(vhds.baothanhhoa.vn) - Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á vừa kết thúc. Đội tuyển U23 Việt Nam đã không thể vượt qua được thử thách cuối cùng mang tên U23 Uzbekistan song thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo vẫn viết nên một thiên huyền thoại và đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam, lịch sử bóng đá Đông Nam Á.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyền thoại U23 Việt Nam

Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á vừa kết thúc. Đội tuyển U23 Việt Nam đã không thể vượt qua được thử thách cuối cùng mang tên U23 Uzbekistan song thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo vẫn viết nên một thiên huyền thoại và đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam, lịch sử bóng đá Đông Nam Á.

Chắc chắn, một thời gian rất dài nữa, người hâm mộ bóng đá nước nhà vẫn nhắc đến tên Nguyễn Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Lương Xuân Trường… như một niềm tự hào, một kỷ niệm đẹp.

Người dân cả nước tự hào vì U23 Việt Nam.

Trước hết, cần phải khẳng định ngay rằng, bất kỳ đội bóng nào đã lọt vào đến trận chung kết - trận cuối cùng của một giải đấu - cũng đều xứng đáng lên ngôi vô địch và U23 Uzbekistan lên ngôi là một cái kết đẹp, hợp lý. Một đội bóng đã từng đánh bại U23 Oman, U23 Trung Quốc (nước chủ nhà), U23 Nhật Bản (đương kim vô địch, U23 Hàn Quốc (đương kim á quân), cả U23 Việt Nam nữa… sao không được chọn là “ông vua mới” ở sân chơi dành cho các cầu thủ trẻ dưới tuổi 23? Và đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam dẫu có “về nhì” thì vẫn cứ là huyền thoại!

Ngoài 2 sân chơi khu vực quen thuộc là SEA Games và AFF Suzuki Cup được tổ chức 2 năm một lần và xen kẽ nhau, đây không phải lần đầu tiên các đội tuyển bóng đá của chúng ta tham dự một giải ở tầm châu lục và thế giới: Năm 2000, đội tuyển bóng đá U16 Việt Nam từng giành quyền vào bán kết giải U16 châu Á tổ chức tại Đà Nẵng. Năm 2007, đội tuyển quốc gia Việt Nam lần đầu tiên đặt chân vào tứ kết vòng chung kết Asian Cup cũng trên sân nhà trước khi thua đội vô địch Iraq.

Năm 2017, đội U16 Việt Nam vào tứ kết giải châu Á ở Ấn Độ; đội U19 Việt Nam còn có thành tích vẻ vang hơn khi vào bán kết giải U19 châu Á ở Barain, đồng thời dự FIFA U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc…

Điểm lại lịch sử như vậy để thấy đã nhiều lần chúng ta bước ra khỏi “ao làng” Đông Nam Á, song chưa lần nào các đội tuyển bóng đá Việt Nam có được màn trình diễn thuyết phục như đội U23 lần này. Tính chất của giải đấu cũng khác hẳn: Đây là giải đấu có độ “danh giá” chỉ đứng sau giải dành cho các đội tuyển quốc gia. Nói cách khác, nói tiệm cận với bóng đá đỉnh cao hơn cả, ở cấp độ châu lục!

Tại vòng chung kết giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018, chúng ta khởi đầu bằng thất bại 1-2 trước U23 Hàn Quốc ở lượt trận mở màn nhưng rồi ngay sau đó U23 Việt Nam đã kịp sửa sai bằng trận thắng U23 Austraylia 1-0, hòa U23 Syria 0-0 trước khi oanh liệt vượt qua cả U23 Iraq lẫn U23 Qatar sau loạt đấu luân lưu 11m. Trừ U23 Syria thì hầu hết các đối thủ của Đội tuyển U23 Việt Nam lần này đều là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Có 3/6 đội đến từ Tây Á và 3/6 trận các cầu thủ của chúng ta phải chơi trọn vẹn 120 phút mà không một ai tỏ ra yếu đuối về thể lực hay tinh thần.

Ở trận thắng đầu tiên trước U23 Iraq ở vòng loại trực tiếp, có thể còn có ý kiến cho rằng thầy trò HLV Park Hang Seo ăn may vì trò đá luân lưu penalty bao giờ cũng là cuộc thi đầy may rủi… song đến trận gặp U23 Qatar thì tất cả đều hiểu: Cái gọi là may mắn kia không hề ngẫu nhiên một chút nào - các cầu thủ của chúng ta xứng đáng được nhận vì đã có một giải đấu đầy tự tin, sòng phẳng, quả cảm. Họ cũng có lúc “ngã” (thua Hàn Quốc 1-2) nhưng biết đứng dậy và khi thời cơ đến thì không bỏ lỡ.

Gọi chiến tích của đội tuyển bóng đá U23 quốc gia là huyền thoại còn bởi chẳng biết từ bao giờ, dưới bàn tay nhào nặn của ông thầy người Hàn Quốc Park Hang Seo, các cầu thủ của chúng ta đã có sự cải thiện đáng kể về thể lực, tư duy chiến thuật và nhất là rũ bỏ được sự tự ti, mặc cảm, “yếu bóng vía” trước các đội bóng lớn.

Chắc chắn còn lâu, lâu nữa, các đội tuyển bóng đá của chúng ta mới tái lập hoặc vượt qua được thắng lợi huy hoàng này. Bởi với một chức vô địch bóng đá nam SEA Games, chúng ta đã phải sống trong khắc khoải gần 60 năm; 1 tấm Huy chương Vàng AFF Suzuki Cup 2008, chúng ta cũng mất trắng ít nhất một thập niên tay không.

Vậy với một thành tích xưa nay chưa từng có ở sân chơi châu lục như trên đây, chúng ta cần bao nhiêu thời gian để tái lập? Hỏi, tức là đã biết cách trả lời!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]