(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau hàng chục năm là giảng viên một trường cao đẳng nghề, anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Bùi, xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy) đã bất ngờ từ bỏ giảng đường để về quê xây dựng trang trại, phát triển kinh tế nông nghiệp. Giờ đây, sau gần 8 năm nỗ lực phấn đấu, khu thung lũng rộng gần 17ha đã trở thành trang trại tổng hợp thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Anh Tuấn đang từng bước đặt nền móng để phát triển trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái giữa vùng đất khó.

Từ thầy giáo đến ông chủ trang trại sinh thái

Sau hàng chục năm là giảng viên một trường cao đẳng nghề, anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Bùi, xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy) đã bất ngờ từ bỏ giảng đường để về quê xây dựng trang trại, phát triển kinh tế nông nghiệp. Giờ đây, sau gần 8 năm nỗ lực phấn đấu, khu thung lũng rộng gần 17ha đã trở thành trang trại tổng hợp thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Anh Tuấn đang từng bước đặt nền móng để phát triển trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái giữa vùng đất khó.

Từ thầy giáo đến ông chủ trang trại sinh tháiKhông gian yên bình của trang trại Tuấn Nghĩa, xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy) luôn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Lê Hòa

Những ngày đầu năm, cơn mưa xuân lất phất không làm giảm sự hứng thú của chúng tôi khi đến trang trại trù phú giữa bốn bề là núi – trang trại Tuấn Nghĩa. Sau hàng giờ đưa khách đi tham quan các khu vực chăn nuôi ngựa, hươu, lợn rừng và cây ăn quả, anh Tuấn chia sẻ: Vốn là giảng viên chuyên ngành tin học của một trường cao đẳng nghề, năm 2011, tôi chuyển công tác ra Hà Nội giảng dạy. Năm 2013, tôi được cử đi công tác tại châu Phi khoảng 2 năm. Khi tiếp cận với một vùng đất khó khăn, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế ở các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Sau khi về nước, tôi càng quyết tâm phải “hành động” để cải hóa vùng đất hoang hóa trên địa bàn xã Cẩm Thạch.

Với tư duy nhạy bén, luôn cập nhật thông tin bổ ích, xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, anh Tuấn nhận định, những năm gần đây, bức tranh nông nghiệp, nông thôn ở các vùng quê trong tỉnh có sự thay đổi mạnh mẽ. Người nông dân không sản xuất những cây trồng truyền thống quy mô nhỏ lẻ mà đang hướng tới xây dựng các mô hình kinh tế trang trại với những loại cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng. Trong khi đó, tại xã Cẩm Thạch – nơi chôn rau cắt rốn của anh diện tích đất rộng lớn, khí hậu ôn hòa nhưng người dân chưa phát triển được tiềm năng, lợi thế đó. Bởi vậy, anh Tuấn đã dành thời gian khảo sát địa chất và lựa chọn vùng Thung Vuốm, thôn Bùi làm “căn cứ địa” hiện thực hóa giấc mơ.

Từ thầy giáo đến ông chủ trang trại sinh thái

Theo anh Tuấn, Thung Vuốm trước đây là vùng thung lũng rộng lớn chủ yếu trồng mía, ngô được bao bọc bởi những dãy núi thấp. Nơi đây thường xuyên thiếu nước canh tác vào mùa khô, song lại dễ ngập lụt vào mùa mưa nên nhiều năm liền người dân bỏ đất hoang, cây cối rậm rạp. Nhưng thay vào đó, thung Vuông có địa thế đẹp, tựa lưng vào núi, có tiềm năng để phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Những điều kiện thuận lợi đã trở thành động lực thôi thúc anh trở về quê hương khởi nghiệp. Năm 2016, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn đã đặt những nền móng đầu tiên để xây dựng cơ ngơi vững chãi của ngày hôm nay.

Nhớ về những khó khăn ban đầu trong hành trình xây dựng trang trại, anh Tuấn chia sẻ: Không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ xuống vùng đất này. Từ thuê máy móc làm đường, cải tạo đất, giống, nhân công... Đến năm 2017, gia đình đã trồng được khoảng 3ha cây ăn quả và tận dụng khoảng đất trồng khi cây chưa vươn tán để trồng nghệ dược liệu. Song, các trận lụt tháng 10/2017 và 8/2018 đã “xóa sạch” những nỗ lực, cố gắng của gia đình, cây trồng, vật nuôi đều bị ngập lụt, cuốn trôi hết.

Nhờ có sự nhạy bén lại thường xuyên tham khảo, nắm bắt xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nên anh Tuấn luôn tin vào dự định của mình và vẫn kiên định với xu hướng phát triển nông nghiệp thuận tự nhiên. Năm 2019, những giống cây trồng, vật nuôi lại tiếp tục được nhập về ươm mầm tại thung Vuôm. Ngoài trồng cây, anh Tuấn còn lựa chọn những loại vật nuôi được thị trường ưa chuộng, như: lợn rừng, gà ri bản địa, ngựa bạch, hươu sao... Đến nay, trang trại Tuấn Nghĩa đã có hơn 6ha cây ăn quả, đàn lợn rừng luôn duy trì khoảng 200 con, 13 con ngựa bạch, 20 con hươu sao...

Từ thầy giáo đến ông chủ trang trại sinh thái

Anh Tuấn cho biết: Đối với đàn vật nuôi, tôi nhập và thuần hóa giống bản địa, chăn thả tự nhiên trên các ngọn núi quanh trang trại, cung ứng thịt thương phẩm cho thị trường. Ngoài ra, tôi còn cung ứng nhung hươu, cao ngựa bạch và chế biến các món ăn từ thịt các loại vật nuôi trên theo nhu cầu của khách hàng. Nhờ chất lượng sản phẩm nên ở nhiều thời điểm, nguồn cung không đủ cho thị trường... doanh thu hằng năm từ đàn vật nuôi đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Cùng với đó, khoảng 2 năm gần đây, khi trang trại Tuấn Nghĩa hoạt động ổn định, tận dụng không gian đẹp, khí hậu thuận lợi, chúng tôi mở thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm, thu hút hàng nghìn lượt khách hàng là hộ gia đình, trường học. Đây là hướng phát triển mới mà chúng tôi đang hướng tới trong tương lai.

Từ bỏ một công việc ổn định để chuyển sang xây dựng mô hình kinh tế là điều không dễ dàng, nhất là ở khu vực miền núi với nhiều khó khăn, vất vả. Thế nhưng, người đàn ông sinh năm 1981 vẫn kiên định với con đường “gập ghềnh” mà mình đã chọn. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, anh Tuấn còn hỗ trợ, giúp đỡ những cá nhân cùng chí hướng tại địa phương phát triển mô hình sản xuất. Từ đó, xây dựng được 5 trang trại vệ tinh cùng phát triển để cung ứng khối lượng lớn sản phẩm nông sản cho thị trường.

Dù vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn phía trước nhưng thời gian tới, anh Nguyễn Văn Tuấn sẽ tiếp tục nhân rộng đàn vật nuôi đặc sản, tập trung trồng thêm các loại cây ăn quả khác và kiến tạo không gian mới... Để Tuấn Nghĩa không chỉ là trang trại nông nghiệp nổi tiếng về sản phẩm nông nghiệp đặc sản mà còn được khách hàng, thị trường biết đến là không gian du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng thú vị giữa vùng đất Cẩm Thạch.

Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]