(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi Bùi Hoàng Dương quyết định rời Hà Nội về quê nhà ở xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành vào tháng 7-2021, bạn bè, những người quen biết anh đều phản ứng. Có người bảo anh khùng, điên, dở người. Còn cá nhân anh lại thấy chả có chuyện gì, đơn giản là dịch chuyển, mà dịch chuyển về quê là an toàn nhất.

Bùi Hoàng Dương và sự đánh cược với hội họa

Khi Bùi Hoàng Dương quyết định rời Hà Nội về quê nhà ở xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành vào tháng 7-2021, bạn bè, những người quen biết anh đều phản ứng. Có người bảo anh khùng, điên, dở người. Còn cá nhân anh lại thấy chả có chuyện gì, đơn giản là dịch chuyển, mà dịch chuyển về quê là an toàn nhất.

Bùi Hoàng Dương và sự đánh cược với hội họaTác phẩm Mo Mường.

Bùi Hoàng Dương đến với hội họa theo một cách rất tự nhiên. Sau khi tốt nghiệp THPT, thực hiện mong muốn xây dựng hệ thống du lịch của cha mẹ, anh theo học ngành Quản lý Du lịch ở Trung Quốc. Tuy nhiên, càng học càng không hứng thú, rồi Dương “lén” đổi sang học Trung Quốc ở lĩnh vực hội họa và thư pháp.

Về nước, từ năm 2005 - 2007, Dương làm đủ thứ từ chụp ảnh, sắp đặt, tranh mực nho giấy xuyến chỉ và giấy dó… Anh không dừng lại ở tranh giá vẽ mà song hành là các dự án điêu khắc không gian, video art, sắp đặt,… nhằm phục vụ nghệ thuật của riêng mình một cách hợp lý nhất. Và anh đã có triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Mãi yêu Hà Nội”. Năm 2010-2012, anh tiếp tục đi học ở Úc, thậm chí có lúc muốn xin visa định cư, nhưng vì chọn việc vẽ nên lại trở về.

Chuyến về quê nhà ở Thạch Thành, ban đầu đơn giản vì anh mệt mỏi với những lo toan trả tiền nhà, tranh không bán được suốt 2 năm Covid-19. Nhưng hơn hết anh nhận ra việc lang thang 20 năm đã đủ mệt, nên về thôi. “Sau 20 năm, cái lãi nhất của tôi là có một đống tranh, có những người yêu tôi trong nghệ thuật, và những giá trị khác về mặt tinh thần”.

Sinh tuổi Tuất, 40 tuổi, anh có trong tay mình hơn 400 bức tranh chó. Có thể ai đó sẽ ngạc nhiên bởi sao chỉ với một loài vật mà anh có thể xoay đi, trở lại lắm thế. Anh thủng thẳng nói về chó với một tình yêu đặc biệt: “Cái tôi cần học duy nhất là tình yêu của chúng dành cho tôi bởi tình yêu của tôi chưa đủ lớn để dành cho chúng”. Vì thế mà anh nuôi chó, chiều chó và yêu chó đến mức dù ai đó có không thích loài vật này cũng tự nhiên cảm thấy chó đáng yêu đấy chứ.

Trong hành trình nhiều năm theo đuổi nghệ thuật, điều ai cũng có thể nhìn ra là Bùi Hoàng Dương rất dũng cảm. Dũng cảm sống, làm việc, dũng cảm thay đổi.

Là một người con dân tộc Mường, văn hóa Mường và ngôn ngữ Mường cổ hành lễ của những thầy mo luôn cuốn hút Dương. “Tôi không phải là người được lựa chọn theo phần dương và phần âm nên tôi đã dành thời gian cho chính bộ Mo Mường theo cách hiểu của tôi và chuyển hóa mọi hình tượng theo ngôn ngữ tạo hình của riêng tôi, nhịp điệu và màu sắc bay nhảy theo cách mà tôi mong muốn”. Vì thế mà có triển lãm Mo Mường vào giữa năm 2021. Tiếp tục hành trình “tôi đi tìm mình”, sau Mo Mường anh đang làm bộ tranh “Bùa chú” để tổ chức triển lãm vào năm 2023.

Kể từ sau khi về “rừng”, hơn 1 năm nay, anh cùng vài người bạn đã tổ chức 3 cuộc triển lãm với tên gọi Rừng Xòe. Một cái tên rất gợi cảm và mang tính kết nối cao. Lý do đơn giản là mong muốn bổ sung thêm hình thức trưng bày các tác phẩm nghệ thuật ở đa dạng không gian nhằm rút ngắn khoảng cách, đưa nghệ thuật gần gũi hơn với đại đa số người thưởng thức. Thay đổi không gian trưng bày cũng góp phần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ từ nghệ sĩ đến người xem về thực hành và thưởng thức nghệ thuật. Nếu Rừng Xòe 2 tổ chức tại khu vực bãi bồi và trên mặt hồ thuộc bìa rừng nông trường Ngọc Trạo thì Rừng Xòe 3 lại tổ chức ở chợ Bia như cuộc thâm nhập của tranh tượng sắp đặt, trình diễn để tương tác với những sinh hoạt thân thuộc của người dân trong một không gian mở. “Không quá quan tâm đến kết quả của sự kiện, tôi nghĩ ít nhất nó sẽ tạo ra một không khí nghệ thuật gần gũi nhất, bình dân nhất nhưng đủ sang trọng và lịch lãm”.

