(vhds.baothanhhoa.vn) - Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời…

Trong miền ký ức: Hai vị của bưởi đào

Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời…

Trong miền ký ức: Hai vị của bưởi đào

Hồi ấy ở làng tôi, có được cây bưởi ngọt đã là hiếm, đằng này nhà cái Mỡ lại có hẳn cây bưởi đào, quả không quá to nhưng ngọt lịm, lại chín sớm và sai lúc lỉu. Bố Mỡ làm bộ đội, đóng quân ở biên giới, lấy giống cây bưởi này về trồng từ khi còn chưa lập gia đình. Nhà Mỡ quý cây bưởi ấy như người thân, bởi nhờ có cây bưởi mà vào mỗi năm học mới, chị em Mỡ có thêm bộ quần áo mới. Đó còn là thức quà quê thơm thảo mà mẹ Mỡ dành gửi lên đơn vị của bố Mỡ, tặng họ hàng, xóm giềng, mà phải chọn “Bưởi cành la, na cành bổng” để biếu.

Cái Mỡ xinh từ bé. Đến những năm cuối cấp hai thì cô nàng đã phổng phao lắm rồi, lại thêm nước da con gái nông thôn mà trắng hồng, nên khiến khối đứa trai làng khác ngơ ngẩn, trong đó có cả đám thanh niên đã học cấp ba trên trường huyện.

Chính điều đó đặt ra yêu cầu cho lũ trai làng tuổi ẩm ương bọn tôi phải “bảo vệ” hoa khôi của làng, như cái cách các đàn anh trong làng tối tối tụ tập ở cổng làng để ngăn trai làng khác vào tán gái làng mình vậy.

Chỉ khác là, chúng tôi không bày ra các trò tai quái như các đàn anh, như bắt trai làng khác xuống ao giữa đêm đông, khi nào mò được con ốc đực mới cho lên; bắt tự cắt tóc trên đầu; bắt cởi quần dài, mặc “trên Đông dưới Hè” đến nhà bạn gái… Chúng tôi chỉ nhắm vào thời điểm cây bưởi đào nhà Mỡ chín tới, thì mới triển khai “nhiệm vụ” bảo vệ.

Đám học trò trong làng chỉ có mỗi Cu Sứt được đi học bằng xe đạp, cái xe “Thống Nhất cởi truồng” khung ngang. Mỗi ngày, cái xe ấy phải “thồ” ba bốn đứa cả trai cả gái đến trường. Cái cảnh cả bọn túm tụm vừa đạp, vừa chạy, vừa đẩy, có khi vừa hò reo vừa khiêng xe chạy trên con đường đất mấp mô, ngoằn nghèo giữa cánh đồng, trông vui mắt như người ta khiêng kiệu trong hội làng vậy.

Những ngày cây bưởi chín, Mỡ được ưu tiên ngồi một mình trên gác ba ga để mấy thằng thay nhau gò lưng đưa đi, đón về. Cứ vài ba hôm, khi “đoàn hộ tống” lao vào sân nhà Mỡ, mẹ Mỡ - một cán bộ phụ nữ của xã lại ngừng tay làm việc nạt vui: “Cha bố lũ quỷ sứ,… đi học mà như đi hành quân”. Thằng Cu Sứt nhanh mồm: “Gớm, tháp tùng công chúa nhà u đi học mệt mướt mồ hôi ấy. U ơi, bưởi chín chưa u”. “Biết rồi, tôi phần các anh chị mấy quả to nhất trên bàn rồi đấy”. Chỉ chờ có thế, cái xe đạp bị quẳng ngay vào đống rơm, cả bọn nhảy cẩng lên sà ngay vào cái rổ đựng bưởi. Đang khát khô họng mà được chén múi bưởi đào mọng nước, ngọt mát như đường phèn, thật khiến vị giác ngất ngây.

Mỡ đi chăn bò. Không sao cả, cứ việc ngồi chơi chúc chuyền, chơi ô ăn quan với đám bạn gái. Bò nhà Mỡ được ăn ở vạt cỏ xanh ngon nhất, được trông sao cho không phạm sang bãi chăn thả làng bên, được tắm táp sạch sẽ trước khi về, một buộc cỏ to đùng cho bữa tối cũng được chuẩn bị sẵn. Đổi lại buộc cỏ tướng ấy, sẽ là một quả bưởi đào căng mọng.

Chị em Mỡ phải phơi lúa, thu rơm. Không sao cả, xong phần việc nhà, thằng nào thằng nấy xúm vào, đứa cào rơm, đứa thu lúa. Sau khi khiêng lúa chất vào hè, thể gì mẹ Mỡ cũng cảm ơn rối rít rồi… mời bằng được chúng tôi “nhà chỉ có mấy múi bưởi cô đã tách sẵn, mấy đứa nghỉ ngơi ăn rồi hẳng về nhà”. Dù không ít đứa bị bố mẹ la “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, nhưng cảm giác được chị em Mỡ tách bưởi đào cho ăn, vừa ăn vừa chạo nhau rôm rả, quả thật có bị roi nát đít cũng đáng để đánh đổi.

Sau những “bữa tiệc bưởi” ấy, những hạt bưởi được chị em Mỡ gom lại phơi khô, gần tết Trung thu thì cả bọn túm tụm ngồi tách vỏ, xâu hạt. Những xâu đèn bưởi ấy sẽ sáng lấp lánh vào đêm Trung thu, tỏa ra mùi tinh dầu thơm ngọt lẫn với mùi rơm thoang thoảng quấn quýt trên đường làng.

Trung thu năm ấy, năm chúng tôi lên lớp 8, chị em Mỡ mời chúng tôi đến nhà, nói sẽ chiêu đãi chúng tôi một chầu bưởi đào căng bụng, khiến đứa nào cũng háo hức. Mâm cỗ trung thu được bày giữa sân nhà Mỡ năm ấy đến là tươm tất, ngoài bưởi còn có nhiều thứ quả và cả bánh, kẹo mà bố Mỡ gửi về. Sau khi đánh chén “căng diều” thì cả bọn lục tục chuẩn bị đốt đèn hạt bưởi, đèn ông sao, đèn ống bơ, đeo mặt nạ đi… “diễu hành”. Nhưng chị em Mỡ thì cứ ngồi buồn thiu mân mê xâu hạt bưởi. Gặng hỏi mãi thì hai chị em khóc òa lên, nức nở “tớ sắp… chuyển… nhà rồi… Sắp… rời… làng rồi…”.

Cả bọn thần người, ánh trăng rười rượi trên tàng lá bưởi. Mẹ Mỡ cũng sụt sùi, bảo bố Mỡ được chuyển công tác về thành phố, nên muốn đón mẹ con Mỡ lên đoàn viên sau một thời gian dài “một nhà hai bếp”.

Mỡ có thêm một vài lần về làng, rồi từ khi căn nhà ở quê được bán, chúng tôi không còn gặp lại cô bạn xinh nhất làng. Chỉ thỉnh thoảng bạn bè tụ tập hàn huyên chuyện cũ, thảng nhớ lại vị bưởi đào khé cổ vào đêm Trung thu. Có thằng chép miệng bảo, giá không có cuộc chia ly ngày ấy, sẽ “bảo vệ” Mỡ cả bốn mùa chứ không riêng gì mùa bưởi.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]