Một thời chợ Bạng
Nói về nghề buôn bán nông thổ sản, hải sản gắn với các chợ trong vùng, dân gian vùng phía Nam huyện Tĩnh Gia xưa vẫn còn nhắc nhớ: “Rủ nhau buôn lúa chợ Nưa/ Buôn muối chợ Bạng, buôn dưa chợ Còng”.
Chợ truyền thống. (Ảnh minh họa)
Chợ Bạng nằm trên địa phận làng Khánh Trạch, xã Bình Minh, nay là tổ dân phố Thanh Khánh, phường Bình Minh, thị xã Nghi Sơn. Phường Bình Minh trước năm 1945 là xã Nguyên Bình, đến tháng 9/1954 có tên là Bình Minh. Trước đây xã có 10 thôn, chợ Bạng thuộc thôn 10 có tên là làng Khánh Niên, tên nôm là Khánh Trạch, vì vậy chợ Bạng còn gọi là chợ làng Khánh.
Chợ Bạng có từ thế kỷ XV, tháng 4 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh tông cho thuyền nghỉ lại nơi đây và cảm hứng có bài thơ Du hải môn lữ thứ (nghỉ lại ở cửa bể Du) có câu: “Bà sa lệ ngạn ngư thôn võng/ Thiều đệ nghênh phong cổ khách thuyền...” (dịch thơ: Lưới chài phần phật treo đầu bãi/ Thuyền khách vời xa đón gió trời). Qua lời thơ của vị vua anh minh, văn võ song toàn, chứng tỏ bấy giờ nghề đánh cá và buôn bán ở đây đã phát triển.
Chợ Bạng tọa lạc ở gần ngã ba sông Lạch Bạng đổ ra biển nối liền với những đường thủy giao thương buôn bán. Bên chợ có phủ thờ Thánh Mẫu là người có công tìm kiếm thuốc cỏ chữa bệnh cho dân trong vùng, về sau rước Liễu Hạnh - Mẫu nghi thiên hạ thờ trong cung cấm, bên cạnh phủ mẫu là chùa Thiên Vương thờ Phật. Tại ngã ba sông này có một nhánh chảy ngược lên phía Bắc xưa gọi là kênh Trầm nối với sông Yên, còn gọi là sông Ghép thuộc huyện Quảng Xương, thông với sông Mã, theo kênh Trầm cư dân vùng này thường dùng thuyền mành chở nước mắm ra Nam Đinh và Thăng Long để buôn bán; một nhánh chảy về phía Tây ngược lên núi Tĩnh Gia và tỉnh Nghệ An, nơi có nhiều lâm thổ sản theo thợ sơn tràng khai thác để xuôi về chợ Bạng bán cho ngư dân và chở cá muối đến với bản làng miền núi và dòng chính đổ ra biển. Chợ Bạng nằm ở vị trí đắc địa, khu vực tụ cư và sinh sống, người dân nơi đây có tự lâu đời. Làng Khánh Trạch nói riêng và xã Bình Minh nói chung vốn là vùng đất trù phú, làm ăn thuận lợi. Về cư dân, ngoài cư dân bản địa chuyên nghề làm ruộng, đánh cá và khai thác lâm thổ sản, với địa thế thông thương vào Nam, ra Bắc cả đường thủy và đường bộ, trải qua thời gian vùng đất nơi ngã ba sông Bạng này đã thu hút người dân từ nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp. Đơn cử như dòng họ Phạm Văn từ Nghệ An ra sinh cơ lập nghiệp vào thế kỷ XVIII, đem theo nghề làm muối; họ Lại Hữu từ Nga Sơn vào cách đây khoảng 300 năm vốn có kinh nghiệm và giỏi sản xuất hoa màu trên vùng đất cát pha; họ Vũ Trọng từ Hải Dương, Hưng Yên vào rất đông làm nghề chài lưới và đánh bắt hải sản... cùng cộng cư vừa trồng lúa, trồng khoai sản xuất nông nghiệp, vừa làm diêm nghiệp sản xuất muối, vừa làm nghề chài lưới và có một bộ phận làm nghề buôn bán cùng chung sức xây dưng làng, xã ngày càng trù phú.
Chợ làng Khánh Trạch mang tên chợ Bạng - viên ngọc sáng, không chỉ bởi địa thế tọa lạc ngay bên bờ sông Lạch Bạng thuận lợi cho việc buôn bán “nhất cận thị, nhị cận giang”, mà gắn liền với dòng sông ở khu vực này có rất nhiều loài trai mang ngọc. “Bạng” chính là tên của loài trai mang ngọc được đặt tên cho dòng sông và chợ Bạng nơi đây. Từ xa xưa, chợ Bạng không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi sinh hoạt của đời sống cộng đồng, mang nét văn hóa, kinh tế riêng biệt của vùng đất Nam Thanh - Bắc Nghệ.