Về mặt ý tưởng có thể không cần bàn, điều tôi nghĩ đến nhiều nhất là những nghệ sĩ như Dương sẽ luôn phải sống khó khăn về vật chất. Tranh kén đối tượng, không dễ bán, ít nhận được sự đồng cảm của người xung quanh. Chia sẻ điều đó Dương nói: Có khoảng 10 nhà sưu tập yêu quý tôi, mỗi năm mua ít nhất 1-2 bức để nuôi sống tôi theo dạng vật lý vì thế tôi đủ sống theo đúng nghĩa. Không thể có chuyện vẽ làm sao cho đẹp để dễ bán. Tôi mất rất nhiều năm để làm bước thứ nhất, và tôi đã lên bước thứ 2 là sống vì nó và đi đến tận cùng với nó trong khả năng của mình. Cái khó nhất là đổi mới, để tôi dù bị bó hẹp bởi một nhân vật, nhưng phải đa dạng về chủ đề. Thay đổi mà trí tuệ của mình không bị bào mòn.

Cái lạ là Dương lúc nào cũng hừng hực với những ý tưởng mới. Sau triển lãm Hành trình tarot của Dương vào năm 2020. Năm 2021 là Mo Mường. Năm 2022 là Dương: Trong một không gian. Ngoài ra, mỗi năm anh tham gia khoảng 6 triển lãm nhóm. “Tôi muốn mình phải luôn luôn làm việc. Trời ban cho chúng tôi là sự đày ải. Đi đến tận cùng của khổ đau sẽ được gặp cái đẹp. Nhiều lúc tôi vật vã vì nếu không vẽ có thể tôi sẽ bị cùn. Lúc vẽ được là lúc tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc”. Có lẽ vì thế mà ngoài thời gian vẽ, Dương loanh quanh vài việc vặt như giúp bố đi giao nước lọc, tham gia các sinh hoạt của đồng bào như cưới xin, đám ma… và quyết tâm không làm gì để dành toàn bộ quỹ thời gian cho vẽ tranh.

Bùi Hoàng Dương và sự đánh cược với hội họaHọa sĩ Bùi Hoàng Dương.

Tranh của Dương không có sức ép về kiểm duyệt. Quan điểm của anh là không đề cập tới mảng chính trị, tôn giáo mà tập trung khai thác mảng văn hóa. “Nếu để vẽ gây sốc không khó, nhưng không hợp với con người tôi. Tôi yêu thích tìm hiểu tâm linh, và có đức tin rằng nó ở đâu đó trong mỗi người mà họ không thể đoán định trước mà chỉ có cách thông qua trải nghiệm. Tất nhiên tôi lại hứng thú những câu chuyện sử thi, thần thoại hay giấc mơ hơn cả”. Ở đâu có Dương là biết ngay, ngoài cái giọng khê khê thì anh lúc nào cũng tạo hứng khởi cho những người bên cạnh. Nhìn cách anh phiêu theo những bài hát, mà anh hát hay thật, tôi nghĩ người có chất nghệ sĩ thế này thì làm việc tùy thuộc vào cảm hứng, thích thì làm. Nhưng không, cái hứng khởi ấy lại không phải nói xong để đó. Anh luôn đặt ra thời gian và những dự án. Nếu là dự án nhỏ thì định trước 1-2 năm, nếu dự án lớn, anh phải tính toán để có hướng đi đúng. Lúc nào người ta cũng thấy Dương lao động quần quật, mỗi năm tập trung làm một bộ tranh, đâu có dễ. Hướng tiếp theo của anh là đưa tranh ra thị trường Nhật Bản.

Có lẽ không nhiều người thích tranh của Dương. Bởi tranh của Dương không phù hợp với gu thẩm mỹ thời thượng. Màu sắc trầm, tối, có lẽ anh vẽ tứ là chính mà không chú trọng nhiều đến tạo hình.

Tôi nói với Dương, nhìn tranh là biết tính cách người vẽ. Sự cô đơn không chỉ là lẩn khuất mà còn ở ngay trong từng nét vẽ. Nét vẽ dù tô điểm, màu mè thì những cảm thức về việc đứng, ngồi, nằm, gào rú, quằn quại, yêu thương ẩn hiện trong hình hài những con chó. Kể cả khi anh vẽ Mo Mường, người ta vẫn thấy con người ấy đang đứng ở một góc rất nhỏ, rất hẹp để nhìn về miền tâm linh.

Đánh cược với nghệ thuật chính là đối diện với những nỗi cô đơn. Cũng có thể vì thế mà anh lựa chọn về quê nhà. Về để sống chậm lại, sống đúng với mình hơn, bớt những cuộc vui chơi.

Về nhà rồi cũng có thể anh lại ra đi, nhưng chắc chắn anh đã quá lãi với 3 cuộc triển lãm “Rừng xòe”, hoặc ít nhất anh đã khơi gợi cho những đứa trẻ ở vùng trung du này biết và có ý thức về hội họa, về cái đẹp.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]