(vhds.baothanhhoa.vn) - Lần đầu tham gia Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022 và giành ngay giải A, đó là cái duyên của nghệ sĩ Hương Liên. Tuy vậy, phía sau chữ duyên còn là niềm yêu thích, sự nỗ lực của chị.

“Đến với xẩm, tôi được mở rộng thêm kiến thức văn hóa”

Lần đầu tham gia Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022 và giành ngay giải A, đó là cái duyên của nghệ sĩ Hương Liên. Tuy vậy, phía sau chữ duyên còn là niềm yêu thích, sự nỗ lực của chị.

“Đến với xẩm, tôi được mở rộng thêm kiến thức văn hóa”Hương Liên trong một vai diễn chèo.

Nghệ sĩ Hương Liên, tên thật là Nguyễn Thị Hương Liên, sinh năm 1979 ở xã Định Liên (Yên Định). Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh, tháng 10-1999 chị về Đoàn chèo Thanh Hóa nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa.

Chị nhớ lại: “Tôi thích và mê chèo từ bé vì mẹ tôi sinh ra ở chiếu chèo Hà Nam, cả bố, mẹ đều hát rất hay. Tốt nghiệp cấp 3, tôi chênh vênh giữa ngành sư phạm và nghệ thuật. Lúc ấy tôi mê nghệ thuật, ngày nào cũng chỉ chờ đến chương trình “30 phút dân ca” trên Đài Tiếng nói Việt Nam thôi”.

23 năm gắn bó cùng tiếng trống chèo và làn điệu chèo, với chị chỉ có một lý do duy nhất là tình yêu. Dẫu có lúc chị chạnh lòng vì thiệt thòi, vì để tuột nhiều cơ hội để đạt được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, nhưng chưa lúc nào chị nản, chị có suy nghĩ bỏ nghề.

“Tôi nhảy sang nghệ thuật xẩm vì “duyên”. Đặc biệt mối duyên với Nghệ nhân Ưu tú Thiên Hương (thôn Vĩnh Gia 1, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa) đã chắp cánh thêm cho tôi tình yêu với xẩm. Bên cạnh đó là sự truyền dạy của Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đã giúp tôi thêm kinh nghiệm và cả sự nhiệt huyết. Càng tìm hiểu nghệ thuật xẩm tôi càng hiểu hơn giá trị và sức hấp dẫn ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống, từ đó tôi thấy mình phải có trách nhiệm để giữ gìn môn nghệ thuật này”.

Hát xẩm đã được biết bao thế hệ nghệ nhân dân gian chung sức trao truyền, sáng tạo để ngày một hoàn thiện hơn cả về đặc trưng thể loại lẫn giá trị văn hóa, nghệ thuật. Trong các loại hình âm nhạc truyền thống, có lẽ duy nhất hát xẩm được định danh là một nghề kiếm sống, là công cụ mưu sinh của một lớp người trong xã hội. Với khởi nguồn là hình thức âm nhạc dân dã, mộc mạc của những người nông dân nơi thôn quê, hát xẩm đã dần dần được tinh chế, trau chuốt, nâng tầm... Hương Liên cho biết thêm: “Cũng từ quá trình tìm hiểu mà tôi nhận ra những nét xẩm của Thanh Hóa khác nhiều địa phương. “Xẩm Thanh Hóa dễ khiến người nghe và người hát được lan tỏa niềm vui. Không phải xẩm lang thang, đi chỗ nào cũng có thể hát được, xẩm Thanh Hóa có thể biểu diễn trên sân khấu lớn...”.

Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022 là cuộc dạo chơi lần đầu của nghệ sĩ Hương Liên với xẩm. “Trước đây khi chưa tìm hiểu thấu đáo về xẩm, tôi đã hát nhưng thực ra đó chỉ là hát xẩm chèo. Hát xẩm cần mộc mạc, hát rất đời, rất thật chứ không phải là hát bóng, hát bay như hát chèo...”. Hiểu được yêu cầu đặt ra với người hát, chị đã lựa chọn biểu diễn Xẩm ba bậc, một bài xẩm khó.

