(vhds.baothanhhoa.vn) - Khởi nghiệp ở lĩnh vực nào cũng có những khó khăn, thách thức, nhất là khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Bằng sự nỗ lực, kiên trì, ham học hỏi, những người trẻ ở các huyện miền núi nghèo xứ Thanh đã và đang tìm những lối đi riêng trên con đường khởi nghiệp và đã có những thành công ban đầu, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cộng đồng dân cư.

Khởi nghiệp vùng đất khó: Những người trẻ “dám nghĩ, dám làm”

Khởi nghiệp ở lĩnh vực nào cũng có những khó khăn, thách thức, nhất là khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Bằng sự nỗ lực, kiên trì, ham học hỏi, những người trẻ ở các huyện miền núi nghèo xứ Thanh đã và đang tìm những lối đi riêng trên con đường khởi nghiệp và đã có những thành công ban đầu, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cộng đồng dân cư.

Khởi nghiệp vùng đất khó: Những người trẻ “dám nghĩ, dám làm”Trà quýt hoi - sản phẩm từ Pù Luông của nhóm tác giả Hà Thanh Nhàn, Hà Hồng Nhung (Bá Thước) tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa, lần thứ X năm 2022 và đạt giải Nhất.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương

Tôi đã được nghe một bạn đoàn viên thanh niên trẻ tiêu biểu khởi nghiệp ở một huyện miền núi xứ Thanh chia sẻ rằng: Con đường khởi nghiệp vốn dĩ là con đường đầy khó khăn và càng khó khăn hơn với những bạn chọn khởi nghiệp ở miền núi. Địa bàn khó khăn, cơ sở hạ tầng, tốc độ tiếp cận thị trường, nhân sự... chậm. Nhưng, nếu biết tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương cùng sự kiên trì, dám nghĩ, dám làm thì khởi nghiệp ở vùng khó vẫn có thể thành công.

Bản Báng, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, là một trong những bản đẹp nhất thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, khí hậu nơi đây cũng trong lành, dễ chịu và đặc biệt người dân nơi đây thân thiện, mến khách. Được sự giới thiệu của chị Ngân Thị Luyện, Bí thư đoàn xã Thành Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lục Văn Cường (homestay Mạnh Cường), dân tộc Thái là người trẻ đầu tiên ở bản Báng làm du lịch cộng đồng và hiện là Bí thư chi bộ bản Báng. Anh Lục Văn Cường sinh năm 1987, đã có hơn 6 năm làm du lịch cộng đồng chia sẻ: “Bà con bản Báng trước đây chủ yếu là làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình tôi cũng vậy. Nhận thấy nhiều hộ làm du lịch cộng đồng trong vùng Pù Luông đã có cuộc sống ổn định, tôi suy nghĩ bản Báng mình mà làm du lịch thì chắc hẳn cũng sẽ thu hút du khách như các bản khác. Nghĩ là làm, năm 2017, gia đình tôi chuyển nhà từ cụm 1 ra cụm 2 bản Báng, dọc Quốc lộ 15C để sinh sống và học cách làm du lịch cộng đồng. Từ số tiền tích cóp cùng với bán nhà cũ, bán trâu bò và vay mượn của người thân, bạn bè với tổng số tiền khoảng 500 triệu đồng, tôi mua đất, dựng nhà, đầu tư cơ sở vật chất và bắt tay vào làm du lịch cộng đồng. Ngày 30-4-2018, gia đình tôi đón đoàn khách đầu tiên thành công. Vượt qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh, hiện nay gia đình tôi có 1 nhà sàn đón khách tập thể, 3 phòng riêng, 2 phòng vip thiết kế theo phong cách bản địa, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu của khách lưu trú. Những ngày cao điểm, gia đình tôi đón 50 lượt khách lưu trú. Hiện nay, bản Báng có 186 hộ, trong đó có 10 hộ đang làm du lịch cộng đồng. Tôi nghĩ, làm du lịch không chỉ mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình mà còn gắn kết cộng đồng, quảng bá quê hương đến với bạn bè trong và ngoài nước”.

