(vhds.baothanhhoa.vn) - Có niên đại hàng nghìn năm, từ lâu gốm Tam Thọ đã nổi danh khắp vùng. Những dấu tích để lại tại khu vực lò gốm trên vùng đất Đông Vinh (TP Thanh Hóa) cho thấy suốt những thế kỷ đầu công nguyên nơi đây đã hình thành một làng nghề với hoạt động sản xuất gốm vô cùng sôi động.

Gốm Tam Thọ - vàng son một thuở

Có niên đại hàng nghìn năm, từ lâu gốm Tam Thọ đã nổi danh khắp vùng. Những dấu tích để lại tại khu vực lò gốm trên vùng đất Đông Vinh (TP Thanh Hóa) cho thấy suốt những thế kỷ đầu công nguyên nơi đây đã hình thành một làng nghề với hoạt động sản xuất gốm vô cùng sôi động.

Gốm Tam Thọ - vàng son một thuởNhững mảnh gốm với đủ loại hoa văn còn lại ở Khu Di tích lò gốm Tam Thọ, xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa).

Vang bóng một thời

Theo các tài liệu lịch sử để lại, cái tên gốm Tam Thọ được biết đến rộng rãi khi nhà khảo cổ học người Thụy Điển Olov Janse phát hiện ra khu lò gốm cổ Tam Thọ ở tổng Viễn Chiếu, phủ Đông Sơn (nay thuộc xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa) lần đầu tiên vào tháng 2/1937. Để rồi từ những phát hiện và công bố này, nhiều nhà nghiên cứu gốm cổ trên thế giới đã tìm về đây để thực địa.

Trong các năm 2001-2002, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tiếp nối khảo sát và khai quật tại 4 địa điểm: Gò Quyến, Cồn Nghè, Gò Án Lớn, Gò Án Nhỏ, tìm ra dấu vết của 6 lò nung gốm cổ. Trong đó, từ vị trí mỗi lò nung hôm nay được thấy những lớp đất nền được tôn chồng lên nhau, chứng tỏ lò gốm sử dụng nhiều lần. Hầu hết các lò nung được khai quật ở Tam Thọ đều không còn nguyên vẹn, phần vòm lò đã bị sập hoàn toàn. Lò được làm bằng đất sét đắp kín vào các phên tre được uốn cong tạo nên sự chắc chắn.

Những kết quả điều tra, khảo sát vào năm 2001 của Bảo tàng Tổng hợp Thanh Hóa và Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, bên cạnh những lò gốm thuộc giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên, ở Tam Thọ còn tồn tại một khu vực sản xuất muộn hơn. “Theo rìa dọc kênh Đô đoạn giữa 2 làng Tam Thọ và Văn Vật có một hệ thống lò sành từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Khu lò sành tuy chưa được đầu tư nghiên cứu kỹ nhưng quy mô và tính chất của nó cũng rất quan trọng. Khu lò sành này là gạch nối truyền thống sản xuất gốm trước và sau thời kỳ nghìn năm chống Bắc thuộc của khu vực này” (Đỗ Quang Trọng, Khu Lò gốm cổ Tam Thọ, xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa Di tích và Thắng cảnh, NXB Thanh Hóa, 2002).

Trong hơn 1km dọc theo con kênh Đô giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật có hàng chục gò đất lớn chứa các lò nung gốm cổ. Hoạt động sản xuất sôi động cũng bởi lúc đó gốm Tam Thọ đã có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiêu thụ gốm ở vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng Thanh Nghệ. Vì thế, một số di tích ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng tìm thấy gốm Tam Thọ. Đặc biệt, trong các di chỉ và mộ táng thời Đông Hán và đầu thời Lục triều đều tìm được sản phẩm của lò gốm Tam Thọ, trung tâm gốm Thanh Hóa đã mở đầu cho một dòng gốm mới bên cạnh dòng gốm Đông Sơn truyền thống.

Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang trưng bày ấm vòi hình đầu gà được sản xuất tại lò gồm Tam Thọ trong giai đoạn thế kỷ 7 - 8. Ấm được làm từ đất sét trắng, được lọc kỹ. Men gốm mỏng chưa được phủ toàn thân, phần đế để mộc. Đặc biệt, vòi ấm trang trí hình đầu gà, con vật gần gũi của người Việt.

Điều gì đã khiến cho nghề gốm Tam Thọ hình thành, phát triển và nổi tiếng sớm như vậy? Phần chính là bởi khu lò gốm Tam Thọ nằm ở khu vực trung tâm đồng bằng Thanh Hóa, có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nghề gốm. Hệ thống các sông “Kênh Đô”, sông Hoàng, sông Lý, sông Nấp tạo ra những mỏ đất sét trắng vô cùng thuận lợi cho việc khai thác nguyên liệu sản xuất gốm. Các mỏ đất trắng này là kết quả trầm tích của phù sa sông cổ nói trên trong vùng thung lũng trước các đồi núi sót như: núi Đa Sỹ, núi Nấp, núi Hoàng Nghiêu...