Khánh Trạch trên chợ, dưới sông
Thuyền bè tấp nập theo dòng vào ra.
Chợ Bạng sát ngay phủ Mẫu và gần chùa gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt nói chung và cư dân nơi dòng Bạng giang đổ ra biển. Phật giáo là một trong ba tôn giáo và hệ tư tưởng chính trong đời sống của người Việt (Nho, Phật, Lão). Chùa Thiên Vương - chợ Bạng cho thấy đạo gắn liền với đời, ảnh hưởng tới mọi hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội của cư dân nơi đây. Chợ Bạng cũng có nét tương đồng với nhiều chợ ven sông, ven biển khác ở xứ Thanh như chợ Mon (Quảng Nham, Quảng Xương), chợ Chùa (Hoằng Phượng, Hoằng Hóa)... là những nơi đông dân, gần các bến sông, chợ họp gần nơi thờ tự tâm linh như chùa, đền, đình, phủ... trong không gian vừa linh thiêng, vừa thuận lợi, kết hợp mua sắm lễ vật, đồ thờ dâng lên Phật điện, Phủ thờ và thỉnh cầu các vị Phật thánh linh thiêng phù hộ độ trì cho nhân khang, vật thịnh, bán mua thuận lợi, hanh thông, nhà nhà no đủ.
Nằm ở vùng đồng bằng ven biển, có dòng Bạng giang đổ ra biển rộng, cuộc sống của người dân nơi đây gắn chặt với sông nước, biển cả và sản xuất nông nghiệp trồng lúa, trồng màu. Trước năm 1945 phương tiện đi lại chủ yếu của người dân nơi đây là những con thuyền, những chuyến đò ngang, đò dọc để đi lại từ nơi này sang nơi khác. Bữa ăn thường ngày của cư dân nơi cuối sông đầu biển ở đây là: “cơm - cá - rau”. Vì vậy, cùng với nghề nông trồng lúa và hoa màu cung cấp lương thực, thì việc cung cấp thực phẩm chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh cá trên sông và trên biển mang lại. Chính yếu tố sông nước và yếu tố tâm linh: gần sông nước, gần nơi thờ Mẫu và thờ Phật... ảnh hưởng sâu sắc và làm nên những nét riêng có của chợ Bạng.
Chợ Bạng truyền thống trở thành chợ lớn khu vực phía Nam của phủ Tĩnh Gia. Ban đầu họp trên bãi đất cát ven sông, gần phủ Mẫu và chùa Thiên Vương, về sau chợ được dựng những gian hàng bằng tre nứa lợp mái lá, trên nền đất nện đặt chõng tre bày bán lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng và cả công cụ thiết yếu cho cuộc sống và sản xuất của người dân trong vùng. Chợ Bạng xưa là chợ phiên họp vào buổi sáng các ngày mùng một, mùng năm, mười lăm và hai lăm hàng tháng, về sau chuyển sang họp chợ chiều hàng ngày: “chợ hôm”. Chợ đông vui, tấp nập nhất là vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng và ngày tết, chỉ cần tới cổng chợ đã thấy ngay không khí rộn ràng náo nhiệt. Hàng hóa ở chợ chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, cá, muối, củi, gỗ, hàng mây tre đan, vải và hàng tạp hóa dân dụng với 5 - 7 sạp hàng của các bà hàng xén trong làng xã. Chợ Bạng có các sản phẩm vừa ngon, vừa rẻ được người dân trong vùng nhắc nhớ: “Chợ Bạng lắm cá nhiều phi/ Bỏ công, bỏ việc mà đi chợ chiều”, hay “Nhắn ai đi ngược về xuôi/ Ghé thăn chợ Bạng muối ngon tuyệt vời”.
