Người dân Pom Ca Thảy và nỗi lo sạt lở
Con đường dẫn vào Pom Ca Thảy, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện (Quan Sơn) nay được trải một lớp nhựa mới, có cầu cứng bắc qua sông Luồng, người dân nếu ra trung tâm xã hoặc huyện làm giấy tờ, thăm khám, chữa bệnh hay trẻ em đi học không còn vất vả như trước nữa. Tuy cuộc sống đã bớt nhọc nhằn, không còn thiếu đói mùa giáp hạt nhưng vẫn còn lắm gian nan. Không chỉ có vậy, trăn trở lớn nhất lúc này của dân bản là nỗi lo sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là mỗi khi mưa lớn. Đó là do người dân nơi đây đang sinh sống dưới chân một quả đồi lớn, gần đây xuất hiện nhiều vết nứt phía trên khiến đất đá, cây trên đồi thường xuyên sạt trượt xuống ngay cạnh nhà ở, nhà văn hóa.
Người dân Pom Ca Thảy chủ yếu sinh sống dọc quả đồi, nguy cơ sạt lở mùa mưa bão rất lớn.
Mỗi khi mưa lớn, không chỉ gia đình anh Lộc Văn Ninh (43 tuổi, dân tộc Mường) mà các hộ dân còn lại của Pom Ca Thảy đều cảm thấy canh cánh nỗi lo đêm không dám ngủ vì sinh sống dọc chân đồi có nguy cơ sạt lở thường trực. Theo anh Ninh, người dân sinh sống ở đây trải qua nhiều thế hệ nhưng chưa bao giờ thấy xuất hiện tình trạng nứt trên đồi như thế này. Điều nguy hiểm là những vết nứt, sụt lún xuất hiện nhiều và ngày càng rộng thêm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở và đe dọa đến sự an toàn tính mạng cũng như tài sản của bà con sống dưới chân núi.
Dẫn chúng tôi đi thực tế quả đồi, anh Lương Văn Kiêm, bí thư kiêm trưởng bản Xuân Sơn cho biết, ở khu Pom Ca Thảy chủ yếu là đồng bào Mường sinh sống, kinh tế phụ thuộc vào khai thác lâm sản ngoài gỗ từ cây luồng, nứa, vầu và một số lâm sản phụ khác, chăn nuôi nhỏ lẻ nên cũng chỉ đủ tự cung tự cấp trong gia đình. Cuộc sống còn nhiều thiếu thốn cộng thêm nỗi lo đồi bị nứt, dễ sạt trượt khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an, nhất là khi mùa mưa bão đã đến gần. Mong mỏi lớn nhất của các hộ dân là Nhà nước sớm bố trí, xây dựng khu tái định cư mới để yên tâm sinh hoạt, lao động và sản xuất.
Mong mỏi lớn nhất của bà con khu Pom Ca Thảy là Nhà nước sớm bố trí được nơi ở mới để họ yên tâm sinh hoạt, sản xuất.
Tại khu Pom Ca Thảy, theo đánh giá của ngành chức năng, sườn và đỉnh đồi phía sau khu dân cư xuất hiện nhiều vết nứt dọc từ trên đồi xuống có chiều dài trung bình 300m, rộng 3 - 7cm có nơi từ 10 - 15cm, sâu vào trong lòng đất. Ngoài ra, có nhiều vết sụt lún ngang với các vết nứt có chiều cao trung bình 1 - 1,5m, có vết sụt trên 3m, chiều dài vết sụt lún khoảng 200m khiến nhiều cây bị nghiêng, đổ, gãy. Bề mặt đất bị vỡ, nứt rất dễ sạt lở khi có mưa kéo dài hoặc mưa lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến 39 hộ dân và 159 nhân khẩu đang sinh sống phía dưới chân đồi, cũng như toàn bộ nhà cửa, hoa màu, đất sản xuất, đường giao thông, kênh mương, đường điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, khu thể thao của bản Xuân Sơn.
Ngày 17/11/2023, UBND huyện Quan Sơn đã có Văn bản báo cáo số 449/BC-UBND về việc đề xuất dự án bố trí dân cư cấp bách năm 2023 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa để báo cáo UBND tỉnh. Theo đó, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, trong năm 2024 - 2025 đề án sẽ triển khai thực hiện khu tái định cư Pom Ca Thảy, bản Xuân Sơn, quy mô 2,5ha với tổng mức đầu tư dự kiến trên 14 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh. Dự án hoàn thành giúp từng bước ổn định đời sống cho người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Phát huy hiệu quả của đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, XDNTM và củng cố an ninh, quốc phòng... Tuy nhiên, do huyện chưa có kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng, bố trí khu tái định cư mới, đến nay các hộ vẫn cố gắng bám trụ, sinh kế nơi ở cũ.
Một vết nứt trên đồi Pom Ca Thảy, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, Quan Sơn.
Ông Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện, cho biết, sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh, phòng ban chuyên môn của huyện đã kiểm tra, khảo sát, nắm bắt thực trạng, tiến hành lên phương án xử lý sự cố. Để người dân có thể yên tâm sinh sống, làm việc bình thường như trước đây, trước mắt xã thành lập một đội xung kích với gần 10 thành viên chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát khu vực đồi bị nứt, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, cắm cọc tiêu, biển cảnh báo... để người dân chú ý phòng tránh. Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trong khi mùa mưa bão đang đến gần, nếu không được xử lý kịp thời, nguy cơ cao sạt lở sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của các hộ dân.
Bài và ảnh: Lê Viết
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-07-20 08:40:00
Câu chuyện an cư
Bản tin Tài chính 20/7: Giá vàng quay đầu “lao dốc”
Để “Người Thanh Hóa đi du lịch Thanh Hóa”
Sôi động sân chơi bổ ích cho thiếu nhi dịp hè
Người nặng lòng với nghề thêu của dân tộc Dao
Thị trường sách giáo khoa 2024: Nguồn cung dồi dào, giá thành giảm
Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông ở Mường Lát
Cảnh giác trước chiêu trò “vay tiền bằng iCloud”
Đóng góp trên 50 tỷ đồng xây dựng quê hương
Xua tan nghi ngờ