(vhds.baothanhhoa.vn) - Thông qua những lần tâm sự và nhất là sau khi đọc kỹ những bài thơ trong tập thơ, tôi bỗng nhận ra trong Phạm Xuân Quý, ngoài trí tuệ về khoa học - kỹ thuật thủy lợi, còn có một tâm hồn thơ dung dị nhưng không kém phần mãnh liệt.

Một hồn thơ dung dị

Thông qua những lần tâm sự và nhất là sau khi đọc kỹ những bài thơ trong tập thơ, tôi bỗng nhận ra trong Phạm Xuân Quý, ngoài trí tuệ về khoa học - kỹ thuật thủy lợi, còn có một tâm hồn thơ dung dị nhưng không kém phần mãnh liệt.

Một hồn thơ dung dị

Hầu hết những bài thơ trong tập thơ đều là những dòng tự sự mang nhiều hoài niệm về những ngày tháng đã qua, về những miền quê đã đi và đã gặp, những công việc, đặc biệt là những dòng sông và công trình thủy lợi. Không nghĩ rằng những kỷ niệm mà anh ghi nhớ lại nhiều chất thơ đến vậy:

Cô gái Hà Lương ngày năm ấy

Cho tôi quá giang trên thuyền chài

Tôi được cùng em đi kéo lưới

Cá bạc đầy khoang nắng ban mai…

(Một chuyến quá giang)

Sông Mã xứ Thanh, những thập niên 60, 70 thế kỷ trước, có rất nhiều làng chài mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, với nhiều loại ngư cụ giản đơn như: lưới quăng, lưới vây, lưới bén hoặc vó bè… Trên đoạn sông Mã mà tác giả muốn qua, dân chài nơi đây thường dùng lưới vây và lưới bén. Khi thả lưới xong thì chèo thuyền nhỏ ngược lên phía thượng lưu dòng sông chừng độ vài trăm mét, lúc đó vừa chèo ngang, chèo dọc theo dòng chảy vừa gõ tấm ván trên thuyền phát ra tiếng lanh canh để xua cá vào lưới, việc này cũng mất chừng 2 tiếng đồng hồ. Tác giả không có được trải nghiệm lớn lao của nhà thơ Huy Cận trong “Đoàn thuyền Đánh cá”:… Ta hát bài ca gọi cá vào/ Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao/ Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào…, nhưng ít nhiều anh cũng đã khắc họa được những hình ảnh mưu sinh của những người dân chài một thuở, dễ mấy ai không từng biết ở một vùng quê. Anh được cô gái làng chài cho quá giang đấy, nhưng đâu có được sang bờ ngay tức khắc, bởi công việc của cô còn đang dang dở. Đi cùng cô trên con thuyền nhỏ, anh cùng cô kéo lưới lên rồi bắt từng con cá mắc lưới bỏ vào khoang trong ánh nắng ban mai mà cảm thấy rất vui và cũng để quên đi khoảng thời gian chờ đợi. Có lẽ hôm ấy mẻ lưới của cô thu bộn cá, nên mặc dù mồ hôi nhễ nhại nhưng đôi mắt cô vẫn ánh lên nụ cười lung linh trong nắng:

Nhìn thấy em cười, đôi mắt biếc

Lung linh trời xanh, nước sông xanh

Dẫu chậm sang bờ, đâu quản ngại

Lòng còn ấm mãi với tình quê.

(Một chuyến quá giang)

Xuyên suốt tập thơ, có thể thấy trong tâm hồn Phạm Xuân Quý có nhiều trăn trở đa mang, không riêng gì đối với nghề nghiệp thủy lợi của anh mà còn đối với những gì đang hàng ngày diễn ra trong cuộc sống đương đại. Chúng ta hãy nghe anh tâm sự:

… Bốn chục năm ròng tôi mải miết ra đi

Làm thủy lợi với bao niềm trăn trở…

Mới thấu hiểu sông bên bồi, bên lở

Mỗi khúc sông - Một khúc ngoặt cuộc đời…

(Dòng sông và cuộc đời)

Nghề thủy lợi của anh cũng có những thời hoàng kim, đó là các đại công trường thủ công xây dựng hệ thống tiêu úng Thống Nhất - Quảng Châu; sông Lý, sông Hoàng, hồ Yên Mỹ, sông Mực, rồi đến hồ Cửa Đạt và nay là đập ngăn mặn sông Lèn. Gian nan vất vả nhiều lắm, kể cả sự hy sinh, nên đã phải thốt lên:

Làm nghề thủy lợi em ơi!

Gian nguy trước mắt, nụ cười sau lưng…

(Nghề thủy lợi)

Nhìn em đẩy máy, thả neo

Mồ hôi bết tóc nắng chiều tơ hong…

(Trên hồ Bến En)

Tôi không làm nghề kỹ thuật xây dựng, nên không hiểu về cát đùn cát chảy là thế nào. Nhưng các anh đã phải trăn trở nhiều đêm không ngủ để đưa ra phương án xử lý, đảm bảo ổn định cho con đập chính bằng đất bazan trên nền cát, đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngày nay hồ chứa nước Yên Mỹ, với lượng nước chứa khoảng 100 triệu mét khối đã và đang cấp nước cho khu kinh tế động lực phía Nam của tỉnh và đảm bảo cảnh quan sinh thái cho thị xã Nghi Sơn, dễ gì anh quên đi được những ngày vất vả gian nan ấy:

Công trường xây hồ Yên Mỹ mở ra

Lực lượng dân công đến từ 6 huyện

Khoảng hơn 9.000 người trên tuyến

Đắp đập, xây hồ bằng thủ công…

(Điều tôi muốn nói cùng anh)

Dĩ nhiên làm thủy lợi, cũng không thể không biết tới thiên văn địa lý, những hiện tượng thời tiết cực đoan mà anh đã hàm chứa trong các bài thơ: Cầu vồng và tia chớp, Tản mạn về mưa, Tản mạn về mây, Tản mạn về sao trong tập thơ này.

