(vhds.baothanhhoa.vn) - Thi thoảng có dịp hàn huyên, kỷ niệm về tờ báo lại tràn về, đầy cảm xúc. Ai cũng thừa nhận rằng: không có một thời bén duyên với tờ báo xinh xinh, dễ thương này, biết đâu, cuộc đời mình đã đi theo một hướng khác, ít niềm vui hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một thời để nhớ

Thi thoảng có dịp hàn huyên, kỷ niệm về tờ báo lại tràn về, đầy cảm xúc. Ai cũng thừa nhận rằng: không có một thời bén duyên với tờ báo xinh xinh, dễ thương này, biết đâu, cuộc đời mình đã đi theo một hướng khác, ít niềm vui hơn.

Nhà báo Vũ Đình Thường.

Nguyên Trưởng Ban Thư ký tòa soạn, Nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương)

Trong số gần 900 cơ quan báo chí cả nước, Văn hóa - Thông tin, tên ban đầu, hay Văn hóa và Đời sống hiện nay, là tờ báo khá đặc biệt. Cả nước không có tờ thứ hai như thế. Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội có tờ Màn ảnh Sân khấu, khổ nhỏ, nhiều trang, từng bán khá chạy, nhưng vài năm gần đây, không ra bản giấy, chỉ chạy trang online. Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm báo chí lớn nhất nước vậy mà một tờ báo của Sở Văn hóa - Thông tin lại không. Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, cấp sở có ba tờ báo, thì là của Công an và Liên đoàn lao động. Như vậy, cùng từ “đặc biệt”, nói về Báo Văn hóa - Thông tin, thêm hai chữ “độc đáo” nữa, hẳn không ai thắc mắc.

Theo xếp loại của cơ quan quản lý, báo thuộc sở, ngành địa phương, như Văn hóa - Thông tin, là loại ba, nghĩa là dưới báo cấp bộ, ngành Trung ương; cũng dưới nốt các cơ quan báo Đảng và đài của các tỉnh, thành xếp loại hai.

Tuy nhiên, nghề báo, cái sự lớn hay nhỏ đâu chỉ căn vào thang bậc như trên. Nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Người đọc mới có quyền khẳng định một tờ báo là “lớn” hay “nhỏ”. Thành phố Hồ Chí Minh, tờ Tuổi trẻ (của Thành đoàn), là báo loại ba, tổng biên tập hàm cấp phòng, “vị” chẳng mấy kềnh càng, nhưng xét về “thế” lại xứng đáng đầu bảng. Thế nên người bản báo không những không tự ti, mà còn hãnh diện hết cỡ. Từ lâu, báo này đã tuyên ngôn và thực sự “sống bằng sự chi trả của người đọc”, vậy nên thu nhập của cán bộ báo này xông xênh, chẳng cần quan tâm, cay cú bởi phẩy này, phết nọ của hệ số lương.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là điều có thể khẳng định về sự ra đời của Văn hóa - Thông tin. Thế hệ chúng tôi chưa quên, năm 1989, khí thế báo chí Việt Nam cao ngút trời. Không khí đổi mới, hiệu ứng lan tỏa ào ạt của “những việc cần làm ngay” của NVL; tiếng ì ầm còn vang vọng của bút ký Cái đêm hôm ấy... đêm gì của cây bút xứ Thanh Phùng Gia Lộc... Rồi nữa, những vệt bài của Tuần tin tức, Tiền phong, Lao động... cũng về các việc, các sự tại quê nhà. Thanh Hóa bỗng quá nhiều chuyện, thành điểm nóng, trọng điểm của công luận. Các nhà báo đóng tận Hà Nội xa xôi, bỗng bận rộn, sốt sắng với xứ Thanh, qua lại tấp nập; rồi sau đó, lại là những tuyến bài mới, nóng hôi hổi...

Không khí hừng hực. Công luận được lãnh đạo quan tâm, đề cao hết cỡ; được xã hội tin cậy, cổ vũ, tôn vinh. Thanh Hóa đất rộng, người đông, trừ tạp chí Văn nghệ của Hội Văn học Nghệ thuật thuần chất văn chương, nếu chỉ tờ báo Đảng và một nhà đài, bỗng như chật chội, như thiếu đất vẫy vùng, như khó cất tiếng đa thanh, đa sắc; cũng là cái thiệt thòi cho nhiều người làm các công việc “cận báo”,nhiệt tình, đang như muốn được cuốn vào không khí báo chí sôi động...

