(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu ví di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh như một bức tranh đẹp, thì các loại hình dân ca dân vũ chính là những sắc màu rực rỡ trong bức tranh di sản ấy. Là tiếng hát, điệu múa được sinh ra từ trong đời sống sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất, dân ca dân vũ mang “bản sắc” của mỗi vùng miền, dân tộc, địa phương. Trải qua thời gian bồi đắp và phát triển, đến hôm nay dân ca dân vũ không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là đặc điểm “nhận dạng” văn hóa xứ Thanh.

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ: Rực rỡ “sắc màu”

Nếu ví di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh như một bức tranh đẹp, thì các loại hình dân ca dân vũ chính là những sắc màu rực rỡ trong bức tranh di sản ấy. Là tiếng hát, điệu múa được sinh ra từ trong đời sống sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất, dân ca dân vũ mang “bản sắc” của mỗi vùng miền, dân tộc, địa phương. Trải qua thời gian bồi đắp và phát triển, đến hôm nay dân ca dân vũ không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là đặc điểm “nhận dạng” văn hóa xứ Thanh.

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ: Rực rỡ “sắc màu”Múa đèn là một trong những trò diễn tiêu biểu của dân ca dân vũ Đông Anh (Ngũ trò Viên Khê).

Có ý kiến cho rằng, nhắc đến xứ Thanh - nhớ đến hò sông Mã. Nếu như, nghe tiếng hò của người dân Nam bộ, người ta “thấy” bát ngát cò bay của đồng ruộng mênh mông; hay tiếng hò trên sông Hương êm đềm thiết tha, thì hò sông Mã dường như theo một lối riêng: nhọc nhằn, vất vả mà hào sảng, tâm tình, chất phác, mộc mạc. Tất cả được diễn xướng trên con đò dọc sông Mã.

Sông Mã từ thượng nguồn chảy về đến Ngã Ba Bông thì tách dòng, một nhánh xuôi về Hàm Rồng đổ ra biển, một nhánh tạo nên sông Lèn qua các huyện Hà Trung, Hậu Lộc. Khi xưa, giao thông đường thủy giữ vai trò chủ đạo thì sông Mã là nơi đò ngược xuôi chuyên chở hàng hóa giao thương giữa các vùng miền. Hình thành từ trong vất vả lao động của người chống đò khi xưa, tuy nhiên hò sông Mã không đơn thuần “một màu”, những điệu hò phản ánh đầy đủ hành trình của con đò từ khi rời bến cho đến khi cập bến, từ việc mời khách “rửa chân xuống đò” cho đến khi “rời thuyền lên bến”.

Nhìn lại lịch sử của dân tộc Việt Nam, từ dựng nước đến giữ nước, gốc của mọi sức mạnh là tinh thần đoàn kết. Và điều này một lần nữa được minh chứng trong di sản hò sông Mã của người xứ Thanh. Trên những chuyến đò ngược xuôi sông Mã luôn là một tập thể người lao động tràn đầy sức mạnh. Trong đó, người cầm lái - “Hóp đò” cũng chính là người “bắt cái” - “xướng” câu hò trên mỗi chặng sông. Sách Địa chí Thanh Hóa (tập 2) viết: “Như vậy người bắt cái ngoài việc giàu kinh nghiệm sông nước, luồng lạch còn phải là người có vốn câu hò phong phú, nhớ nhiều vận giỏi, thuộc bài “Nhật trình sông Mã” dài gần trăm câu, thuộc truyện Nôm như Phương Hoa, Phạm Công, Tống Trân… và cả Kiều nữa để có thể hò hàng đêm dài trên hành trình sông Mã. Người bắt cái còn phải là người tốt giọng, hò hay, vừa hò để thúc đẩy lao động của các chàng trai đò, vừa ý nhị “giao tiếp qua lời hò” với khách nằm đò, nhất là các bà, các chị. Người bắt cái gắn các chàng trai đò vào công việc, gắn khách nằm đò với con đò nên nhiều người “mê đò dọc”. Phải chăng vì thế, mà “Về nhà cha mắng mẹ hò/ Nhưng em chẳng bỏ con đò được đâu”.

