(vhds.baothanhhoa.vn) - Bàn hoàn và bàng hoàng là hai từ Việt gốc Hán mang hai nghĩa khác nhau, nhưng thường bị nhiều người (kể cả các nhà biên soạn từ điển và người cầm bút chuyên nghiệp) hiểu lầm, cho rằng, bàn hoàn  là sự cố chính tả của bàng hoàng; hoặc bàng hoàng là cách viết thông dụng hơn của bàn hoàn. Một số người khác lại không hề biết rằng, trong tiếng Việt có một từ là bàn hoàn.

“Bàn hoàn” có phải là sự cố chính tả của “Bàng hoàng”

Bàn hoàn và bàng hoàng là hai từ Việt gốc Hán mang hai nghĩa khác nhau, nhưng thường bị nhiều người (kể cả các nhà biên soạn từ điển và người cầm bút chuyên nghiệp) hiểu lầm, cho rằng, bàn hoàn là sự cố chính tả của bàng hoàng; hoặc bàng hoàng là cách viết thông dụng hơn của bàn hoàn. Một số người khác lại không hề biết rằng, trong tiếng Việt có một từ là bàn hoàn.

“Bàn hoàn” có phải là sự cố chính tả của “Bàng hoàng”

Điển hình có thể kể đến Từ điển chính tả tiếng Việt (PGS. TS Hà Quang Năng chủ biên - ThS Hà Thị Quế Hương, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2017), mục “bàn” được nhóm tác giả chú giải là “BÀN: bàn hoàn (tv. bàng hoàng)”. Theo đây, nhóm tác giả từ điển đã sai khi cho rằng, “bàn hoàn” thường được viết (tv.) dưới dạng khác là “bàng hoàng” (có nghĩa hai từ là một).

Một ví dụ điển hình khác. Chương trình Vua tiếng Việt (Mùa 2/2023 – Đài Truyền hình Việt Nam) yêu cầu người chơi “Viết lại cho chính xác từ sau: “Bàn hoàn”. Người chơi viết lại là “bàng hoàng”, và được người dẫn chương trình Vua tiếng Việt chấp nhận là “đáp án chính xác”!

Dĩ nhiên, hướng dẫn của Từ điển chính tả tiếng Việt và đáp án của Vua tiếng Việtđều hoàn toàn sai. “Bàn hoàn” và “bàng hoàng” là hai từ Việt gốc Hán, có tự hình và nghĩa từ vựng khác nhau. Cụ thể:

1- Về từ bàn hoàn 盤桓

Đây là từ ghép chính phụ gốc Hán, mà nghĩa của từng yếu tố được Hán ngữ đại từ điểnHán điển giản như sau:

- Bàn 盤: vòng quanh; bồi hồi; quanh quẩn (ví dụ: bàn nhiễu - 盤繞 = quẩn quanh, vòng quanh; bàn toàn - 盤旋 = vặn xoắn, loanh quanh; bàn khúc - 盤曲 = quanh co, khúc khuỷu, uốn khúc);

- Hoàn 桓: lo nghĩ (nguyên văn: ưu dã - 憂也; ưu lự - 憂慮).

- Bàn hoàn: bồi hồi; quanh quẩn [nguyên văn: bồi hồi - 徘徊; đậu lưu 逗留].

Trong tiếng Việt, cả bànhoàn đều là những yếu tố phụ thuộc, không có khả năng độc lập trong hành chức, nên thường được các nhà biên soạn từ điển xếp vào diện “từ láy”.

Bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy (Hồ Chí Minh) có câu:

Lòng riêng riêng những bàn hoàn

Lo sao khôi phục gian san Tiên Rồng.

Truyện Kiều cũng có câu:

Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn

Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.

2- Về từ bàng hoàng 彷徨

Đây là một từ mà ngay cả trong tiếng Hán, thì bànghoàng cũng đều là hai yếu tố phụ thuộc, và được xem là từ lũy vận (tương tự khái niệm láy âm trong tiếng Việt). Ví dụ, mục bàng 彷, từ điển Hán ngữ hướng dẫn xem bàng hoàng 彷徨; mà mục hoàn, lại tiếp tục hướng dẫn xem bàng hoàng 彷徨.

Trong tiếng Việt, bàng hoàng được sử dụng với nghĩa như trong tiếng Hán. Và, cả hai mục từ bàn hoànbàng hoàng đều được Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Trung tâm Từ điển học Vietlex, bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt) thu thập và giảng như sau:

-“bàn hoàn• 盤桓: 1 [cũ, vch] quấn quýt không rời. “Phu nhân nửa lệ nửa buồn, Đòi công tử lại mẹ con bàn hoàn.” (Nhị độ mai). 2 [cũ, vch] nghĩ quanh quẩn không dứt. “Nỗi riêng riêng những bàn hoàn, Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.” (TKiều).

-“bàng hoàng • 徬徨 t. ngẩn người ra, choáng váng đến mức như không còn ý thức được gì nữa. “Bàng hoàng dở tỉnh dở say, Sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu.” (TKiều) ~ “Tôi cứ đứng ngẩn tại chỗ mất một lúc, bàng hoàng vì bỗng dưng mất một món tiền to quá.” (Nguyễn Khải; 26). Đn: sững sờ”.

Sở dĩ có sự nhầm lẫn như đã nêu ở trên, là do trong thực tế, nhiều người chỉ biết đến từ bàng hoàng, chứ không biết đến từ bàn hoàn. Và nguyên nhân này lại do bàn hoàn là một từ chỉ tồn tại trong văn chương, sách vở (thường được các nhà biên soạn từ điển được xếp vào nhóm từ vch = văn chương), nghĩa là nó không được dùng trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày.

Như vậy, bàn hoàn không phải là sự cố chính tả của bàng hoàng; cũng không phải bàng hoàng là cách viết thông dụng của bàn hoàn, mà đây là hai từ khác nhau, mang nghĩa khác nhau. Bởi vậy, cần chú ý để phân biệt giữa bàn hoànbàng hoàng, kẻo “sai một li, đi một dặm”.

Hoàng Tuấn Công


Hoàng Tuấn Công

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]