Trong bối cảnh ấy, bỗng có người nảy ra ý tưởng: sao không thể thêm một tờ báo nữa cho Thanh Hóa? Vậy là, ngày 20/6/1989, trùngkỷ niệm 64 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Văn hóa - Thông tin được cấp giấy phép hoạt động. Tổng biên tập đầu tiên là họa sĩ Hoàng Hoa Mai - Phó Giám đốc Sở - kiêm nhiệm. Các anh Vũ Nguyên Ngữ, Minh Văn, Lê Dậu, Triều Nguyệt, Lê Viết Cần thuộc lớp đầu. Sau chút là các anh Huy Trụ, Trọng Miễn, Hà Thắng Cảnh. Tiếp nữa là các anh Phạm Công Thắng, Đào Nguyên Lan, Vũ Đình Thường, Đào Bá Tưởng, Hà Hữu Huyền, chị Nguyễn Thị Xuây. Tới năm 1990, 1995, thêm các anh Mai Ngọc Toản, Công Quang, Thái Quang, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Đại Bàng, Nguyễn Xuân Vũ, bác Hoàng Văn Tư, Đinh Ngọc Diệp, Lê Văn Nam; các chị Lê Thị Nhung, Bùi Thị Hạ, Đặng Thị Hoa, Lê Thị Phương, Tố Hoa, Thanh Yên, Vũ Thị Minh Hội, Lê Thị Hương, Lê Hoa... Các anh sau này như Đỗ Xuân Thanh, Phạm Minh Trị, Vũ Tuấn Anh, Quang Thắng, Đỗ Xuân Hồng, Thanh Chung, Phạm Văn Ngọc...

Tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Báo Văn hóa - Thông tin thời kỳ đầu thành lập.

Thuở đầu, khó khăn lắm. Hoài niệm lại, thật chạnh lòng. Cáng đáng cả nội dung và phát hành, hầu hết, là những người yêu nghề mà làm; kinh nghiệm và chuyên môn: mỏng tang. Tòa soạn mấy gian cấp 4 cũ, mưa nhỏ, nước đã thánh thót, lênh láng. Bàn ghế sơ sài. Bản báo “thời đổi mới” mà chẳng có nổi chiếc máy ảnh, cứ phải nhờ vả anh Phạm Công Thắng khi đó đang ở Sở Tư pháp, đã đánh tiếng về đầu quân. Thương cho anh Hà Hữu Huyền. Được chia khâu in ấn, chủ nhật, người khác nghỉ, thì mình anh nửa đêm lọ mọ bắt xe, ghì chặt cái túi dết đựng bản thảo, ra nhà in báo Nhân dân ở Hàng Tre, Hà Nội. Rồi vạ vật, tá túc tạm bợ đâu đó để đầu tuần kịp chuyển báo về. In xa vất vả, lam lũ thế cũng chỉ vì chi ly ra, rẻ hơn đâu được mươi lăm trăm bạc, thời đó, cũng là món đáng kể với một tờ báo nghèo, so với in trong tỉnh. Về sau này, mọi thứ mới khá dần. Anh em cơ quan ngoài lương, cũng thêm thắt món này, món khác; cũng có tham quan, nghỉ hè, lại được tỉnh hỗ trợ cái xe 4 chỗ, hình như tới giờ, “hơn 30 năm vẫn chạy, dù không thể tốt”.

Vậy mà báo vẫn ra đều đều kỳ/tuần, rồi 2 kỳ/tuần. Vậy mà ai cũng háo hức đến sớm, về muộn để được “sờ” tờ báo mới ra, thơm mùi mực với những bài, những ảnh nặng trĩu tâm huyết của cả tòa soạn. Có số báo cả tòa soạn hào hứng, phấn khởi vì bạn đọc chờ mua hết, dù đã in tăng số lượng cả nghìn bản. Những số báo có thông tin dự đoán là nóng, nhạy cảm, cùng với háo hức, còn là tâm trạng phấp phỏng về phản hồi của dư luận. Có vài ba bận gặp sự cố khiến tòa soạn méo mặt, phải cay đắng, tức tốc hủy vài trang nội dung, vì nghe đâu một “bác ở trên” phật ý một dòng, một câu nào đó, để phải cập rập vá vào bằng một bài khác. Có lần, báo bị kiện tới tận giám đốc Sở vì có chi tiết bị cho là “bịa”. Tôi và anh Đào Nguyên Lan từng sơ xuất trong một bài viết, bị một cán bộ cho vay nặng lãi đòi “xử” quyết liệt. May ông Đỗ Hữu Thích, Giám đốc Sở, phê bình chúng tôi cẩu thả, nhưng lại an ủi, động viên, bày cho cách thoát rắc rối. Mỗi lần như vậy, thêm một bài học, bớt đi một chút ấu trĩ, già thêm một chút nghề.