Hò sông Mã có nhiều điệu, trong đó có 5 khúc điệu riêng, ứng với 5 cung đoạn chèo chống con đò trên sông. Nói về nét đẹp của hò sông Mã, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Hải nhìn nhận: “Hò sông Mã được tạo ra từ trong chính đời sống lao động. Vì thế, nét đẹp trước hết của hò sông Mã là nét đẹp lao động, được những thế hệ người dân lao động tiếp nối, bồi đắp và hoàn chỉnh. Cũng bởi mang nét đẹp lao động nên hò sông Mã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống người dân xứ Thanh. Thậm chí, có thể xem như một “chỉ dấu” để nhận dạng văn hóa xứ Thanh. Bởi nhắc đến hò sông Mã là nhớ đến đất và người xứ Thanh”.

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ: Rực rỡ “sắc màu”Từ “chất liệu” hò sông Mã trong dân gian, NSND Hoàng Hải đã tạo nên tác phẩm “Âm vang sông Mã” gây được tiếng vang trên sân khấu chuyên nghiệp cả nước.

Nhưng dân ca dân vũ xứ Thanh không chỉ có hò sông Mã, đó còn là hát giao duyên của đồng bào dân tộc Thái - khặp Thái; diễn xướng pồn pôông; hát sắc bùa của người Mường; trò diễn Xuân Phả… và không thể không kể đến di sản văn hóa phi vật thể Ngũ trò Viên Khê - Dân ca dân vũ Đông Anh - loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo mang nét đặc trưng của cư dân nông nghiệp.

“Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…”. Những câu ca quen thuộc với mỗi người Việt từ thuở còn nằm nôi. Và “cái nôi” của câu ca ấy là vùng đất cổ Viên Khê, ngày nay thuộc xã Đông Khê (Đông Sơn) xứ Thanh.

Hệ thống trò diễn của Ngũ trò Viên Khê vô cùng đặc sắc. Trong đó, phổ biến nhất có lẽ là múa đèn với nhiều lớp văn hóa cổ, liên quan đến lịch tiết sản xuất nông nghiệp lúa nước. Múa đèn là vũ khúc có lời ca do các cô gái trong trang phục quần trắng, áo đỏ, thắt lưng xanh, đầu chít khăn vành rây bằng nhiễu đỏ, bên trong là khăn trắng nếp to, trên đầu đội đĩa đèn thắp sáng, vừa hát vừa múa với những động tác cơ thể mềm mại. Nội dung của múa đèn nói đến công việc sản xuất của nhà nông trong năm: thắp đèn; luống bông, luống đậu; vãi mạ; chẻ lạt đan lừ; nhổ mạ; đi cấy; kéo sợi; dệt vải; vá may; đi gặt. Trò diễn được kết thúc bởi ba điệu múa “đánh gà luộc, cúng cơm mới, dâng oản” thể hiện sự biết ơn của người dân trước đấng thần linh phù hộ cho một năm mùa màng bội thu.

Bên cạnh múa đèn, các trò diễn thuộc di sản văn hóa phi vật thể Ngũ trò Viên Khê cũng thể hiện tình cảm, quan niệm tình yêu, ước vọng cuộc sống và cả gián tiếp lên án những thói hư tật xấu còn tồn tại… lời hát kết hợp vũ điệu tạo nên vẻ đẹp độc đáo của loại hình dân ca dân vũ vùng châu thổ sông Mã.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), kiểm kê tại 17/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có 663 di sản văn hóa phi vật thể (529 di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại, 76 di sản bị mai một và 58 di sản đã mai một) trong đó các loại hình dân ca dân vũ chiếm số lượng lớn. Các loại hình dân ca dân vũ tiêu biểu của xứ Thanh có thể kể đến: dân ca, dân vũ trong sinh hoạt thường nhật (hò lao động; hát giao duyên; hát ru; hát chèo…) và dân ca, dân vũ lễ nghi, tín ngưỡng, phong tục (Ngũ trò Viên Khê, trò Xuân Phả, diễn xướng múa đèn, diễn xướng chèo chải, diễn xướng hầu đồng, hát múa nghi lễ thờ cúng của dân tộc Mông, hát múa nghi lễ thờ cúng dân tộc Mường…).

Các loại hình dân ca dân vũ lưu truyền qua thời gian là tinh hoa văn hóa của cha ông, góp phần “dệt” nên bức tranh văn hóa xứ Thanh. Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa - Sở VH,TT&DL cho biết: “Dân ca, dân vũ của các dân tộc tỉnh Thanh Hóa có tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng, địa phương, không chỉ được trao truyền mà còn được kế thừa, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới. Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời là động lực tạo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội”.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]