Mật ong hoa rừng trên đất Bình Lương
Với lợi thế là xã có địa bàn rộng, người dân có truyền thống nuôi ong, từ năm 2022 đến nay, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương (Như Xuân) đã tập trung chỉ đạo tập hợp, liên kết những người dân nuôi ong lại với nhau để thành lập HTX, từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm Mật ong hoa rừng Đức Lương.
Sản phẩm OCOP Mật ong hoa rừng Đức Lương của xã Bình Lương có nhiều mẫu mã để đưa ra thị trường.
Đến thăm HTX Hợp Thành Bình Lương, được Giám đốc Lê Trọng Mai chia sẻ: "Nghề nuôi ong lấy mật của người trong thôn Hợp Thành đã có từ lâu. Do sống trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Bến En, tận dụng lợi thế nhiều cây rừng nên mỗi gia đình thường nuôi từ 2 đến 3 đàn ong để lấy mật. Nhận thấy mật ong tự nhiên có giá trị kinh tế cao, năm 2018, tôi đã cùng với 7 hộ nuôi ong trong thôn thành lập Câu lạc bộ Ong Bình Lương nhằm liên kết các hộ nuôi ong, chia sẻ kinh nghiệm và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến tháng 4/2022, thực hiện chương trình XDNTM, được cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương tuyên truyền, vận động, tôi cùng các hộ trong câu lạc bộ và những hộ nuôi ong trên địa bàn thống nhất thành lập HTX Hợp Thành Bình Lương, với 27 thành viên tham gia".
Từ khi HTX đi vào hoạt động, được sự hỗ trợ của chính quyền xã Bình Lương, anh Mai cùng với các thành viên đã đưa đàn ong vào nuôi tập trung và áp dụng các quy trình sản xuất ong theo khoa học - kỹ thuật. Trước đây, việc nuôi ong nhỏ lẻ phân tán, đến khi thu hoạch người dân thường vắt thủ công, nên sản lượng thất thoát nhiều, việc đóng chai cũng theo phương pháp truyền thống nên không được vệ sinh, dẫn đến chất lượng mật không đảm bảo. Nhưng từ khi tham gia HTX, các hộ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong lấy mật; cách tách ong chúa ra khỏi đàn để làm tổ mới, quy trình lấy mật bằng máy ly tâm nhằm giữ được chất lượng và hương thơm của mật.
Để mật ong có thương hiệu trở thành sản phẩm mang thương hiệu của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã chỉ đạo HTX Hợp Thành Bình Lương nghiên cứu mẫu mã chai, lọ, hộp và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm định về chất lượng; làm hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Trên sản phẩm Mật ong hoa rừng Đức Lương đều có mã QR để người tiêu dùng có thể kiểm tra xuất xứ sản phẩm. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã tạo điều kiện để HTX liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, tổ chức giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ hoặc tham gia trưng bày sản phẩm tại các gian hàng của xã ở các sự kiện do huyện, tỉnh tổ chức. Sau quá trình triển khai thực hiện áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đến tháng 8/2022, sản phẩm Mật ong hoa rừng Đức Lương của HTX Hợp Thành Bình Lương đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Hiện nay, HTX Hợp Thành Bình Lương đã có 47 thành viên là các hộ nuôi ong tham gia với 1.600 đàn ong mật, trung bình mỗi năm sản xuất từ 1.500 - 2.000 lít mật ong. Các hộ nuôi ong được yêu cầu phải đảm bảo chất lượng, phát triển sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Nhằm quảng bá sản phẩm để nhiều người biết đến nhãn hiệu Mật ong hoa rừng Đức Lương, HTX Hợp Thành Bình Lương đã đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số như zalo, facebook, tiktok, cùng với đó đầu tư thêm hệ thống lọc, máy quay mật ly tâm; tham gia hội thảo xúc tiến thương mại để mở rộng đối tác, doanh nghiệp. Bí thư Đảng ủy xã Bình Lương Lê Thị Quyên, cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương tiếp tục vận động các hộ trên địa bàn xã có diện tích đất rừng tham gia nuôi ong, để liên kết với HTX mở rộng diện tích, nhân rộng số đàn ong. Từ đó để thương hiệu sản phẩm Mật ong hoa rừng Đức Lương được vang xa đến mọi miền Tổ quốc, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng xã NTM Bình Lương ngày càng bền vững”.
Bài và ảnh: Minh Hiếu
- 2024-11-08 14:47:00
Giữ nghề truyền thống mắm tép Yên Dương
- 2024-11-03 14:45:00
Cổ Lũng phát triển các mô hình kinh tế để giảm nghèo
- 2024-09-24 08:56:00
Góp phần nâng cao vị thế cho thương hiệu Việt
[REVIEW OCOP] Mật ong Thành Kim: Ngọt ngào từ rừng núi Thạch Thành
Giữ vững thương hiệu sản phẩm ở thị trường nội địa
Vĩnh Lộc: Xây dựng thương hiệu cho làng nghề truyền thống
Người đưa lúa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của Mường Lát
Định vị thương hiệu từ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu
Thêm lựa chọn cho du khách khi đến Hoằng Hóa
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dưa vàng
Hội thảo: “An ninh – an toàn thực phẩm hướng đến du lịch xanh bền vững, chuyển hướng từ nhận thức đến hành động”