(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với mục tiêu xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn “Từ nông trại đến bàn ăn” theo dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi (Lifsap), những năm qua Thanh Hóa đã đạt những kết quả tốt về xây dựng các nhóm GAHP và vùng chăn nuôi VietGap. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là chăn nuôi theo chuẩn GAHP nhưng đầu ra sản phẩm chẳng khác hộ nuôi thông thường...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lúng túng đầu ra sản phẩm chăn nuôi lợn theo dự án Lifsap

(VH&ĐS) Với mục tiêu xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn “Từ nông trại đến bàn ăn” theo dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi (Lifsap), những năm qua Thanh Hóa đã đạt những kết quả tốt về xây dựng các nhóm GAHP và vùng chăn nuôi VietGap. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là chăn nuôi theo chuẩn GAHP nhưng đầu ra sản phẩm chẳng khác hộ nuôi thông thường...

Lợi ích của người dân khi tham gia dự án LIFSAP

Mặc dù dự án LIFSAP mang lại hiệu quả rõ rệt và tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi được tham dự các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi - thú y áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho lợn, gà trong nông hộ. Bên cạnh đó, các hộ còn được hỗ trợ vật tư và thiết bị chăn nuôi, như: máng ăn, máng uống, đèn sưởi hồng ngoại, bình phun thuốc khử trùng, bảo hộ lao động... Nhờ đó, tính đến tháng 7/2017, toàn tỉnh đã có 1.125 hộ chăn nuôi lợn đạt chứng nhận VietGap nông hộ trong khuôn khổ dự án Lifsap.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu chúng tôi được biết, quá trình triển khai dự án tại một số địa phương trong tỉnh còn nhiều khó khăn như: Việc liên kết giữa các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn (GAHP) còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ nên sản phẩm đầu ra phân tán, bấp bênh, hiệu quả không cao. Việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ chỉ dừng ở việc lấy thí điểm. Người dân chưa có ý thức trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng mà chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước nên hầu hết sản phẩm chăn nuôi theo hướng GAHP đều bán như thực phẩm bình thường, hiệu quả kinh tế thấp...

Thịt lợn sạch phải bán... trôi nổi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay trên địa bàn huyện Yên Định dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm - LIFSAP được triển khai tại 2 xã: Định Tường và Yên Thọ với 184 hộ chăn nuôi lợn tham gia áp dụng theo quy trình VietGAHP. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân tham gia dự án trên địa bàn huyện thì: “Mặc dù là chăn nuôi theo chuẩn GAHP nhưng đầu ra sản phẩm chẳng khác hộ nuôi thông thường. Chúng tôi nuôi lợn sạch, định kỳ tỉnh về lấy mẫu kiểm tra vẫn đảm bảo đạt ATVSTP, nhưng vẫn chỉ bán được cho thương lái, chịu sự chèn ép giá cả... Từ sau Tết đến nay, giá lợn rớt liên tục, các hộ nuôi lỗ nặng. Chúng tôi không biết trông vào đâu nữa...”.

Nhiều hộ tham gia mô hình chăn nuôi lợn theo dự án Lifsap vẫn đang loay hoay tìm đầu ra.

Hay như ở huyện Triệu Sơn, dự án được triển khai ở hai xã là Nông Trường và Minh Sơn với 188 hộ tham gia, với tổng số 5.600 con lợn. Là một trong những hộ tham gia dự án này anh Nguyễn Văn Trọng, thôn 7, xã Nông Trường, cho biết: Việc tham gia chương trình này bước đầu đã có kết quả khả quan. Trước đây tôi nuôi lợn chủ yếu theo kinh nghiệm, khi thấy rảnh là cho lợn ăn, tiêm thuốc hay vệ sinh chuồng trại. Nhưng giờ khi tham gia dự án thì làm gì cũng đúng giờ giấc, định kỳ, có ghi chép hẳn hoi... Tuy nhiên, anh cũng cho biết dự án LIFSAP mới thực hiện được ở các khâu riêng lẻ, trong khi sự kết nối cả chuỗi vẫn chưa có. Hiện lợn bán ra vẫn thông qua hệ thống thương lái và bán bằng giá với lợn nuôi thông thường. “Tôi mong muốn cơ quan nhà nước có thể kết nối với các nhà giết mổ để tiêu thụ nhằm xây dựng thương hiệu cho lợn VietGAHP và LIFSAP tới tay người tiêu dùng để thịt lợn sạch phải có giá cao hơn” - anh Trọng nói.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trịnh Xuân Quý - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Định cũng thừa nhận đầu ra là một trong những vướng mắc lớn nhất của hệ thống chăn nuôi theo mô hình sạch. Theo ông, thực tế cho thấy, rất khó để có thể nhận diện một cách chính xác đâu là thịt lợn an toàn và đâu là thịt lợn nuôi công nghiệp. Lợn an toàn thường không có mẫu mã bắt mắt, tỷ lệ mỡ/ nạc lớn. Hơn nữa, giá thành loại thịt lợn này lại thường cao hơn lợn thường. Do đó, rất khó để có thể thuyết phục được người tiêu dùng lựa chọn mua thịt an toàn. Trong khi thương lái lại thường chạy theo lợi nhuận nên cũng ưa thích thu mua sản phẩm lợn nuôi công nghiệp hơn là các sản phẩm “sạch”.

Cùng chung quan điểm, ông Trần Lê Xuân Trường - Phó phòng NN&PTNT huyện Triệu Sơn, cho rằng: Nhà nước cần có chính sách cụ thể về xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, những chính sách vay vốn ưu đãi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho việc hình thành các chuỗi liên kết quy mô lớn cũng cần được chú trọng hơn. Hơn nữa, để giải quyết vướng mắc cho khâu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo công nghệ sạch, các địa phương cũng như các hộ tham gia dự án cần chú trọng tới khâu tuyên truyền để giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết các sản phẩm sạch, chứ không thể để “vàng thau lẫn lộn” mãi được.

Trong khi tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo vẫn diễn ra phức tạp khiến người tiêu dùng bất an thì thịt lợn sạch vẫn đang “loay hoay” tìm đầu ra. Đó là thực tế đang diễn ra đối với các hộ chăn nuôi tại các vùng thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) được tài trợ bởi dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Dự án Lifsap). Dù quy trình chăn nuôi đã đạt chuẩn VietGAP, nhưng thịt lợn sạch phần lớn vẫn phải bán trôi nổi trên thị trường.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]