Hoàn thành sứ mệnh với tên Văn hóa và Đời sống, nhưng theo tôi, tên Văn hóa - Thông tin như ban đầu có cái lợi là cởi mở, mênh mang về nội dung. Thông tin kia mà, nghĩa là mọi sự. Ít nhất, khi đó nhiều người nghĩ thế. Riêng mảng văn hóa, không nghi ngờ gì nữa: Báo ra đời, giới văn bút khá hùng hậu xứ Thanh có thêm một “sân chơi” mới. Trang văn nghệ dạo đó giới thiệu đều sáng tác của các văn nghệ sĩ trong tỉnh; đồng thời, khích lệ các cây bút mới. Tới giờ, tôi vẫn nhớ nhà văn Lê Hữu Thuấn, da ngăm đen, khuôn mặt góc cạnh, hôm đó, chẳng biết có nỗi niềm gì, cứ đi ra, đi vào “cổng vòm” ngôi nhà hai tầng phủ đá rửa của tòa soạn, đọc vang câu thơ Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ/mà bên ngoài sắc vẫn trắng như không. Nhớ nhà thơ Minh Hiệu ngập trong tứ bề là sách, một khi nhận lời viết bài là y hẹn, bản thảo viết tay chân phương, cầu kỳ từng chữ. Nhớ nhà thơ Mai Ngọc Thanh mũ phớt dạ lịch lãm, chữ thoáng và đẹp. Nhớ các nhà thơ, nhà văn Văn Đắc, Đỗ Xuân Thanh, Lã Hoan, Nguyễn Văn Đệ... xởi lởi như người nhà, “chưa thấy người đã thấy tiếng”, ngược với cũng các văn nhân Nguyễn Ngọc Quế, Nguyễn Minh Khiêm, Trịnh Ngọc Dự, Lê Đình Bằng, Lê Văn Sự, Đào Hữu Phương, Lâm Bằng... nhẹ nhàng, ý tứ. Nhớ nhà thơ Lê Hai như thảng thốt, giọng ồ ồ ngâm nga bài thơ Van Gogh của mình. Nhớ nhà giáo Lê Xuân Thơm nhỏ thó, hóm hỉnh, năm nào cũng gửi số Tết một, hai câu đối thâm thúy cùng bài thơ thiếu nhi xinh xắn. Nhớ nhà giáo, dịch giả Nguyễn Xuân Dương mô phạm, mực thước, khiến cánh trẻ nhiều khi thấy mình như thất lễ. Nhớ nhà tâm lý Quốc Chấn sôi nổi, nồng nhiệt. Nhớ nhà giáo Văn Hiến cùng nhà thơ Lê Đăng Sơn hâm nóng không khí văn nghệ bằng một cuộc “luận chiến văn chương” trong vài kỳ báo, nhưng vẫn bằng hữu ngoài đời. Nhớ dịch giả Phạm Khang, luôn tươm tất trong đồ vét sáng màu cùng mái tóc dài óng ả, rõ dáng tây học. Nhớ nhà thơ Đinh Ngọc Diệp, mấy năm liền đứng mục Tâm sự, bút danh Huyền Thương, thủ thỉ, ân cần gỡ rối chuyện tình yêu, chuyện gia đình cho thiên hạ như người giàu kinh nghiệm hôn nhân, tình yêu lắm lắm, kỳ thực khi đó là gã trai chưa vợ, gầy như cò lả. Nhớ mái tóc bồng bềnh, trắng xóa của nhiếp ảnh gia Phạm Phú Thang,...

Báo còn được nhiều tác giả ngoài tỉnh gửi bài cộng tác, trong đó, có anh Trần Đức Anh Sơn, về sau trở thành một nhà Huế học tên tuổi; nhà văn Nguyễn Trường, sau là Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên; nhà báo Nguyễn Ánh của tạp chí Sân Khấu, 2 năm liền đứng tên chuyên mục “Chuyện làng văn nghệ” đều đặn mỗi số một bài chữ nghiêng đóng ô, ngắn đến mức không thể ngắn hơn, mà dí dỏm, mà vui, “mà có thêm tiền nhuận bút để nuôi con, nuôi cháu” - như lúc sinh thời, anh thường có lần nói với tôi một cách xúc động, khiến tôi xót xa, ái ngại cho tình cảnh của một người đa tài như anh mà sao có lúc khốn khó.

Không hẹn mà gặp, mươi lăm năm sau, hơn chục người, từng là cán bộ, cộng tác viên thân thiết cùng chuyển ra, làm việc tại Hà Nội. Thi thoảng có dịp hàn huyên, kỷ niệm về tờ báo lại tràn về, đầy cảm xúc. Ai cũng thừa nhận rằng: không có một thời bén duyên với tờ báo xinh xinh, dễ thương này, biết đâu, cuộc đời mình đã đi theo một hướng khác, ít niềm vui hơn.

Vũ Đình Thường


Vũ Đình Thường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]