Bên cạnh những tâm huyết với nghề thủy lợi, Phạm Xuân Quý cũng còn nhiều trăn trở với những gì đã và đang xảy ra trong cuộc sống đời thường. Đó là những ngành nghề truyền thống đang dần mai một, những cảnh đẹp đang dần mất đi, có lẽ nào không ảnh hưởng đến nền kinh tế:

Quê hương ơi nhớ thuở nào!

Nương dâu xanh mướt vùng cao nuôi tằm…

… Bây giờ nghề đã một, mai

Vẫn còn câu hỏi… nối dài tháng năm.

(Nghề dâu tằm)

Hay: Cà phê nơi đây

Giờ không trồng nữa

Chỉ còn hoa nở

Trong miền riêng tôi.

(Hoa Cà phê)

Trong bài thơ “Dòng sông cát chảy”, điều anh luôn băn khoăn về dòng sông tự nhiên của xứ Thanh, những dòng sông đã góp phần làm nên một vùng đất địa linh nhân kiệt, biển bạc rừng vàng:

Sông ngày, đêm cần mẫn đắp bồi

Nên những cánh đồng bờ xôi, ruộng mật

Những bờ biển xanh trập trùng ngút mắt

Đế có ngày vươn dáng đứng xứ Thanh.

Nhưng những dòng sông ấy, hiện đang bị cát tặc khai thác không phép ngày đêm, làm cho lòng sông bị xói sâu, bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng lớn đến công trình đê điều:

Và những dòng sông xanh mát xứ Thanh

Đang trở thành những dòng sông cát chảy…

Để rồi bất cứ ai tâm huyết với nghề thủy lợi, không thể không xót xa trước những cảnh huống đang xảy ra trước mắt:

Bờ biển, bờ sông mỗi ngày thêm xói lở

Phần do bão lũ, phần do con người.

Rồi những mất mát không thể nào lấy lại được:

Xứ Thanh đã mất đi những bờ biển đẹp

Diêm Phố, Ba Làng và cả chợ Mom.

Cuối cùng là câu hỏi vô cùng day dứt của anh cho hiện tại và cả tương lai:

Giải pháp nào cứu dòng sông cát chảy

Hỡi những nhân kiệt xứ Thanh?

Hay trong câu chuyện xoay quanh nhân vật cô giáo Nguyễn Thị Lệ và 63 đồng đội đã hy sinh trên công trường Hàm Rồng - Nam Ngạn ngày 14-6-1972:

Máu, thịt, xương trộn trong bùn đất

Chẳng có một ai còn vẹn nguyên

64 người trong đó có em

Chỉ còn là những nắm đất không tên.

Với tâm hồn đa cảm, Phạm Xuân Quý đã đau nỗi đau đồng loại và cả của những người trong cuộc, thật da diết:

Lời hẹn nghe còn vẳng bên tai

Nhưng đã không còn nữa - em tôi

Kể từ sáng ấy em đi mãi

Đau đớn khôn nguôi mẹ, cha già.

Cho đến tận bây giờ, những người con của Hàm Rồng - Nam Ngạn vẫn còn nhớ như in vụ tàn sát đẫm máu của giặc Mỹ, mặc dù mãnh đất này đã được hồi sinh:

Năm mươi năm rồi tôi vẫn nhớ

Hàm Rồng - Nam Ngạn vẫn còn đây

Mối thù thảm sát sao quên được

Dẫu đã hồi sinh mảnh đất này.

Đọc kỹ bài thơ này, tôi rất đồng cảm với những suy nghĩ của anh. 64 giáo viên và học sinh đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ và chiến công của họ cũng không kém gì 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc và 13 thanh niên xung phong ở Truông Bồn, họ xứng đáng được vinh danh hơn thế nữa, bằng một quần thể di tích lịch sử và tâm linh trên vùng đất, vùng trời Yên Vực - Đồi C4 - Hàm Rồng - Nam Ngạn, để lại cho muôn đời con cháu và tôi rất đồng tình với anh:

Ước nguyện nơi đây thành di tích

Như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn

Xứ Thanh sưởi ấm lòng du khách

Lịch sử Hàm Rồng mãi lừng danh.

Được biết Dự án Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh tại đê sông Mã, phường Nam Ngạn (ngày 14-6-1972), đã khởi công xây dựng trên diện tích 2,05 ha, theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 19-1-2023. Như vậy ước nguyện của anh đang dần trở thành hiện thực.

Trong toàn bộ tập thơ 54 bài, phần lớn anh viết thiên về thể thơ lục bát (19 bài), thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn và tứ ngôn (20 bài), còn lại là viết theo lối tự do (15 bài). Có thể nói trong thơ anh cũng giàu chất nhạc, đó là các bài viết theo thể tứ ngôn, nghe phảng phất như tiếng hát đồng dao, các bài viết theo thể tự do, đọc lên nghe cũng có nhiều cung bậc cảm xúc như bài “Tình cây và nước”:

Nghe câu hát tình cây và đất

Tôi mơ màng ngỡ tình nước và cây…

…Ta đến với rừng, rất quen mà rất lạ

Nghe nôn nao nước cựa dưới chân mình.

Tuy nhiên thơ Phạm Xuân Quý đôi chỗ còn hiền quá, thật quá, chưa có nhiều đột phá và cũng không tránh khỏi những hạt sạn. Mong rằng tác giả yêu hơn, say hơn, chắc chắn sẽ góp nhặt cho đời những tác phẩm thơ hay và trân quý cho bạn đọc.

HUY TRỤ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]