“Đến với xẩm, tôi được mở rộng thêm kiến thức văn hóa”Hương Liên (giữa) biểu diễn Xẩm ba bậc trong Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022.

Tuy nhiên, nhiều người khi được biết Hương Liên tham gia hát xẩm đã lo lắng cho chị về sự “tụt hạng”, “rớt bậc” khi đang là một nghệ sĩ chuyên nghiệp nhảy sang nghệ thuật quần chúng. Chị chia sẻ: Không phải nghệ sĩ nào cũng hát được xẩm giống như nghệ nhân. Khi bước qua hát xẩm, tôi càng tôn trọng hơn những nghệ nhân dân gian. Chẳng cần nói đâu xa, dân ca Đông Anh nghe có vẻ đơn giản thế nhưng không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp nào cũng thể hiện đúng, thể hiện hay. Đang từ kỹ thuật chuyên nghiệp đưa về kỹ thuật mộc của xẩm, khó lắm.

Nếu ai đã nghe Hương Liên hát chèo thì sẽ nhận thấy sự biến hóa trong lối hát của chị, khi thì thăng hoa, lúc hát mộc, rồi hát buông; đồng thời sẽ hiểu rằng tại sao hát xẩm với chị có vẻ đơn giản hơn. Đơn giản không có nghĩa là dễ, chị kể “tôi nhớ bản thu đầu tiên của tôi mọi người nghe xong là nói ngay: hát chèo mất rồi, phải bỏ đi làm lại. Đến bản thu thứ 2, đỡ hơn nhưng cũng phải bỏ. Và đến bản thu thứ 3 thì mới đạt được cái chất mộc riêng của xẩm. Quả thật, hát xẩm chơi chơi thì dễ nhưng lên chiếu xẩm lại khác hoàn toàn và từ chiếu xẩm lên sân khấu hát xẩm cho mọi người cùng nghe còn khác rất nhiều nữa”.

Nghe cách chị nói về loại hình hát xẩm mới hiểu cuộc dạo chơi của chị nhằm thử thách bản thân nhưng là thử thách nghiêm túc chứ không phải chơi buông lơi. Chèo là máu thịt của Hương Liên và các bộ môn nghệ thuật ca hát khác cũng là sự yêu thích và niềm đam mê của chị. Vì thế, nếu có bất cứ một cơ hội nào, chị đều nghiêm túc thử nghiệm và cố gắng đến mức tốt nhất có thể.

Có thể khẳng định đến khi đạt giải A tại Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022 chị đã làm được những điều mà người khác không thể. Tiếng hát mộc mạc, cách thả lời, đi giai điệu của chị khiến những người tham gia liên hoan này nhớ mãi. Chị cho biết: Để khôi phục, bảo tồn và phát huy hát xẩm, chúng ta đang đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát xẩm là di sản văn hóa thế giới. Hiện Thanh Hóa có vài nhóm xẩm, trong đó có nhóm của nghệ nhân dân gian Lê Minh Sen, Nghệ nhân Ưu tú Thiên Hương... Và chắc chắn trong thời gian tới hát xẩm sẽ phát triển ở nhiều địa phương trong đó có Thanh Hóa”.

Giữa cuộc sống sôi động của ngày hôm nay, lắng lòng nghe những làn điệu xẩm cảm giác mang về một thời đã qua. Hương Liên cho biết: “Có thể thời gian tới, “cuộc dạo chơi” của tôi không chỉ dừng ở hát xẩm mà còn tiếp tục ở nhiều thể loại nghệ thuật khác. Tuy nhiên để những bộ môn nghệ thuật như hát xẩm phát triển điều đầu tiên mọi người cần đánh giá, nhìn nhận hát xẩm thực sự là một loại hình âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của nghệ sĩ là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo. Rất nhiều “huyền thoại của làng xẩm” đã ra đi mang theo cả “kho tư liệu sống về hát xẩm” và cá nhân tôi cũng chỉ mong muốn mình sẽ góp một phần vào việc bảo tồn bộ môn này, để xẩm Thanh Hóa có cơ hội phát triển”.

Bài và ảnh: Hải Nguyễn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]