(vhds.baothanhhoa.vn) - Tạm gác lại bảng đen, phấn trắng, thay vào đó là các bài giảng được chuyển tải bằng các phương tiện kỹ thuật số. Cánh cửa lớp học thông minh, phòng học thông minh mở ra, giáo viên và học sinh tương tác qua hình ảnh trực quan sinh động…

Nghe lớp học thông minh “kể chuyện”

Tạm gác lại bảng đen, phấn trắng, thay vào đó là các bài giảng được chuyển tải bằng các phương tiện kỹ thuật số. Cánh cửa lớp học thông minh, phòng học thông minh mở ra, giáo viên và học sinh tương tác qua hình ảnh trực quan sinh động…

Nghe lớp học thông minh “kể chuyện”Lớp học thông minh với thầy và trò lớp 6B, Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Trung).

Tiết học của cảm xúc…

Gần 2 tháng nay, hơn 70 học sinh lớp 6 ở Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Trung) đã được tiếp cận với lớp học 4.0. Không gian lớp học tích hợp đầy đủ các công cụ dạy và học và được kết nối các thiết bị như máy vi tính, màn hình tương tác… Máy tính được tích hợp đầy đủ các dữ liệu cần thiết: sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn...

Những tiết học diễn ra sôi nổi hơn nhờ lớp học thông minh này. “Tất cả chúng em đều bị cuốn hút bởi các yếu tố công nghệ thông minh đó là hình ảnh, đồ thị, video…, qua đó sẽ nắm bắt các khái niệm nhanh chóng hơn”, em Hoàng Ngọc Anh, học sinh lớp 6B, Trường THCS Lý Thường Kiệt phấn chấn cho biết.

Giờ Sinh học ở lớp 6B hôm nay có bài: “Từ tế bào đến cơ thể sinh vật”. Bài giảng sử dụng video. Khi học sinh quan sát video này, sẽ trả lời cho giáo viên hoặc làm nhiệm vụ ghi chép lại các đối tượng sinh vật xem có những hoạt động sống nào. Bài giảng sinh động, cắt ghép các vấn đề, học sinh quan sát xong sẽ đưa ra được những câu trả lời nhanh. Thầy giáo Nguyễn Văn Lâm, giáo viên môn Sinh học cho biết thêm: “Bài giảng có sự tương tác bằng bút cảm ứng sẽ thực hiện các lệnh rõ hơn. Ví dụ, so sánh giữa tế bào nhân thực và tế bào nhân sơ, muốn học sinh quan sát rõ, giáo viên có thể sử dụng bút cảm ứng tô các nội dung, chú thích trên kênh hình một cách trực quan giúp học sinh dễ hiểu. Điều này, nếu chỉ dùng máy chiếu như trước đây sẽ không làm được”.

Theo giáo viên dạy môn Địa lý của nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thủy, ở lớp học thông minh, do có tính trực quan nên học sinh tiếp thu bài tốt hơn đồng thời rèn các kỹ năng thực tế hiệu quả hơn. Chị nói: “Ví dụ như bài “Sự chuyển động của Trái Đất quanh mặt trời”, khi chưa có lớp học thông minh, bài giảng sử dụng bằng tranh ảnh, mô hình như quả địa cầu. Còn bây giờ bài giảng đã được chuyển tải bằng các phương tiện kỹ thuật số với hình ảnh trực quan, học sinh thấy được sự chuyển động tự quay quanh trục của Trái Đất, rất sinh động, thực tế…”.

Hiện nay, cùng với lớp học thông minh thì mô hình phòng học thông minh cũng đã được xây dựng. Ngoài máy vi tính, màn hình tương tác, phòng học thông minh có thêm bục giảng thông minh, máy chiếu vật thể, camera trực… Mô hình là giải pháp cho phép tăng cường khả năng tương tác đa chiều giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh qua việc dạy nhóm, học nhóm, thảo luận nhóm thông qua phần mềm quản lý lớp học.

