Máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đó
Độc giả Phạm Thanh Ngân hỏi: “Tôi hơi băn khoăn khi đọc bài “Máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đó” của PGS.TS Phạm Văn Tình đăng trên báo Thể thao Văn hóa (2020).
Để giải thích câu tục ngữ này, tác giả PGS.TS Phạm Văn Tình dẫn hai nguồn tài liệu; thứ nhất của Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt); và thứ hai của Việt Chương (trong Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam), sau đó đưa ra lời bình:
“Về cơ bản, các sách khi giải thích đều cho rằng câu tục ngữ trên là một nhận định (mang tính tổng kết) về một lẽ thường vẫn xảy ra trong đời sống. Đó là hành động của những kẻ “hám lợi cầu danh” khi xuất hiện những cơ hội, dù rằng cơ hội đó bắt nguồn từ nỗi đau hay rủi ro của người khác (được ví như hành vi bản năng kiếm ăn đặc trưng của loài ruồi khi xuất hiện “sự cố” máu chảy của ai đó, hay con vật nào đó). Sự đời ấy giống như câu thơ (trong bài “Thế tục”) của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thớt có tanh tao ruồi đổ đến/ Gang không mật mỡ kiến bò chi!”.
Sẽ không có gì đáng thắc mắc nếu như tác giả không viết tiếp như sau:
“Nhưng dân gian vẫn đang tồn tại một cách hiểu khác nữa.
Vì theo nhiều người, “máu chảy” ở đây hàm chỉ một “nỗi đau, hiểm họa” của ai đấy mà người đó lại chính là người thân thuộc (anh em trong gia đình, dòng họ, hay xa hơn là bạn bè, người quen trong cộng đồng). Khi có “máu chảy” (biểu hiện tường minh của tai họa) thì sẽ xuất hiện những người có tấm lòng tương thân tương ái, đứng bên cạnh để chia sẻ, giúp đỡ.
“Ruồi bâu” ở đây không phải để “hút máu” mà là “kịp thời có mặt để biểu thị tình cảm cũng như sự quan tâm cần thiết với một người trong cộng đồng đang gặp hoạn nạn”. Đó là hành động rất cần thiết, mang tình nhân ái, đậm tính nhân văn.
Chuyện thành ngữ, tục ngữ tồn tại và phân hóa thành 2 (hay nhiều) cách hiểu (lưỡng khả) âu cũng là chuyện bình thường. Đó mới chính là cuộc sống muôn màu khác biệt. Chính những biểu hiện của dân gian trong những tình huống cụ thể mà chúng ta có căn cứ tìm ra “đáp số”.
Tôi thấy “cách hiểu” mà PGS.TS Phạm Văn Tình đưa ra có gì đó khiên cưỡng. Tuy nhiên, tác giả viết đó là “theo nhiều người” và đưa vào ngoặc kép đoạn “Ruồi bâu” ở đây không phải để “hút máu” mà là “kịp thời có mặt để biểu thị tình cảm cũng như sự quan tâm cần thiết với một người trong cộng đồng đang gặp hoạn nạn”, mà không thấy dẫn nguồn cụ thể.
Vậy, xin chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết, cách hiểu mà PGS.TS Phạm Văn Tình đưa ra được ghi chép trong sách nào và có thể chấp nhận được cách hiểu đó không? Xin trân trọng cảm ơn”.
Trả lời:
1 - Về nguồn tài liệu
Như độc giả Phạm Thanh Ngân đã biết, Nguyễn Đức Dương (Từ điển Tục ngữ Việt) giải nghĩa câu này là: “Thấy máu chảy là ruồi sẽ theo ngay đến đó để bâu vào. Hay dùng để chỉ một lẽ thật: Ở đâu có lợi lộc là lũ hám lợi ắt đổ xô ngay tới đó (để tranh phần)”. Việt Chương (Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam) giải thích: “Máu vốn có mùi tanh tưởi nên hấp dẫn ruồi nhặng. Hễ có máu là có ruồi.
Nghĩa bóng câu này cho rằng hễ mình giàu có thì không thiếu bà con xa gần, bạn bè thân sơ đến bợ đỡ, kết thân; không mời, không gọi họ cũng tự động kéo đến”.
Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy một nguồn tài liệu khác, đó là cuốn Tục ngữ lược giải (Lê Văn Hòe), giảng là: “Nghĩa bóng. Câu này muốn nói giòng máu loang ra đến đâu là họ hàng bà con mình đến đấy. Nhiều khi dùng đến nghĩa này: họ hàng xa xôi đến đâu người ta cũng tìm đến nhận nhau đến đấy, như kiểu con ruồi bâu đến chỗ có máu”.
Không thấy bất cứ nguồn tài liệu nào chúng tôi có trong tay mang nội dung như PGS.TS Phạm Văn Tình trích dẫn và đưa vào ngoặc kép mà độc giả Phạm Thanh Ngân nêu.
2 - Cách hiểu nào chấp nhận được?
Theo chúng tôi, cách hiểu mà các cuốn từ điển của Nguyễn Đức Dương, Việt Chương và Lê Văn Hòe đưa ra đều có thể chấp nhận được, vì chúng có cơ sở về nghĩa đen và trong thực tế dân gian có sử dụng với nghĩa như vậy.
Riêng cách hiểu “Ruồi bâu” ở đây không phải để “hút máu” mà là “kịp thời có mặt để biểu thị tình cảm cũng như sự quan tâm cần thiết với một người trong cộng đồng đang gặp hoạn nạn” mà PGS.TS Phạm Văn Tình đưa ra, chúng tôi cũng cho rằng, băn khoăn của độc giả Phạm Thanh Ngân là có cơ sở. Bởi “ruồi bâu” đến các vết thương chảy máu, không thể hiểu là thể hiện “sự quan tâm cần thiết với một người trong cộng đồng đang gặp hoạn nạn” được; hơn nữa cũng không thấy nghĩa này được sử dụng trong thực tế.
Mẫn Nông (CTV)
- 2024-09-08 15:10:00
Hậu Lộc đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa
- 2024-09-08 09:06:00
“Tôi thấy mình may mắn”
- 2024-06-07 08:19:00
Ngôi làng cổ “đẹp nhất” Việt Nam
Bình chọn cho Du lịch Việt Nam tại World Travel Awards 2024!
Khi người dân chung tay xây dựng khu dân cư văn hóa
Câu hỏi vĩ đại thay đổi con tôi
Tri ân cuộc đời cao đẹp và đạo đức cách mạng của cụ Nguyễn Văn Tố
“Mỗi người một nắm thời đắm đò ông”
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Lo ngại quá sức ngân sách
Hoằng Hóa - điểm sáng trong giáo dục lịch sử địa phương
Cận cảnh Bảo vật Quốc gia Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc
Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Trung Quốc thu hút hơn 9 triệu lượt khách