(vhds.baothanhhoa.vn) - Huyện Bá Thước có lịch sử hình thành và phát triển rất sớm. Từ thời hậu kỳ đá cũ, cách ngày nay hàng vạn năm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trong các hang động những dấu tích của người nguyên thủy, minh chứng cho bước phát triển liên tục của con người.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ

Huyện Bá Thước có lịch sử hình thành và phát triển rất sớm. Từ thời hậu kỳ đá cũ, cách ngày nay hàng vạn năm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trong các hang động những dấu tích của người nguyên thủy, minh chứng cho bước phát triển liên tục của con người.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổBiểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Mường Khô, xã Điền Trung (Bá Thước).

Khu di tích khảo cổ học Mái Đá Điều nằm cạnh tỉnh lộ 523D, ở thôn Khiêng, xã Hạ Trung được xác định là nơi sinh sống của người Việt cổ cách đây khoảng 3.000 năm. Năm 1984, trong cuộc điều tra khảo cổ miền Tây Thanh Hóa, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện một loạt hang động cổ sinh hóa thạch ở huyện Bá Thước, bao gồm: hang làng Tráng (Lâm Xa), hang Cuôn (Tân Lập), hang Cốc (Thiết Ống), hang Mái Đá Điều (Hạ Trung). Trong số các hang này, Mái Đá Điều được Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khai quật 4 lần vào các năm 1986, 1988, 1993 và 1996. Riêng cuộc khai quật năm 1988, 1993 là nằm trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Bulgaria. Kết quả thu được nhiều hiện vật công cụ bằng đá, như: mảnh tước đã tu chỉnh, rìu ngắn, công cụ 1/4 viên cuội được xác định là công cụ của “chủ nhân” văn hóa Sơn Vi muộn, kéo dài đến văn hóa Hòa Bình. Ðặc biệt, tại đây đã tìm thấy 10 mộ cổ, trong đó có một mộ song táng, hai bộ xương chớm hóa thạch còn tương đối nguyên vẹn. Bên ngoài hang Mái Đá Điều có tổ mối khổng lồ án ngữ trước cửa hang. Năm 2005, UBND tỉnh công nhận Mái Đá Điều là Di tích khảo cổ học cấp tỉnh. Hàng năm vào ngày 15 tháng Giêng, xã Hạ Trung lại mở hội, dâng hương tế thần núi; cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà được bình an, hạnh phúc.

Đền thờ Quận công Hà Công Thái được xây dựng vào thế kỷ XIX, do gia tộc Hà Công, một gia tộc cai quản xứ Mường Khô quản lý, dùng để thờ các vị thần linh. Thời Vua Gia Long, Minh Mạng, gia tộc họ Hà Công có ông Hà Công Thái có công đánh giặc ở trấn Hưng Hóa và dẹp giặc cỏ ở vùng biên giới Việt Lào, giúp nhà Nguyễn thống nhất giang sơn. Vì vậy, ông Hà Công Thái được triều đình nhà Nguyễn phong tước Quận công, có quyền cai quản từ dốc Eo Lê, chợ Mầu, chợ Bãi, Mường Ne cho đến tận ngọn nguồn sông Mã. Sau khi ông mất, mộ của ông được đặt tại Đồng Tràng, gần đền thờ. Trong đền thờ Gia tộc họ Hà Công đã xây thêm một ngôi nhà tại khuôn viên chùa Mèo để thờ Quận công Hà Công Thái, sau này thờ sĩ phu Hà Văn Mao và Hà Triều Nguyệt. Từ đó, chùa Mèo trở thành nơi đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh cho đất Mường Khô nói riêng, huyện miền núi Bá Thước nói chung.

Tuy nhiên, giai đoạn 1960-1964, máy bay Mỹ bắn phá, chùa Mèo bị phá hủy hoàn toàn, từ đó các nghi thức tế lễ và các trò chơi, trò diễn dân gian cũng dần mai một. Việc cúng tế chỉ còn duy trì trong gia tộc Hà Công. Đến tháng 11/2009, được sự quan tâm của UBND tỉnh, ngành văn hóa, UBND huyện Bá Thước đã tiến hành khôi phục, xây dựng lại đền thờ Quận công Hà Công Thái để đáp ứng lòng mong mỏi của Nhân dân các dân tộc huyện nhà. Ngày 9/12/2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4075/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử đền thờ Quận công Hà Công Thái là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Từ đó, hằng năm vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch, UBND huyện Bá Thước, cụm Hồ Điền tổ chức lễ hội Mường Khô, khôi phục lại lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời cũng là dịp truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu hiểu hơn về bản sắc dân tộc mình. Mới đây nhất, tại Quyết định số 3415/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ hội Mường Khô của huyện Bá Thước vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trao đổi với chúng tôi về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn, ông Hà Nam Khánh, Trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Bá Thước, cho biết: Bá Thước không chỉ là vùng đất cổ, có con người hội cư từ rất sớm, mà còn là vùng đất gắn liền với tiến trình lịch sử dân tộc. Hiện nay, huyện Bá Thước có 55 di tích, với nhiều loại hình phong phú, như: Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khảo cổ học, trong đó có 9 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Mỗi di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng đều gắn với những huyền thoại, những truyền thuyết lịch sử hay những nhân vật tên tuổi trong sử sách, tất cả đã tạo nên một không gian văn hóa của vùng đất Bá Thước giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành huy động có hiệu quả và sử dụng hợp lý các nguồn vốn cho hoạt động văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng nói riêng. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư ngân sách để tu bổ, chống xuống cấp các di tích đã được xếp hạng, có giá trị cao về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch đồng bộ cả về số lượng và chất lượng; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh. Phấn đấu đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Tiến Đông



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]