Ngoài buôn bán ở chợ, một số người chuyên mua cá vừa bán ở chợ nhà, vừa gánh cá chạy đến các chợ trong vùng như chợ Còng, chợ Thông, chợ Dừa... kết hợp bán nước mắm ở chợ và bán rong trong các làng làm nông nghiệp và vùng núi trong phủ Tĩnh Gia. Cùng với buôn bán ở chợ nhà, một số hộ dân làng Khánh Trạch chuyên buôn biển, kết hợp hoặc làm công cho Chánh Thành là nhà buôn lớn ở làng đối diện với Khánh Trạch chở hàng bằng thuyền, đem hải sản, nước mắm và muối của vùng này theo đường sông và đường biển ra tận Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hà Nội để bán, khi trở về chở theo lúa gạo, vải, chiếu cói, đồ gốm sứ, hàng tạp hóa... để bán ở chợ Bạng và các chợ trong vùng. Đặc biệt, một vài hộ có điều kiện sắm thuyền to, mua gỗ phiến từ làng Vằng, làng Thông thuộc các xã Tùng Lâm, Tân Trường, phía Tây Nam của phủ Tĩnh Gia và các huyện ở Nghệ An giáp với Tĩnh Gia chở theo đường sông về chợ Bạng bán để đóng thuyền, gỗ làm nhà và đóng đồ. Một số hộ buôn bán luồng nứa đóng bè theo đường sông về bán cho các hộ làm nhà tranh tre, đan thuyền thúng... Khi thực dân Pháp xây dựng đường sắt Bắc - Nam thông thương, một số hộ trong làng và trong vùng đi buôn nâu, buôn gai từ Quảng Bình, Hà Tĩnh theo đường xe lửa đem về bán cho dân chài đánh cá nhuộm buồm, đan lưới và nhuộm quần áo nâu.
Chợ Bạng còn có hát xẩm dân gian truyền thống. Đúng như tên gọi, “xẩm chợ” được biểu diễn ngoài chợ, nhất là những buổi chợ đông do những người có hoàn cảnh đặc biệt, họ không có khả năng làm việc kiếm tiền như những người bình thường khác. Người thường xuyên hát xẩm ở chợ Bạng là mẹ con bà Chinh Đình, quê quán ở làng Thủ Vầy xưa, nay là thôn Đại Thủy, xã Trúc Lâm cách chợ độ nửa ngày đường. Mẹ con người hát xẩm thường ngồi góc chợ trong những ngày phiên với cây đàn nhị và chiếc trống con họ vừa kéo đàn, đánh trống vừa hát. Những người đi chợ cảm thương với thân phận gầy mòn của mẹ già, con trẻ mà bố thí, đặt vào chiếc nón rách cho họ một đồng chinh, vài hào bạc lẻ hay mấy củ khoai, con cá để họ cầm cố qua ngày. Dẫu vậy, hát xẩm gắn bó với chợ Bạng, đến nay “xẩm chợ” vẫn được những người cao tuổi nhắc đến và hoài niệm khi nhớ về chợ Bạng một thời đã qua.
Từ bao đời nay đối với người dân quê bên bờ Bạng giang đổ ra biển lớn, chợ truyền thống không chỉ là nơi để mua bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, tâm sự, gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
Trải qua thăng trầm lịch sử, chợ Bạng vẫn giữ được nét riêng truyền thống, vừa có những cải đổi để thích nghi với thời cuộc. Ngày nay, chợ Bạng bày bán đủ các loại mặt hàng, nhưng chủ yếu vẫn là các sản phẩm của người dân tổ dân phố Thanh Khánh, phường Bình Minh và các địa phương lân cận như lúa gạo, khoai đậu, các loại rau, củ, mắm, ruốc, cá, tôm khô, mực khô, củi, than... Vào những ngày rằm và mùng một, người đi chợ thường đông hơn, vì những người này ngoài việc đi chợ mua sắm thực phẩm, đồ dùng cho gia đình mình, họ còn kết hợp đi lễ tại phủ và chùa bên chợ. Lễ chùa, lễ phủ cầu may chính là một trong những tín ngưỡng tâm linh, nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Thanh Khánh và cư dân trong vùng được lưu truyền từ nhiều đời nay.
Trong thời kỳ phát triển và hội nhập, ngày càng có nhiều chợ hiện đại, trung tâm thương mại lớn ra đời, song chợ Bạng - chợ truyền thống vẫn đóng vai trò, vị trí quan trọng trong cuộc sống của người dân nơi cuối sông đầu biển ở thị xã trẻ Nghi Sơn này.
Hoàng Minh Tường (CTV)
- 2024-09-08 15:10:00
Hậu Lộc đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa
- 2024-09-08 09:06:00
“Tôi thấy mình may mắn”
- 2023-12-06 14:57:00
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 6-12-2023
Bá Thước phát huy giá trị Lễ hội Mường Khô
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 5-12-2023
Nghĩa đen câu tục ngữ “Cậy thần phải nể cây đa”
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 4-12-2023
Hoa hậu Mai Phương chính thức khởi động đường đua Miss World 2023
Nền kinh tế chia sẻ thay vì băn khoăn hãy ủng hộ
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 3-12-2023
Du lịch nông thôn: Hướng đi bền vững trong xây dựng nông thôn mới
Trải nghiệm hương sắc Thường Xuân