(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã nỗ lực đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề

Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã nỗ lực đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghềHọc sinh Trường Trung cấp nghề Nga Sơn trong giờ thực hành.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở GDNN, gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 31 trung tâm GDNN và 9 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Nhằm triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về hiệu quả công tác đào tạo nghề; tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về hoạt động GDNN, việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, tọa đàm, tổ chức các hoạt động tại các phiên giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động... Qua đó, tạo chuyển biến tích cực cho các cấp, các ngành và người lao động về các chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GDNN và giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tỉnh ta đã tăng cường đầu tư và phát triển hệ thống GDNN. Hiện nay, các cơ sở GDNN đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm (nghề cấp độ quốc tế, nghề cấp độ ASEAN và nghề cấp độ quốc gia), gồm các nghề thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng cao như: hàn, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, may thời trang, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ khách sạn nhà hàng, dược, điều dưỡng... Cùng với đó, từ nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, các cơ sở GDNN đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, kiểm định chất lượng cơ sở GDNN, kiểm định chương trình đào tạo từ nguồn Chương trình mục tiêu GDNN - Việc làm và An toàn lao động cho 5 trường, với tổng kinh phí trên 37 tỷ đồng, trong đó đầu tư cơ sở vật chất 2 tỷ đồng, mua sắm thiết bị đào tạo trên 35 tỷ đồng.

Ngoài tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, hàng năm các cơ sở GDNN đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý, chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng đủ năng lực để tổ chức các lớp đào tạo chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng thực hành nghề cho đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, nhà giáo tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, chuẩn hóa nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng kỹ năng thực hành, bồi dưỡng kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp... do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục GDNN tổ chức hoặc tự tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Cùng với đó, các cơ sở GDNN tăng cường liên doanh, liên kết với doanh nghiệp với nhiều hình thức liên kết, phối hợp như, phối hợp trong việc xây dựng chương trình đào tạo; sử dụng thiết bị của doanh nghiệp để dạy thực hành; hỗ trợ giáo viên là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề tham gia giảng dạy tại trường, hướng dẫn học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp... Các trường đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, điều đó giúp trường vừa nâng cao được chất lượng đào tạo, đồng thời giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo từ lý thuyết tới thực hành để sát với yêu cầu thực tiễn về công nghệ. Hầu hết các cơ sở GDNN đã liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

Kết quả, trong năm toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 83.080 người, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 18,5% so với năm 2022; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29%. Ở nhiều nghề trọng điểm, kỹ năng nghề của lao động trong tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp; trên 80% người học có việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%. Chất lượng lao động qua đào tạo nghề nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt trên 90%, trình độ trung cấp đạt trên 85% và trình độ sơ cấp đạt trên 75%. Nhiều ngành, nghề học sinh, sinh viên ra trường có 100% việc làm như: nghề hàn, nghề may thời trang, nghề điện công nghiệp...

Bà Trịnh Thị Minh Hường, Trưởng Phòng GDNN (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh) cho biết: Đạt được kết quả trên là do các trường nghề đã tuyển sinh gắn liền với tuyển dụng, từng học viên được xác định ngành đào tạo gắn với vị trí việc làm, không đào tạo tràn lan, lãng phí... theo tinh thần Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với mục tiêu phát triển các cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ GDNN, tổ chức đào tạo các ngành nghề xã hội có nhu cầu, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và địa phương; tiếp tục dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhu cầu của thị trường lao động để từ đó các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]