Ngày nay, qua quá trình bồi lắng của hệ thống sông ngòi mà các bãi sét trắng đã mất dần. Tam Thọ, một thời sôi động và hưng thịnh là thế, nay chỉ còn trong các tài liệu lịch sử, các dấu tích còn sót lại.

Và những mong muốn

Ngày nay, về hai thôn Văn Vật và Tam Thọ, xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa) đến Khu Di tích lò gốm Tam Thọ dường như chúng ta có thể cảm nhận được hồn của gốm qua những mảnh vỡ với những đường nét, hoa văn còn sót lại.

Gốm Tam Thọ - vàng son một thuởMột chiếc bình gốm Tam Thọ được trưng bày ở Bảo tàng gốm Tam Thọ, phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa).

Giới thiệu với chúng tôi, ông Đào Mạnh Nghị, công chức văn hóa xã cho biết: "Theo các tài liệu để lại thì sản phẩm gốm Tam Thọ gồm có ba dòng: đồ gốm đất nung, đồ sành và đồ gốm tráng men; 18 loại hình hiện vật với các nhóm đồ đựng; vật liệu xây dựng; đồ minh khí; công cụ sản xuất; tượng động vật nhỏ... Hoa văn trên đồ gốm Tam Thọ rất đa dạng, có ít nhất 10 loại khác nhau; trong đó chủ đạo là hoa văn in ô trám; in ô vuông, hình hoa thị, xương cá hoặc lá dừa, phên đan, thừng, đắp nổi... Những con số ấy đủ để hậu thế có thể tưởng tượng ra không khí sản xuất của làng gốm Tam Thọ và sự khéo léo của các nghệ nhân gốm xưa".

Nếu Khu Di tích lò gốm Tam Thọ chỉ còn lại những mảnh gốm vỡ thì đến Bảo tàng gốm Tam Thọ ở phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều sản phẩm gốm Tam Thọ trong số gần 10.000 hiện vật đang trưng bày tại đây.

Các hiện vật gốm được trưng bày rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng, phản ánh được bề dày lịch sử, văn hóa và sự phát triển kinh tế và đôi bàn tay tài hoa của những người thợ làng nghề gốm Tam Thọ. Nhiều hiện vật có niên đại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 3 gắn liền với đời sống sinh hoạt của người xưa vẫn còn khá nguyên vẹn. Việc sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến gốm Tam Thọ - một di tích sản xuất gốm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, vào giai đoạn đầu công nguyên, đã chứng minh được sự giao thoa, tiếp biến văn hóa và sự bảo lưu truyền thống văn hóa Việt ở thời điểm đầu của thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc.

Bên cạnh việc trưng bày các hiện vật cổ phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của người dân, Bảo tàng gốm Tam Thọ còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm làm gốm giúp khách tham quan hiểu hơn về nghề truyền thống của ông cha, đồng thời trân trọng sự sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân dân gian. Lần đầu tiên thử với vật liệu đất, nước, bàn xoay... em Vũ Thu Quỳnh, học sinh lớp 9 Trường THCS Quang Trung rất ngạc nhiên và vui mừng khi được tự tay trực tiếp làm nên các sản phẩm gốm cho riêng mình.

“Năm 2004 Di tích lò gốm Tam Thọ đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học cấp tỉnh. Tuy nhiên, khu di tích lò gốm vẫn chưa có sự thay đổi về cách thức bảo quản, trưng bày... Cùng với thời gian, sự ảnh hưởng của thời tiết, tất cả rất có thể sẽ bị hư hỏng nhanh chóng. Hy vọng rằng, đề án khôi phục làng nghề gốm Tam Thọ, sẽ thực sự được quan tâm đầu tư", ông Đào Mạnh Nghị, công chức văn hóa xã Đông Vinh cho biết thêm.

Chúng ta vẫn hy vọng nếu có sự đầu tư sản xuất gốm kết hợp với khai thác du lịch giống như cách làm của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu... thì việc khôi phục nghề gốm sẽ thành hiện thực, làng gốm Tam Thọ sẽ là một điểm đến thú vị, hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm. Tuy vậy, giấc mơ làm sống dậy một nghề cổ nức danh có lẽ còn rất xa xôi, điều cần trước mắt là giữ gìn những giá trị của cha ông để lại, để khu di tích mỗi ngày không bị phủ bụi dày hơn, để con cháu còn có cơ hội nhìn thấy và hiểu rằng nơi đây đã từng có nghề gốm một thời sôi động và náo nhiệt.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]