(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong tiếng Việt, “thuốc thang” được dùng với hai nghĩa: 1- Danh từ, có nghĩa như thuốc men (thường gắn với vị thuốc đông y), như “chăm lo thuốc thang”, “bệnh thế này thì thuốc thang nào trị nổi”; 2- Động từ, chỉ việc chữa bệnh bằng các loại thuốc, ví dụ: “Chạy vạy khắp nơi để thuốc thang mà bệnh vẫn chưa khỏi”,...

“Thuốc thang” và “Thang thuốc”

Trong tiếng Việt, “thuốc thang” được dùng với hai nghĩa: 1- Danh từ, có nghĩa như thuốc men (thường gắn với vị thuốc đông y), như “chăm lo thuốc thang”, “bệnh thế này thì thuốc thang nào trị nổi”; 2- Động từ, chỉ việc chữa bệnh bằng các loại thuốc, ví dụ: “Chạy vạy khắp nơi để thuốc thang mà bệnh vẫn chưa khỏi”,...

“Thuốc thang” và “Thang thuốc”

Xung quanh từ “thang” và “thuốc thang” có khá nhiều điều thú vị.

1- “Thuốc thang” không phải là từ láy

“Thuốc” thì đã rõ, nhưng còn “thang” nghĩa là gì? Sách Hình thái học trong từ láy tiếng Việt (Phan Ngọc - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2013) cho rằng, “thuốc thang” là một từ láy, trong đó, “thuốc” là chính tố chỉ chất chữa bệnh. “Thang” ở đây là láy và “thuốc thang” chỉ thuốc nói chung”; tác giả phân tích thêm, “chữ “thang” (+) trong “thang thuốc” là âm tiết độc lập, có lẽ bắt nguồn từ “thuốc thang”.

Thực ra, “thuốc thang” là từ ghép đẳng lập, trong đó “thuốc” là chất được chế biến để dùng chữa bệnh (như Phan Ngọc đã phân tích), còn “thang” 湯 là một từ Việt gốc Hán, vốn chỉ loại thuốc sắc uống trong đông y (phân biệt với cao đơn hoàn tán). Trong tiếng Việt “thang” được hiểu theo hai nghĩa:

1- Tập hợp những vị thuốc đông y theo đơn của thầy thuốc, dùng để sắc chung với nhau trong một lần thành một liều thuốc uống, đồng nghĩa với “chén” trong “chén thuốc bổ” (Ví dụ: Cờ ba cuộc, cơm ba bát, thuốc ba thang - tục ngữ; “Kể từ ngày xa bạn đến nay/ Tiền riêng uống thuốc mỗi ngày mỗi thang” - ca dao).

2- Vị thuốc đông y dùng phụ làm chất dẫn cho những vị thuốc khác (Ví dụ: Hoán thang bất hoán dược; Thuốc cảm lấy gừng làm thang; “Đã đi đến đám chơi xuân, Chẳng nhiều thì ít, ta bốc nhân trần ta để làm thang” - ca dao).

Phan Ngọc cho rằng, “chữ “thang” (+) trong “thang thuốc” là âm tiết độc lập, có lẽ bắt nguồn từ “thuốc thang”. Tuy nhiên, “thang” trong “thuốc thang” là chất dẫn thuốc (Ví dụ: Thuốc với chả thang), còn “thang” trong “thang thuốc” lại có nghĩa tương đương với “chén” trong “chén thuốc”.

Như vậy, “thuốc thang” là từ ghép đẳng lập chứ không phải từ láy.

2- “Thuốc thang” - từ “từ” đến “ngữ”:

Liên quan đến từ “thang”, tiếng Việt có thành ngữ “Hoán thang bất hoán dược”. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung - Vũ Thuý Anh - Vũ Quang Hào” giải thích: “(thang: tập hợp những vị thuốc đông y dùng để sắc chung với nhau một lần thành một liều thuốc uống). Thay thang không thay thuốc, chỉ gia giảm mức độ, liều lượng, cách thức chứ không thay đổi thành phần, cốt yếu; Thay đổi phương pháp còn giữ nguyên nội dung”.

Cách giải thích nghĩa đen của Nhóm Vũ Dung mâu thuẫn và không đúng. “Mâu thuẫn” bởi nếu “thang” là “tập hợp những vị thuốc đông y...”, thì “thang” đồng nghĩa với “thuốc” (bài thuốc, phương thuốc); và “hoán thang” (thay thang) tức là “hoán dược” (thay thuốc) rồi, sao lại còn gọi là “thay thang không thay thuốc, chỉ gia giảm mức độ, liều lượng, cách thức chứ không thay đổi thành phần, cốt yếu”?.

Thực ra “thang” trong câu “Hoán thang bất hoán dược” là chất phụ gia, chất dẫn thuốc (nghĩa thứ 2 của “thang” mà chúng tôi đã phân tích ở mục 1). Theo đây, “Hoán thang bất hoán dược”, có nghĩa là giữ nguyên các vị thuốc, chỉ thay chất phụ gia, chất dẫn thuốc.

Trong các loại chất làm “thang” trong Đông y, thì thông dụng nhất là gừng. Bởi thế, dân gian có câu “Đói no vua bếp hay; đắng cay bà gừng biết”. Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương) giải thích câu này là “Cả khi đói lẫn khi no vua bếp đều biết tường tận; cả khi khỏe mạnh lẫn khi ốm đau bà gừng đều biết rõ hết. Hay dùng để ngợi khen lòng cảm thông sâu sắc của ông Táo và củ gừng đối với thân phận của người nghèo ở nông thôn hồi trước”. Tác giả từ điển chú thích“bà gừng” có nghĩa là “Tên dân gian hay dùng để gọi củ gừng theo lối ẩn dụ, vị thầy thuốc tài ba vẫn cứu giúp người dân quê nghèo trong việc chạy chữa mọi thứ bệnh tật”. Thực ra đây là lời “tán” này vô căn cứ, bởi nghĩa đen của câu tục ngữ được hiểu: ông Bếp phụ trách việc bếp núc nên gia chủ đói hay no, nấu nướng ăn uống món gì đều không giấu được; còn “bà Gừng” thường được dùng để làm thang (cắt ba lát gừng tươi bỏ chung với ấm thuốc để đun). Vì “nằm” ngay trong siêu thuốc suốt quá trình sắc thuốc, nên thuốc đắng hay cay “bà gừng đều biết” cả, không thể giấu được. Nghĩa bóng câu tục ngữ này là: Không thể giấu giếm được sự thật; Sự thật sẽ được xác minh bởi những người trong cuộc. Theo đây, vai trò của “bà Gừng” chỉ là phụ gia dẫn thuốc để tăng công hiệu của thuốc, chứ không phải “vị thầy thuốc tài ba vẫn cứu giúp người dân quê nghèo trong việc chạy chữa mọi thứ bệnh tật”.

Như vậy, việc tìm ra nghĩa đẳng lập của “thang” trong “thuốc thang”, không chỉ giúp ta hiểu sâu, hiểu đúng nghĩa của từ, mà còn hiểu chính xác những câu thành ngữ, tục ngữ có liên quan.

Hoàng Trinh Sơn (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]