(vhds.baothanhhoa.vn) - Đưa nông sản “Made in Thanh Hóa” vươn ra thị trường quốc tế là ước mơ được ấp ủ của nhiều thế hệ lãnh đạo Công ty CP Mía đường Lam Sơn và ước mơ đó đã thành hiện thực khi sản phẩm của công ty đã có mặt tại thị trường 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hành trình đưa nông sản quê hương “xuất ngoại”

Đưa nông sản “Made in Thanh Hóa” vươn ra thị trường quốc tế là ước mơ được ấp ủ của nhiều thế hệ lãnh đạo Công ty CP Mía đường Lam Sơn và ước mơ đó đã thành hiện thực khi sản phẩm của công ty đã có mặt tại thị trường 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hành trình đưa nông sản quê hương “xuất ngoại”Cơ ngơi “nghìn tỷ” của Lasuco.

Dây chuyền sản xuất nghìn tỷ...

“Đánh thức” cả vùng đất phía Tây Thanh Hóa, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco), tiền thân là Nhà máy Đường Lam Sơn, được thành lập ngày 6/12/1999. Qua quá trình xây dựng và trưởng thành, Lasuco được đánh giá là đơn vị tiên phong về áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và trồng trọt, dần khẳng định thương hiệu vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Các dòng sản phẩm của Lasuco có mặt rất sớm trên thị trường, hiện có 7 sản phẩm đã được cấp chứng nhận Halal Malaysia, bao gồm: đường RE, đường trắng thượng hạng Lam Sơn, đường kính trắng Lam Sơn, đường vàng Lam Sơn, đường phèn tinh khiết Lam Sơn, đường nâu đen thượng hạng Lam Sơn...

Trải lòng về hành trình đưa nông sản quê hương xuất khẩu, ông Lê Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn, cho biết: “Công ty chúng tôi luôn nỗ lực hết mình vì mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng, tự nhiên, an toàn, tốt cho sức khỏe. Hiện tại tổng diện tích vùng nguyên liệu của công ty đạt trên 7.000 ha và có hơn 350 ha mía giống hè thu. Cùng với đó, Lasuco cũng tập trung phát triển khu công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng. Chúng tôi rất vui mừng và tự hào vì góp thêm một sản phẩm made in Việt Nam vào bản đồ ẩm thực thế giới”. Hành trình đưa nông sản quê hương “xuất ngoại”.

Hành trình đưa nông sản quê hương “xuất ngoại”Sản phẩm của Lasuco có mặt tại Chương trình "Tăng cường hợp tác phát triển ngành Halal Việt Nam".

Nhờ việc nắm bắt thời cơ thuận lợi của ngành mía đường, đặc biệt với giá đường trong nước cũng như thế giới biến động, sản phẩm của Lasuco sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, mang lại doanh thu cao. Năm 2022-2023, doanh thu đạt 1.808 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 40 tỷ đồng. Trong đó, tổng sản lượng đường các loại đạt 84%; giá bán đường các loại tăng bình quân từ 5% - 10% so với cùng kỳ và là thương hiệu dẫn đầu miền Bắc.

Vươn ra thị trường quốc tế

Để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng và bắt kịp xu hướng cùng với thông điệp “Tất cả từ tự nhiên”, Lasuco tung ra hàng loạt sản phẩm mới lấy cảm hứng từ những sản vật sẵn có tại địa phương, có lợi cho sức khỏe như: đường organic, thực phẩm hữu cơ, các dòng sản phẩm đồ uống Lavina food... Trên hành trình hội nhập quốc tế đầy tiềm năng nhưng cũng vô vàn thách thức đó, Lasuco đã có cơ hội hợp tác với Trung tâm Chuyển giao công nghệ GIZEF (CHLB Đức) xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao; một số dự án công nghệ về nhà kính, vườn ươm, tưới nhỏ giọt với các đối tác Israel; khu nông nghiệp tập trung dọc đường Hồ Chí Minh với các đối tác tại Hà Lan; hợp tác phát triển nông nghiệp bằng công nghệ sinh học với Công ty XNK M.I.R.R Foods (Bang Califonia - Mỹ). Cùng với hy vọng nâng tầm nông sản nước nhà, Lasuco triển khai chương trình hợp tác với Nhật Bản trong việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói các sản phẩm rau, củ, quả thực phẩm hữu cơ chất lượng cao không sử dụng hóa chất, xuất khẩu sang thị trường khó tính Nhật Bản.

