(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến với người dân sống ở đô thị, khu vực đồng bằng trong thời công nghệ số, nhưng vẫn còn thưa vắng ở khu vực miền núi.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở các huyện miền núi: Còn nhiều khó khăn

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến với người dân sống ở đô thị, khu vực đồng bằng trong thời công nghệ số, nhưng vẫn còn thưa vắng ở khu vực miền núi.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở các huyện miền núi: Còn nhiều khó khănỞ huyện miền núi Thường Xuân, tỷ lệ người dân thanh toán hóa đơn tiền điện bằng tiền mặt vẫn chiếm đa số.

Khi người dân không mặn mà với tài khoản ngân hàng

Cách trung tâm huyện Thường Xuân khoảng hơn 10km, ở xã Vạn Xuân (Thường Xuân) việc giao dịch, thanh toán thương mại của người dân vẫn chủ yếu bằng tiền mặt. Ông Cầm Bá Vững, một người dân thôn Lùm Nưa, cho biết: “Chỉ khi phải chuyển tiền cho người thân thì tôi mới xuống bưu điện hoặc ngân hàng. Còn mọi thanh toán khác (điện thoại, mạng internet, điện…) vẫn dùng tiền mặt. Còn các app hay ứng dụng thanh toán gì đấy, thực sự tôi không biết”.

Khác với ông Vững, anh Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân, hiện chưa có tài khoản ngân hàng. Hàng tháng, anh nhận lương bằng tiền mặt tại UBND xã. “Dù có biết đến các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt (chuyển khoản trực tiếp, thanh toán qua ứng dụng, ví điện tử…) nhưng tiền internet có người đến thu tận nhà, tiền điện thì đến điểm thu tập trung để nộp”, anh Tuấn thông tin.

Cũng theo anh Lê Minh Tuấn, ở Vạn Xuân, một số người dân đã bắt đầu sử dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt. Chủ yếu là những người đi làm việc ở các công ty dưới TP Thanh Hóa và ngoại tỉnh, có tài khoản ngân hàng, quen với việc sử dụng các thiết bị công nghệ…

Ngoài khu vực thị trấn huyện Thường Xuân, thói quen thanh toán dùng tiền mặt vẫn đang duy trì ở hầu khắp các xã trên địa bàn huyện. Ông Lê Đình Nam, Trưởng phòng Kinh doanh, Điện lực Thường Xuân cho biết: “Việc thanh toán hóa đơn tiền điện không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện đã diễn ra từ vài năm trở lại đây. Thống kê đến ngày 30-9-2021, tỷ lệ khách hàng thanh toán hóa đơn điện không dùng tiền mặt đạt 28,43%. Trong khi đó, chỉ tiêu mà đơn vị được giao là đến cuối năm 2021, việc thanh toán hóa đơn điện không dùng tiền mặt phải đạt trên 90%”.

Cũng theo ông Lê Đình Nam, thanh toán hóa đơn nói chung và hóa đơn tiền điện nói riêng không dùng tiền mặt rất tiện lợi và an toàn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, người dân vẫn duy trì thói quen thanh toán dùng tiền mặt, ngoài yếu tố về công nghệ (thiết bị, cách sử dụng…) thì lý do chính là chưa có tài khoản ngân hàng, vốn là điều kiện đảm bảo của giao dịch không dùng tiền mặt trên các thiết bị công nghệ. Mà nguyên nhân của thực trạng là do trên địa bàn huyện Thường Xuân hiện nay có điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội và 2 điểm giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng chỉ có duy nhất 1 cây ATM rút tiền đặt ở thị trấn. Thiếu cây ATM không chỉ gây khó khăn cho người dân ở các xã xa trung tâm (Bát Mọt, Yên Nhân,...) mà còn không khuyến khích được người dân mở tài khoản ngân hàng. Đây thực sự là “điểm nghẽn”.

Cần sự phối hợp và đồng bộ

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thành, Giám đốc kinh doanh VNPT khu vực Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, cho biết: “VNPT hiện có rất nhiều sản phẩm dịch vụ cung cấp đến khách hàng (di động; điện thoại cố định; truyền hình; internet…) và ứng dụng VNPT Pay giúp cho khách hàng của VNPT có thể thanh toán các hóa đơn (dịch vụ của VNPT; điện…) mà không cần dùng đến tiền mặt. Chỉ cần có điện thoại thông minh, vào “kho ứng dụng” tìm kiếm ứng dụng VNPT Pay tải về máy, đăng ký tài khoản, đăng ký dịch vụ nhưng quan trọng là khách hàng phải có tài khoản ngân hàng để liên kết “mở ví” thanh toán. Thực tế, phần đa người dân ở các huyện miền núi Thanh Hóa chưa có tài khoản ngân hàng".

Điều này dẫn đến việc, đối tượng khách hàng của VNPT ở khu vực các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu mới dừng lại ở một bộ phận công chức, viên chức, doanh nghiệp.

Nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, theo ông Nguyễn Duy Thành, VNPT khu vực Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát đang đấu mối với ngành thuế và các đơn vị, địa phương và cơ quan ngành dọc, đơn vị sự nghiệp có thu… sử dụng hóa đơn, biên lai điện tử. Phấn đấu tới cuối năm 2021 đạt được mục tiêu 90% khách hàng thuộc nhóm này sử dụng thanh toán (hóa đơn, biên lai) không dùng tiền mặt. Còn với đối tượng khách hàng là người dân, trước mắt vẫn tập trung vào việc tuyên truyền, hướng dẫn (trực tiếp và gián tiếp) để tiếp cận, làm quen, tiến tới hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, để thanh toán không dùng tiền mặt thực sự đạt được kết quả, chỉ mình VNPT nỗ lực sẽ là không đủ, rất cần có sự phối kết hợp của nhiều đơn vị cung cấp (ngân hàng, công ty điện, nước…).

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Giám đốc VNPT Thanh Hóa, cho biết: “Với mục tiêu mà Tập doàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đặt ra là đến cuối năm 2023, tỷ lệ thu cước không dùng nhân công đạt tỷ lệ 100% thì mỗi đơn vị sẽ phải chủ động xây dựng phương án và lộ trình cụ thể”.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế ngày càng phổ biến, bởi có nhiều tiện lợi, như không phải gặp gỡ trực tiếp, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại... Tuy nhiên, với những khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rõ ràng cần có những động thái cụ thể để “tháo gỡ điểm nghẽn”. Mà điều cần thiết nhất, các bên liên quan, được hưởng lợi từ hình thức thanh toán này cần có những chính sách để cho người dân thấy được lợi ích khi tham gia.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]