(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những ngày qua, hàng trăm người dân xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương tập trung trước trụ sở UBND xã và Trường THCS Quảng Phúc, phản đối việc sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc và THCS Quảng Vọng thành Trường THCS Phúc Vọng. Để tháo gỡ ‘nút thắt’ này, chính quyền địa phương cũng như người dân hơn hết cần đặt ưu tiên hàng đầu để trẻ được vui vẻ đến trường đúng và trúng thời điểm khai giảng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Việc sáp nhập trường tại xã Quảng Phúc: Hãy để trẻ có một ngày khai trường vui vẻ

(VH&ĐS) Những ngày qua, hàng trăm người dân xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương tập trung trước trụ sở UBND xã và Trường THCS Quảng Phúc, phản đối việc sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc và THCS Quảng Vọng thành Trường THCS Phúc Vọng. Để tháo gỡ ‘nút thắt’ này, chính quyền địa phương cũng như người dân hơn hết cần đặt ưu tiên hàng đầu để trẻ được vui vẻ đến trường đúng và trúng thời điểm khai giảng.

Thực hiện Nghị quyết số 122, ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện có tại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. UBND huyện Quảng Xương đã ban hành Kế hoạch số 303, ngày 15/4/2016 về việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn huyện Quảng Xương đến năm 2018. Theo khảo sát quy mô, tốc độ tăng dân số, số lượng học sinh theo học mầm non, tiểu học, tình hình cơ sở vật chất, hiện Trường THCS Quảng Phúc có 5 lớp học và số lượng học sinh theo học trong những năm tới có quy mô dưới 8 lớp học nên UBND huyện Quảng Xương đã có quyết định sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc với Trường THCS Quảng Vọng, thành lập Trường THCS Phúc Vọng.

Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân xã Quảng Phúc. Bà Hoàng Thị Tuyết, thôn Thanh Minh, xã Quảng Phúc, bức xúc: “Chúng tôi không đồng ý chuyển học sinh Trường THCS Quảng Phúc về THCS Quảng Vọng. Chúng tôi phản ứng vì quyết định này chưa được chính quyền địa phương đưa ra bàn bạc. Hơn nữa, Trường THCS Quảng Phúc là ngôi trường mà nhân dân địa phương đã phải đóng góp tiền để xây dựng thành trường chuẩn quốc gia từ năm 2014. Nay, con em chúng tôi không được học ở ngôi trường này nữa mà phải đi xa gần 5 km thì chúng tôi không đồng ý”.

Thay mặt cho đông đảo bà con nhân dân xã Quảng Phúc, ông Lê Thế Nhân (thôn Ngọc Đới 2, xã Quảng Phúc), đề nghị: “Người dân Quảng Phúc đề nghị lãnh đạo huyện và các ngành chức năng xem xét để cho các cháu học sinh THCS Quảng Phúc vẫn được học tại trường cũ, không nên sáp nhập với THCS Quảng Vọng. Vì khoảng cách từ xã Quảng Phúc về Trường THCS Quảng Vọng dài hơn 4 km, lại phải qua sông bằng một chiếc cầu bê tông rất hẹp. Con em chúng tôi, đặc biệt là các cháu lớp 6, nhiều cháu rất bé, nếu để các cháu tự đi đến trường học thì chúng tôi không yên tâm, cần phải có bố hoặc mẹ đưa đi. Trong khi đó, nghề chính của bà con ở Quảng Phúc là làm lúa và trồng cói, nên cuộc sống rất khó khăn. Nếu chúng tôi phải đưa, đón con đến trường thì công việc đồng áng sẽ không có người làm. Chúng tôi đề nghị cấp trên giữ lại Trường THCS Quảng Phúc. Nếu vì số lượng học sinh không đủ theo số lượng quy định của Nhà nước, thì chúng tôi đề nghị ghép trường tiểu học về trường THCS làm một, rồi dành cơ sở vật chất trường tiểu học để làm trụ sở UBND xã”.

Trước những kiến nghị của người dân xã Quảng Phúc, ông Phạm Văn Chính - Bí thư Huyện ủy Quảng Xương nhận trách nhiệm về việc để xảy ra sự việc đáng tiếc này. Ông Phạm Văn Chính cho biết: Chủ trương sáp nhập trường là mong muốn con em trong xã có môi trường học tập tốt hơn. Việc sáp nhập trường tiểu học và trường THCS như mong muốn của người dân sẽ tồn tại nhiều bất cập, bởi giáo viên trường tiểu học được đào tạo dạy nhiều môn, trong khi cấp THCS các môn có sự phân hóa rõ ràng.

Bên cạnh đó, hiện tại Trường THCS Quảng Phúc có 5 lớp với 148 học sinh, theo lộ trình từ nay đến năm 2020, nhà trường chỉ còn từ 4 đến 5 lớp học, học sinh và giáo viên không có điều kiện cạnh tranh, giao lưu và mở rộng quan hệ, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học; các giáo viên được phân về trường nhưng không đủ tiết dạy gây lãng phí nguồn nhân lực…

Vì những lý do trên, huyện đề ra phương án sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc với Trường THCS Quảng Vọng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân nên chủ trương sáp nhập trường tạm dừng, đợi khi nào bà con đồng thuận, thì huyện sẽ tiếp tục làm. Các em học sinh vẫn đến Trường THCS Quảng Phúc học tập bình thường.

Mục đích của việc sắp xếp lại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh nói chung và việc sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc và Trường THCS Quảng Vọng nói riêng là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29 tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh xã Quảng Phúc nên bình tĩnh, phối hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết mọi thắc mắc với tinh thần hợp tác, ủng hộ chủ trương chung để sớm ổn định tình hình, kịp thời chuẩn bị cho các em học sinh chào đón năm học mới 2017 - 2018.

Đối với mỗi học sinh, ngày khai trường là ngày quan trọng nhất, các bậc phụ huynh nên tạo cho con em mình niềm vui, niềm phấn khởi khi bắt đầu năm học mới, không nên làm ảnh hưởng đến cơ hội học tập của con em mình. Tránh để cho con trẻ phải buồn trong chính ngày vui của các em.

Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]