(vhds.baothanhhoa.vn) - Kể từ gần 5 năm trở về trước, ngày 1/7/2013 là ngày đáng nhớ nhất của rất nhiều người dân trên địa bàn 19 xã, thị trấn thuộc các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thiệu Hóa khi được sáp nhập về TP Thanh Hóa. Từ cảm giác bỡ ngỡ, e dè của những ngày đầu, giờ đây người dân đã tự tin, bắt nhịp nhanh với cuộc sống của người dân thành phố.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyển biến ở những xã sau khi sáp nhập về thành phố

Kể từ gần 5 năm trở về trước, ngày 1/7/2013 là ngày đáng nhớ nhất của rất nhiều người dân trên địa bàn 19 xã, thị trấn thuộc các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thiệu Hóa khi được sáp nhập về TP Thanh Hóa. Từ cảm giác bỡ ngỡ, e dè của những ngày đầu, giờ đây người dân đã tự tin, bắt nhịp nhanh với cuộc sống của người dân thành phố.

So với mặt bằng chung của những xã sáp nhập về thành phố thì có lẽ xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hóa ở thời điểm đó là xã có xuất phát điểm thấp nhất. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều, công sở xã mới chỉ là những căn nhà cấp 4, hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã đang còn nhiều “khợp khiễng”, tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn cao. Qua rà soát, lúc này xã mới chỉ đạt được 9/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới... Khó là vậy, nghèo là vậy, nhưng khi sáp nhập về thành phố, gần 5 năm qua, Hoằng Đại đã hoàn toàn lột xác với những thay đổi đáng mừng. Trụ sở cấp 4 ngày xưa, giờ đã là một trụ sở mới hai tầng khang trang, hệ thống đường giao thông và thoát nước được xã quan tâm, đường làng, ngõ xóm được mở rộng, sạch sẽ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,59% (năm 2015) xuống còn 2,55%, thu nhập bình quân đầu người là 38,4 triệu đồng/ người/ năm...

Ông Phạm Hùng Thảo - Chủ tịch UBND xã Hoằng Đại cho biết: Cũng như nhiều xã trên địa bàn thành phố, Hoằng Đại luôn được thành phố quan tâm, đưa công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào sản xuất trong nông nghiệp, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ máy cấy, máy gặt, máy làm đất, đồng thời có chủ trương chuyển diện tích kém hiệu quả sang những mô hình khác như mô hình sản xuất nuôi trồng và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển mô hình kinh tế trang trại gà Đông Tảo mang lại thu nhập cao. Cùng với đó, nhiều nhà máy ở các khu công nghiệp được mở ra đã tạo cơ hội để người dân có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thái - Trưởng thôn Quang Hải cho biết: Trong thôn có 201 hộ/540 nhân khẩu, người dân chủ yếu là làm thợ và làm công ty nhưngtrong nông nghiệp vẫn được người dân ở trong thôn chú trọng. Những ngày mùa, mặc dù công việc hàng ngày rất bận nhưng tối về người dân vẫn chong đèn đi cấy, đi gặt, vui vẻ lắm. Kinh tế của người dân nơi đây ngày càng khá giả hơn, từ 12% hộ nghèo (năm 2012) đến nay chỉ còn 2,1%. Họ cũng rất hăng hái trong việc đóng góp xây dựng làm đường giao thông, chỉnh trang NVH, tham gia văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của thôn. Khi có chủ trương tuyên truyền về các khoản đóng góp trên hệ thống loa truyền thanh, buổi tối sau tiếng kẻng, mọi người đều tập trung tại NVH thôn để nộp. Đây là nét đẹp được người dân nơi đây duy trì thường xuyên nhiều năm qua...

Thiệu Khánh thay da đổi thịt kể từ khi hoàn thành NTM và sáp nhập về TP. Thanh Hóa.

Sự đổi thay đó còn bắt gặp ở rất nhiều xã khác khi bắt nhịp vào cuộc sống của người dân thành phố. Còn nhớ cách đây khoảng 4 năm thôi, khi chúng tôi về Thiệu Khánh, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi đó là hình ảnh về trụ sở đang xuống cấp nghiêm trọng. Những tấm trần cốt ép đã bị rách toác, mùi ẩm thấp, rêu phong, nắng mưa đều dội xuống các phòng làm việc. Ngôi trường tiểu học được xây dựng từ những năm 70 cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, chính vì vậy những ngày mưa bão phụ huynh cũng không thể yên tâm để cho con đi học... Đến nay, trụ sở xã đã được xây dựng khang trang, trường tiểu học đang trong giai đoạn hoàn thành...

Đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng lên đã thuận tiện hơn rất nhiều trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng với đó đường điện chiếu sáng được thành phố quan tâm đã tạo thuận lợi cho sinh hoạt của ngươi dân. Giờ đây Thiệu Khánh đang có bước chuyển mình đáng kể không chỉ trong phát triển kinh tế, đây còn được đánh giá là xã mạnh về các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn thành phố. 14 thôn hiện nay đều có đội văn nghệ, các CLB thể dục thể thao hoạt động sôi nổi và đây cũng là địa phương làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo di tích chùa Vồm.

Có thể gọi là khá hơn nhiều xã về mặt xuất phát điểm khi về thành phố, nhưng ở các xã Quảng Thịnh, Hoằng Long, Hoằng Anh... khi sáp nhập về thành phố cũng không tránh khỏi những khó khăn. Mà khó khăn lớn nhất là trước đây công tác quản lý đô thị không có, xã phải mất một thời gian dài để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân để người dân chấp hành tốt. Chính vì vậy, từ chợ Cóc nằm ngay còn đường vào xã Quảng Thịnh tồn tại lâu nay đã được xóa bỏ, hiện nay người dân đã chuyển vào buôn bán, kinh doanh ngay trong chợ. Ở các địa phương sau khi về thành phố, nhiều doanh nghiệp đã được thành lập và phát triển hơn, nhiều gia đình đầu tư vốn, máy móc để cơ giới hóa đồng ruộng; động viên nhân dân chuyển đổi ngành nghề, đa dạng hóa ngành nghề, quy hoạch, mở rộng khu làng nghề.

Sáp nhập các xã về thành phố không chỉ là việc ban hành một quyết định, thay một con dấu là xong. Đó là chuyện thay đổi từ diện mạo bên ngoài đến suy nghĩ, hành động của mỗi người dân nhằm xây dựng một cuộc sống mới. Những kết quả đạt được sau chặng đường các xã đạt được trong những năm qua đã minh chứng rất rõ điều đó...

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]