc sinh được tham gia nhiều trò chơi thú vị. Ảnh: Hà Đông

Hiện tại, chương trình thực hiện với 2 nội dung chính gồm “Lam Sơn tụ nghĩa” và “Nam Tiến”. “Lam Sơn tụ nghĩa” lấy cảm hứng từ cuộc khởi nghiệp Lam Sơn, được chia làm 4 phần: Lam Sơn tụ nghĩa; Nếm mật nằm gai, Phát triển lực lượng; Công phá; Đại cáo công thành. “Nam tiến” kể về cuộc đời và sự nghiệp của Đào Duy Từ. Chương trình kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Trong đó, các em học sinh được phân chia thành các đội, các đội sẽ tranh tài với nhau thông qua các trò chơi thú vị như vận chuyển lương thực thực phẩm, vượt chướng ngại vật, truy tìm mật thư, đánh trận giả, luyện binh... như một gameshow thực tế tranh tài giữa các đội.

Đồng thời, ban tổ chức luôn có đội ngũ nhân viên giữ gìn an ninh, an toàn và lưu lại kịp thời những khoảnh khắc đáng nhớ của hoạt động.

Theo đó, việc được tham gia chơi tìm hiểu lịch sử như một gameshow giúp học sinh được dung nạp kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng sống một cách chủ động, tự nhiên, thoải mái nhất. Giáo dục truyền thống và định hướng lý tưởng cho học sinh ở những khu di tích lịch sử là để từ đó, mỗi học sinh tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử của quê hương mình.

Hoạt động bổ ích của chương trình nhanh chóng được lan tỏa, bước đầu nhận được sự đánh giá cao của nhà trường, phụ huynh và các chuyên gia. Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2023, đến nay đã tổ chức được 13 chương trình phối hợp với các trường học trong tỉnh như: THCS Trần Mai Ninh, Trường TH,THCS&THPT Đông Bắc Ga; Trường THCS Nguyễn Chích... Tuy nhiên “khác với teambuilding dành cho người lớn, teambuilding trải nghiệm lịch sử với bối cảnh không gian di tích khiến ban tổ chức luôn cẩn thận trong từng khâu tổ chức. Chương trình đòi hỏi phải có nhiều nhân viên trong quá trình điều hành, hướng dẫn trò chơi, đảm bảo an toàn, an ninh cho các em. Đồng thời, chương trình cũng “kén” đối tượng, phù hợp nhất ở cấp THCS khi các em đủ lớn tham gia hoạt động đòi hỏi thể chất, thể hiện kỹ năng. Bởi vậy, kinh phí cho một chương trình là không hề nhỏ”, anh Đông cho biết thêm.

Được biết, trong năm 2024 ban tổ chức phối hợp với ngành giáo dục thị xã Nghi Sơn tổ chức “teambuilding trải nghiệm lịch sử” cho học sinh toàn thị xã với chương trình “Nam tiến”. Trong thời gian tới, anh Đông cùng các bạn tiếp tục đa dạng hóa nội dung chương trình, thêm nhiều nội dung, giai đoạn lịch sử được tiếp cận và sáng tạo các trò chơi mới, nhằm mang lại những trải nghiệm độc đáo thú vị cho học sinh trong việc học, tiếp thu lịch sử.

Đỗ Phan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]