Trường TH&THCS Đông Thịnh, một trong 9 trường của huyện Đông Sơn đã xây dựng mô hình phòng học thông minh từ năm học 2021-2022. Một năm học qua đi, câu chuyện về phòng học thông minh đối với cô và trò ở ngôi trường này vẫn là một “đề tài” được nhắc đến nhiều nhất với hiệu ứng tích cực. Bởi, nếu so sánh giữa bài giảng theo giáo án điện tử power point và bài giảng ứng dụng công nghệ 4.0 thì bài giảng 4.0 có nhiều thuận lợi hơn cho việc dạy và học. Theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, Trường TH&THCS Đông Thịnh thì: “Học sinh rất thích học, mỗi tiết học đều để lại ấn tượng tốt, có cảm xúc với các em. Phòng học thông minh không dùng phấn mà là bút cảm ứng, rất nhiều tiện lợi cho cả cô và trò. Đối với bài tập của học sinh, cô giáo dùng máy chiếu vật thể để xuất hình ảnh bài tập đó ra ngoài màn chiếu. Như vậy tất cả học sinh trong lớp đều thấy ưu, khuyết điểm để cùng rút kinh nghiệm. Hoặc đối với bài trắc nghiệm, khi cô giáo đưa ra các đáp án thì ở dưới các em có thiết bị bấm lựa chọn…”.

Chung tay xây dựng mô hình

Xây dựng lớp học thông minh, phòng học thông minh trên nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đồng thời gắn với đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, chưa có nhiều lớp học và phòng học thông minh, nhiều địa phương chưa xây dựng được mô hình này. Khó khăn bắt đầu từ câu chuyện kinh phí.

Để xây dựng một lớp học thông minh cần khoảng 35 - 40 triệu đồng, một phòng học thông minh lên tới vài trăm triệu đồng. Nếu không thực hiện công tác xã hội hóa thì mô hình khó được xây dựng.

Năm học 2022-2023, Trường THCS Lý Thường Kiệt, trường đầu tiên của huyện Hà Trung đưa vào sử dụng 2 lớp học thông minh ở khối 6 với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Nói về điều này, thầy giáo Nguyễn Danh Hoàng, hiệu trưởng nhà trường vẫn còn phấn chấn bởi trong điều kiện một số khoản thu của năm học mới tăng thì việc được phụ huynh chấp thuận phương án, đây là một sự ủng hộ lớn. Thầy hiệu trưởng cho hay: “Ngoài sự đóng góp của phụ huynh, nhà trường còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp. Đây là điều bất ngờ. Thực tế, khi chúng tôi đi tham khảo, rất thích mô hình nhưng cũng nhiều băn khoăn vì với kinh phí đầu tư khá lớn như thế không biết có làm được không…”.

Nghe lớp học thông minh “kể chuyện”Dùng máy chiếu vật thể để xuất hình ảnh bài tập ra ngoài máy chiếu (tiết học Tiếng Việt của lớp 2A tại phòng học thông minh, Trường TH&THCS Đông Thịnh).

Tại huyện Đông Sơn, mô hình phòng học thông minh ra đời không dựa vào công tác xã hội hóa. Trong năm học 2021-2022, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng chương trình chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin vào các trường học. Theo đó, với số kinh phí gần 3 tỷ đồng đã lắp đặt được 9 phòng học thông minh ứng dụng công nghệ 4.0. Ông Phạm Văn Dũng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Sơn, cho biết: “Sau khi đánh giá nghiệm thu hiệu quả các hoạt động dạy và học từ các phòng học 4.0, huyện sẽ tiếp tục đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị cho 26 phòng học còn lại của 26 trường với mục tiêu 100% các trường học, mỗi trường có 1 phòng học thông minh”.

Với tính năng vượt trội, phòng học thông minh, lớp học thông minh hướng người dạy và người học được tiếp xúc trực tiếp trong môi trường giáo dục của thời đại công nghệ thông tin 4.0. Dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ với phương pháp mới, tuy nhiên, từ những phòng học thông minh, lớp học thông minh này đã mở ra một “chân trời mới” mà ở đó góp phần rút ngắn khoảng cách thời gian giảng dạy của giáo viên nhưng vẫn đảm bảo được nội dung, lượng kiến thức truyền đạt nhiều hơn cho học sinh.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]