"Những sản phẩm của Lasuco đã có chỗ đứng, nhưng để thương hiệu phát triển bền vững tại thị trường khó tính ấy đòi hỏi chất lượng các sản phẩm phải luôn đảm bảo và có tầm nhìn xa là bao quát thị trường, hiểu được thị hiếu của người tiêu dùng, thì đó mới là cách để Lasuco giữ được khách hàng, giữ được thị trường cũng như uy tín với nhà nhập khẩu, người tiêu dùng”, ông Trần Xuân Trung, Phó giám đốc phụ trách thương mại Công ty CP Mía đường Lam Sơn, chia sẻ.

Cùng với đó, là các chứng nhận uy tín, tiêu biểu như: Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, Chứng nhận hệ thống quản lý an toàn sức khỏe và nghề nghiệp theo tiêu chuẩn OHSAS 18001, Chứng nhận HALAL cho đường tinh luyện và đường vàng tinh khiết... đã minh chứng cho sự nỗ lực vươn ra thế giới bằng việc áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến và khác biệt, các sản phẩm của công ty đã “lên kệ” ở những vị trí bắt mắt nhất tại thị trường quốc tế như: đường phèn thị trường Singapore, Malaysia, Campuchia, Jordan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Lybia; nước mía tươi vị tắc MIATA, sữa gạo lứt Ojita, sữa gạo lứt đậu đỏ Ojita tại thị trường Mỹ, Nhật Bản; đường tinh luyện xuất khẩu sang Kazakhstan, Mông Cổ; đường vàng xuất khẩu Hà Lan, Hàn Quốc.

"Tôi luôn quan niệm người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, người Thanh Hóa ưu tiên dùng các sản phẩm mang thương hiệu quê hương mình nên gia đình tôi dùng các sản phẩm của Lasuco như: sữa gạo lứt vừa giữ dáng lại đẹp da, giúp ngăn ngừa lão hóa, xương chắc khỏe, hay nước mía tươi vị tắc... Cả gia đình tôi đều bị “đánh gục” bởi hương vị của những loại đồ uống này", chị Hà (kiều bào Việt Nam sinh sống tại CHLB Đức) cho hay.

Hành trình đưa nông sản quê hương “xuất ngoại”Nước mía tươi vị tắc MIATA xuất sang thị trường Mỹ, Tây Ban Nha.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, sản phẩm của Lasuco đã có quan hệ hợp tác với thị trường các nước Hồi giáo từ rất sớm. Vì thế, nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia... và các nước Trung Đông. Tuy nhiên, vẫn có những thị trường còn gặp một số khó khăn do sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán kinh doanh. Chẳng hạn để vào thị trường Halal, cần phải có chứng nhận, mà hiện nay ở trong nước mới chỉ có một số tổ chức tư nhân kiểm định và cấp chứng nhận Halal và các chứng nhận này lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận ở tất cả các quốc gia cho tất cả mặt hàng. Ngoài ra, tiêu chuẩn Halal không chỉ áp dụng cho sản phẩm đầu ra, mà là cả quy trình, từ dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt, nguồn nguyên liệu an toàn, cho đến khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản... Vì thế, để đạt được chứng nhận Halal thì chi phí khá lớn, hơn cả chi phí sản xuất sản phẩm xuất khẩu thông thường.

Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đủ điều kiện “xuất ngoại” không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà phải được thực hiện ở quy mô, tầm cỡ quốc gia. Để tạo lập giá trị bền vững, thương hiệu nông sản cần được gắn với chỉ dẫn địa lý mang hình ảnh quốc gia, địa phương qua đó tạo sự khác biệt hóa và nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm. Có làm được như vậy mới góp phần khôi phục nền kinh tế quốc gia và từng bước hội nhập vào xu thế phát triển trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trải qua cơn bão “khủng hoảng kép”.

Bài và ảnh: Ngọc Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]