Ở quê hương Bá Thước, nhiều người biết đến cây quýt hoi (quýt hôi), nổi tiếng nhất là xã Ban Công, Thành Sơn. Từ xa xưa, quýt hoi mọc tự nhiên trong rừng trên sườn núi cao, tại các bản xa hoang vắng. Quýt hoi có đặc điểm quả nhỏ, vỏ hơi sần sùi, ăn chua hơn các loại quýt khác, nhưng có hương vị thơm đặc trưng. Người vùng cao thường dùng vỏ quýt hoi làm trà uống để chữa bệnh ho hen. Tuy nhiên không phải vùng nào quýt hoi cũng phát triển được, mà chỉ có khu vực Pù Luông quýt ngon và nhiều hơn cả. Là những người con dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở nơi núi cao của quê hương Bá Thước, tuổi thơ của Hà Hồng Nhung và Hà Thanh Nhàn gắn liền với hình ảnh những mùa quýt hoi chín vàng. Quýt hoi sau khi thu hoạch được các hộ dân tại địa phương sơ chế bằng cách phơi khô tự nhiên để dùng. Sau khi nghiên cứu thành công sản phẩm trà quýt hoi, năm 2020, Công ty TNHH PuLuong Cuisine được thành lập bắt nguồn từ tâm huyết của những thanh niên trẻ là Nhung và Nhàn với mong muốn góp phần giữ gìn, phát huy nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực của quê hương Bá Thước, gắn với du lịch để quảng bá hình ảnh quê hương với bạn bè trong và ngoài nước. Đồng thời nắm bắt cơ hội của thời kỳ hội nhập, phát triển sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân bằng chính sản phẩm đặc trưng của quê hương mình. Trà quýt hoi - sản phẩm từ sườn núi Pù Luông của nhóm tác giả Hà Thanh Nhàn, Hà Hồng Nhung (Bá Thước) tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa, lần thứ X năm 2022 và đạt giải Nhất. Hiện nay, sản phẩm trà Quýt hoi - Tinh hoa ẩm thực Pù Luông đã nhận được sự tin dùng của khách hàng và trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

“Chắp cánh” cho thanh niên vùng khó khởi nghiệp

Nguyễn Trọng Vượng và Bàn Kiều Phương Chinh là những thanh niên đang sinh sống, làm việc tại huyện Quan Sơn. Họ nhận thấy nhiều sản phẩm đặc sản từ măng được người tiêu dùng ưa chuộng vì có chất lượng tốt. Cùng với đó, Quan Sơn có sản phẩm chè Tán Ma độc đáo được trồng nhiều nhất ở xã Trung Xuân, với hương vị, màu sắc đặc trưng… Tuy nhiên các sản phẩm măng, chè Tán Ma chưa phát triển, người tiêu dùng chưa tiếp cận được tới các sản phẩm đặc sản địa phương. Xuất phát từ điều kiện thực tế, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, năm 2021, Nguyễn Trọng Vượng và Bàn Kiều Phương Chinh cùng một số thanh niên trên địa bàn thị trấn Sơn Lư, Quan Sơn đã thực hiện dự án khởi nghiệp “Xây dựng quy trình chế biến, sản xuất và phát triển kinh doanh các sản phẩm đặc sản từ măng và chè Tán Ma huyện Quan Sơn”, với mong muốn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân bản địa, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Đồng thời quảng bá sản phẩm, con người và văn hóa địa phương tới khách hàng trong và ngoài nước, từ đó góp phần phát triển kinh tế các khu vực miền cao vốn đang gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là dự án tham dự cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa” năm 2021, đồng thời lọt tốp 110 dự án vào vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022 do Trung ương Đoàn tổ chức. Hiện nay, các sản phẩm măng, chè Tán Ma được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP, thu nhập của bà con cũng được nâng cao đáng kể. Hiện nay, nhóm tác giả thực hiện dự án đang tiếp tục phát triển sản phẩm theo hướng đồng hành cùng người dân đưa các sản phẩm bản địa vùng núi cao Quan Sơn đến với mọi miền.

Thời gian qua, để thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp tại các địa phương, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp xây dựng, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp; phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả. Từ những chương trình, mô hình, cuộc thi được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phát động, triển khai đã tạo động lực thúc đẩy, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm của thanh niên, xây dựng và hình thành các mô hình thanh niên khởi nghiệp. Nhiều mô hình kinh tế của thanh niên được hỗ trợ vốn, kỹ thuật đi vào sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả và nhân rộng trong thanh niên địa phương, tạo phong trào thi đua phát triển kinh tế sôi nổi của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

Vân Anh - Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]